Những hình ảnh quảng bá nước mắm công nghiệp mang tính chất phô trương, thiếu sự thật, nhưng sau đó các cơ quan chức năng đã kiên quyết trong vấn đề này, nhiều hãng nước mắm lại thay đổi theo kiểu lập lờ. Chẳng hạn lúc trước ghi nước mắm cá hồi, giờ thêm từ “hương” thành: hương cá hồi. Nhưng hiện nay chưa có cơ sở để xứ lý điều đó.
Bà Nguyễn Thanh Bình, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trước đây hình ảnh quảng bá nước mắm công nghiệp mang tính chất phô trương, thiếu sự thật. Sau đó các cơ quan chức năng đã kiên quyết trong vấn đề này, nhưng nhiều hãng nước mắm lại thay đổi theo kiểu lập lờ. Chẳng hạn lúc trước ghi nước mắm cá hồi, giờ thêm từ “hương” thành: hương cá hồi. Nhưng hiện nay chưa có cơ sở để xử lý điều đó.
Theo ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, sở dĩ người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, bởi sản phẩm nước mắm truyền thống có từ lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, nên khi người tiêu dùng nhìn thấy những sản phẩm nước mắm xuất hiện trên thị trường, họ đinh ninh đó là nước truyền thống được sản xuất từ cá.
Điều mà hiện nay ông Mười trăn trở cho nước mắm truyền thống, chính là sự co cụm, không còn phổ biến rộng rãi như ngày trước đã tạo điều kiện cho nước mắm công nghiệp tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. Từ đó không ít người tiêu dùng mặc nhiên xem đó là nước mắm truyền thống sản xuất từ cá.
Ông Mười cho biết, hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm truyền thống đang khan hiếm do nguồn cá cơm bị các thương lái Trung Quốc tập trung thu gom, người sản xuất nước mắm truyền thống trong nước không có nguồn nguyên liệu chế biến, sản lượng chỉ còn khoảng 30% so với lúc trước.
Cần ghi nhãn “công nghiệp”, “truyền thống”
Ông Mười đặt vấn đề, tại sao hãng nước mắm công nghiệp không ghi công nghệ rõ ràng, nước mắm công nghiệp hương cá hồi mà chỉ ghi là hương cá hồi?
“Những điều này cần phải được nhà nước quy định cụ thể để buộc họ phải ghi. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải mạnh dạn cấp giấy chứng nhận nước mắm công nghiệp và khi quảng cáo yêu cầu họ phải ghi nước mắm công nghiệp; còn nước mắm truyền thống cũng vậy”, ông Mười nói.
Bà Bình cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ quảng cáo nước mắm công nghiệp, đảm bảo việc quảng cáo một cách trung thực, nếu không người tiêu dùng sẽ bị thiệt. Điều này đòi hỏi các cơ quan truyền thông, các đơn vị kiểm định chất lượng phải vào cuộc để minh bạch trong quảng cáo.
“Ở đây tôi không nói là những đơn vị sản xuất nước mắm công nghiệp làm sai mà tôi muốn nói về góc độ tinh tế trong quản lý, nhà nước cần đưa ra những yếu tố kỹ thuật để quản lý việc này. Điều này cần các nhà chuyên môn vào cuộc và đưa ra những yếu tố kỹ thuật trong sản xuất để làm cơ sở quy định sản phẩm nước mắm công nghiệp phải nói rõ trong quá trình quảng bá”, bà Bình nhấn mạnh.
Theo bà Bình, các sản phẩm nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống nên ghi rõ trong nhãn mác về phương pháp sản xuất trên các sản phẩm để giúp người tiêu dùng dễ phân biệt.
Với nước mắm truyền thống, nhà sản xuất nên ghi rõ trên nhãn mác sản phẩm là nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Đối với nước mắm pha chế, nhà sản xuất ghi rõ trên nhãn mác sản phẩm là nước mắm sản xuất theo công nghệ pha chế hiