Thành Phụng do vua Minh Mạng sai xây năm 1836 nằm cách xa khu vực hồ Con Rùa và dinh Độc Lập hiện nay rất nhiều so với thành Quy (đã bị san bằng) và được người Pháp nhắc đến với tên gọi: Citadelle de Saigon, hoặc Plateau de la Citadelle hiểu nôm na là Đồi thành, hoặc thành xây trên Đồi…

Bài 27: Sài Gòn – Con phượng hoàng trong biển lửa

Một Thế Giới | 02/11/2013, 06:54

Thành Phụng do vua Minh Mạng sai xây năm 1836 nằm cách xa khu vực hồ Con Rùa và dinh Độc Lập hiện nay rất nhiều so với thành Quy (đã bị san bằng) và được người Pháp nhắc đến với tên gọi: Citadelle de Saigon, hoặc Plateau de la Citadelle hiểu nôm na là Đồi thành, hoặc thành xây trên Đồi…

           

Đất “tứ phách” thành phụng

Tuy kế thừa thế đất phong thủy cát tường sẵn có của thành Quy (nằm phía Đông Bắc của thành ấy), nhưng do những biến động lịch sử nên thành Phụng lại “yểu mệnh” hơn nhiều, chỉ tồn tại trong 23 năm. Song nếu xét về mặt “địa lợi”, có thể tham khảo phần “yếu luận về địa thế” của Đào Duy Từ (1572 – 1634) – người được chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên) phong tước hầu, giao coi việc quân cơ, dựng lũy Thầy… Đào Duy Từ nhắc đến bốn kiểu đất xấu gồm: Đất thiên khảo với bốn bề đồng bằng, giữa có thung lũng, không nên đóng dinh vì “sợ giặc đánh bốn mặt mà không có lối tiến lui” – chỗ đất chung quanh đều rộng mà bên trong có một núi, một thung lũng (song thiên kháo) thì “kiêng đầu núi, chớ đóng dinh, sợ giặc tự đàng sau qua núi mà ta mất chỗ hiểm, tiến lui đều khó, sẽ bị giặc bắt”. Đất tử trụ chỗ bốn bên bằng phẳng bỗng ở giữa nổi lên “một gò cao hình như cái chậu úp” là chỗ không nên đóng đại doanh vì “một là sợ bốn phương sương gió, hai là sợ bốn mặt bị giặc (vây)”. Đất tử ngục  là chỗ “bốn bề đều có gò núi, ở giữa bằng phẳng hình như cái chậu ngữa”, thì không nên đóng dinh lập trại ở đó vì có thể bị địch dựa thế từ núi cao đánh xuống. Đất tử phách“chỗ tha ma mộ địa (…) sĩ tốt ban đêm hay hoảng hốt, rồi sinh bệnh tật, đó là âm cảm sinh ra” (1).

lien quan phap-tbn tan cong thanh gd 17-02-1859_resize

Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công thành Phụng

Những kiểu đất xấu nêu trên không chỉ ứng dụng nhất thời cho việc lập dinh dựng trại mà còn khiến ta liên tưởng đến việc chọn đất xây thành kiên cố lâu dài. Phải chăng thành Phụng nằm một trong bốn kiểu đất xấu còn đọng nhiều “âm khí” chưa tan? Vì thành Phụng được xây trên nền cũ đổ nát của thành Bát quái vừa mới diễn ra cảnh giao tranh khốc liệt kéo dài suốt 3 năm, kẻ chết tha hương, người bị chặt đầu xẻo tai không ít, nên tuy không hẳn là đất “tha ma mộ địa” nhưng không thiếu oan hồn xiêu dạt, chưa siêu thoát, còn mang âm khí quẩn quanh dật dờ kiểu như “đất tử phách”. Nên dầu là đất phong thủy cát tường (được chọn xây thành Quy cũ) nhưng vẫn không khỏi bị “động” và “chuyển” thành thế bất tường (khi xây thành mới) trùng hợp số mệnh ngắn ngủi của thành Phụng. Thành có 4 cạnh (mỗi cạnh khoảng 490m, chu vi 1.960m) nằm gọn trong 4 con đường tương ứng với các địa điểm nhìn thấy trên bản đồ hiện hành (đầu thế kỷ 21): Nguyễn Du (mặt trước), Nguyễn Đình Chiểu (mặt sau), Nguyễn Bỉnh Khiêm (bên trái) và Mạc Đỉnh Chi (bên phải). Quanh những con đường ấy hồi đó có một hào nước liên hoàn bọc quanh (thành Phụng) rộng hơn 52m, sâu gần 3,2m…

Đó là thành Phụng. Bây giờ nói đến Sài Gòn xưa, nếu nhìn lên bản đồ Trần Văn Học (1815), chúng ta thấy hình thể Sài Gòn xưa từa tựa như hình con “phượng hoàng” gầy gò nhỏ nhắn đang giang đôi cánh mỏng, trải từ Tổng Bình Trị Thượng (hướng Gò Vấp – xã Hanh Thông) đến Tổng Long Hưng Thượng (hướng Phú Thọ – Bình Trị Đông). Xin tạm gọi một cách hình tượng rằng, trung tâm đầu não, trái tim của “phượng hoàng Sài Gòn” chính là thành Phụng – nơi nhà Nguyễn đóng “đại bản doanh” (tham khảo thêm sơ đồ do trung úy Lacrclause vẽ 3.1859, bản đồ Charles Lemyre 1884). Trái tim ấy đã ngừng đập lúc 13 giờ 17.2.1859 (nhằm rằm tháng giêng Kỷ Mùi) – là ngày liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm thành Phụng, hộ đốc Vũ Duy Ninh thắt cổ chết – trở thành vị tướng cao cấp đầu tiên của Việt Nam tuẩn tiết tại miền Nam dưới thời Pháp. Khoảng 20 ngày sau, vào 8.3.1859 (4.2 Kỷ Mùi, nhằm ngày Hỏa, theo Ngũ hành), tướng chỉ huy quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha là Rigault de Genouilly ra lệnh đặt 35 ổ mìn giật nổ cùng một lúc phá tan tành dinh thự, pháo đài và các công trình kiên cố bên trong thành Phụng.

gia_dinh_thanh_chien_resize

Gia Định thành chiến

Cuộc hỏa thiêu làm bốc lên ngọn lửa khủng khiếp cháy suốt đêm ngày, kéo dài hàng tháng, thiêu hủy vô số binh khí và đồ quân dụng của người Việt gồm ngót 85.000kg thuốc súng, với 20.000 cây súng đủ loại (trong đó có 200 đại bác), cả núi gươm giáo, cùng các hầm chứa hỏa pháo, tiêu thạch, diêm sanh, chì và một kho tiền khá lớn ước khoảng 130.000 Francs thời ấy. Đau xót nhất là kho lúa dự trữ lớn tới nỗi đủ cung cấp để nuôi khoảng 8.000 nhân khẩu ăn trong một năm! Trước khi bị thiêu hủy, một nhóm Hoa kiều lúc bấy giờ đã liên hệ với Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp xin mua lại kho lúa trị giá 3.000.000 Francs ấy với giá cao hơn gần gấp 3 lần, tức 8.000.000 Francs. Nhưng tướng Rigault de Genouilly không chịu bán vì sợ số lúa trên sẽ lại lọt vào tay người Việt.

Cụ Vương Hồng Sển đã dẫn lời thuật của ông Charles Lemyre kể lại vào ngày 27.1.1862, Lemyre đến tận nơi “thử thọc cây gậy cầm tay vào đống tro tàn (của thành Phụng), khi rút gậy ra thì (gậy) đã cháy thành than”, chứng tỏ “trận lửa đốt lúa còn ngún ngấm ngầm”. Dư luận Pháp “tỏ ra hối tiếc hành động hủy hoại vô ích của Thủy sư đề đốc Rigault de Genouilly nhưng đã muộn”. Cụ Vương hạ bút: “Cho hay làm tướng đi chinh phục nước khác, có hạng còn chút lương tâm, hạng khác chỉ biết giết chóc, đốt phá, sát hại” và cho biết thêm ngày trước người Pháp dựng tượng đồng của viên tướng ấy ở công trường Mê Linh “tương truyền những đêm mưa bão có bóng lão hình đồng (Rigault de Genouilly) hiện hình gọi đò qua sông. Trời đánh nhiều lần, lão không hầy hấn, tưởng như vậy mà bền gan cùng tuế nguyệt, không ngờ kịp năm đảo chính 1945 – 1946, thanh niên lôi lão, hạ bệ lão xuống, nấu chảy ra biến thành bì súng bắn trả hận năm xưa” (Sài gòn năm xưa).

map 1_resizeBản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815 có hình dáng như chim Phượng Hoàng (cụ Nguyễn Đình Đầu ghi địa danh đầu thế ki 19)

Léopold Pallu với tường thuật đau lòng về chiến trường Sài Gòn

Một tác giả người Pháp đã tham gia cuộc viễn chinh là Léopold Pallu lúc ấy với chức vụ trung úy hải quân đã kể lại trong cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ” (Histoire de L’expédition de Cochinchine en 1861), Hoàng Phong dịch, NXB Phương Đông 2008, có đoạn: “Nhà cửa bên trong thành đều đổ nát. Bụi trắng tạo thành hai lằn dài trắng xóa, ở giữa là lối đi. Đó là gạo bị đốt cháy từ năm 1859 mà đến nay (1862) vẫn còn cháy. Lửa âm ỉ 24 tháng mà vẫn chưa tắt. Các hạt gạo, ở một vài chỗ vẫn còn giữ nguyên hình dáng; nhưng thật ra đã hóa thành tro; gió thổi hoặc chỉ chạm nhẹ sẽ làm tan ra thành bụi. Truyền thuyết cho rằng một kho tàng rất lớn còn nằm trong đống lửa lớn đó” (Sđd tr. 42).

Hai năm sau, quân viễn chinh Pháp mở rộng “vòng lửa”, tiến đánh đại đồn Kỳ Hòa ngày 25.2.1861, Léopold Pallu ghi nhận cảnh tượng tang thương khi lính thủy Pháp và bộ binh Tây Ban Nha hạ được thành và tiến vào, trông thấy: “Những người bị thương còn mang trên ngực một thẻ vàng màu đỏ đặc biệt của quân lính An Nam, họ nằm rải rác dọc theo chân tường thành bên trong; vài người nằm nghiêng một bên, vài người khác thì thở hổn hển, mũi cắm vào đất, cát thấm đầy máu (…) Chúng tôi tiến sâu hơn; sau đó được gọi tập hợp lại và phân phối nơi trú ngụ, các đạo quân liền chiếm các căn nhà mà vừa mới đây kẻ chiến bại còn trú ngụ trong đó. Cơm nấu cho ngày hôm ấy còn để trên kệ, nắm lại thành những nắm lớn thật chặt, gạo màu vàng (…). Lính Pháp gõ vào các cột tre, cột gỗ hiếm hoi còn sót lại, hoặc lùng tìm dưới mặt đất chẳng thấy vàng bạc châu báu gì liền “quay ra đuổi bắt heo sữa và gà mái chạy tản mát trong vòng thành – đến tối, các nồi nấu ăn của ta đều đầy ắp; tiếc thay chỉ thiếu có rượu vang”. (Sđd tr. 334).

danh chiem don ky hoa ngay 25-2-1861_1Quân Pháp dàn trận đánh đại đồn Kì Hoà ngày  25-2-1861

Phía sau thành Kỳ Hòa là “một ngôi làng nghèo nàn, đại đội của chúng tôi tạm trú tại đây. Gian phòng được phân phát dính đầy máu vì trước đây những tên lính bị thương ở thành Ki-oa (Kỳ Hòa) đã lưu ngụ. Vách tường còn bê bết máu cục đã hóa đen và dính đầy tóc. Một quả đại pháo trước đây đã rơi trúng nóc nhà và làm sập xuống một nửa. Phía sau căn nhà nhỏ thê thảm này là một mảnh vườn rau với vài cây thuốc lá (…). Mọi người tiến lên bằng những bước thật ngắn: Giày mang ở chân trở nên nặng như chì. Cuộc hành quân này là một trong những thử thách cam go nhất của chiến dịch Nam Kỳ. Có người ngã lăn chết thẳng cẳng vì bầu trời ác nghiệt; có người thì bất thần phát điên. Một người lớn tuổi cấp bậc hạ sĩ trên chiến hạm Monge, đang cầm cờ cho một đại đội thủy quân, bỗng quỳ xuống vệ đường nói ngọng lắp bắp như một đứa trẻ lên ba. Nhìn ông ta cười một cách thật ngớ ngẩn, thấy thật là hết sức đau lòng. Một giờ sau thì ông ta chết (…). Một người lính thủy chuyên viên cập bến cho tàu, trông thật đáng thương, dính bê bết đất vì trán ướt sũng mồ hôi, đang nằm dài, đầu cắm xuống đất, dây buộc móc câu và dây đeo của cái bao súng lục đang quấn chặt anh ta giống như một con vật sắp bị đưa vào lò thịt, đấy là chưa kể đến sức nặng của một quả lựu đạn đeo ở bụng trong một cái túi vải thô may bằng buồm tàu. Có ai còn nhìn ra anh ta không?. Hai ngày trước đây dưới lửa đạn xối xả, anh xông lên như một con sư tử, phá sập lớp cửa tường thành thứ hai của Kỳ Hòa” (Sđd 337).

Theo Hoàng Phong, những bài báo của Léopold Pallu đăng tải trước khi in thành sách đã “mô tả kỹ hơn khi vào thành Kỳ Hòa sau cuộc chiến. Ông kể xác quân An Nam rải rác trong thành, máu miệng trào ra thấm khô trên cát, quần áo rách tả tơi, những phần cơm nắm nấu bằng gạo màu vàng, những đĩa cá mắm hôi thối… chưa kịp ăn. Đoạn khác ông kể những người lính viễn chinh trong đoàn quân của ông ngã xuống chết ngay tức khắc vì trời nóng, có người phát điên nói lảm nhảm nhiều giờ sau mới chết (những chi tiết này rất đúng vì đó là triệu chứng của những người mất nước trong cơ thể” (Sđd tr. 332). Qua những ghi chép trên của Léopold Pallu về những người lính viễn chinh Pháp đột nhiên phát cuồng một cách khó hiểu trên đường hành quân la hét rồi ngã bệnh chết đi. Phải chăng quân Pháp mắc phải thời khí và bệnh “ngoại tà” theo như Gia Định thành thông chí nói đến : “Gia Định là chỗ chứa khí dương trái mùa, vẫn còn nhiều thứ gió bất chính, dễ bị ngoại tà cảm nhiễm”, là đất nằm sát tới biển “hơi nóng của dương khí thường tiết ra, hơi ẩm hoặc âm khí thường xông lên”…

Vượt qua những vệt máu của thành Phụng, của đại đồn Kỳ Hòa và những cảnh giao tranh bi tráng khác tiếp đó, Sài Gòn đã vượt lên để được mệnh danh “hòn ngọc Viễn Đông” (la Perle de l’Êxtrême Orient). Đến ngày nay, theo các tác giả biên soạn Từ điển Sài Gòn – TP.HCM (2) diện tích đã lên đến 2.093km2 và không còn là “phượng hoàng ốm” nữa mà có “hình dáng như con chim đại bàng đang vươn sải cánh về phía đông”  xòe rộng 102km (tính từ bắc Củ Chi đến nam Cần Giờ) và thân mình 47km (tính từ đông Thủ Đức đến tây Bình Chánh). Khó mà tưởng tượng trong quá khứ, cách đây hơn 150 năm, con “đại bàng” ấy đã ôm trong lòng nó một con “phượng hoàng” bị kẻ thù lạ mặt đưa lên dàn hỏa.. Và ngày nay đi trên đường phố rộng lớn của TP. HCM nào ai nhớ tới mình đang bước trên mảnh đất Sài Gòn xưa từng thấm nhiều lệ máu…

 (1) Thập nhị binh thư, phần Hổ trướng khu cơ – Lê Xuân Mai, Nguyễn Ngọc Tĩnh, Đỗ Mộng Khương dịch, NXB Thời Đại 2010, trang 729.

(2) Thạch Phương và Lê Trung Hoa chủ biên, NXB Trẻ 2008.

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng -Ảnh: Tư liệu

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 27: Sài Gòn – Con phượng hoàng trong biển lửa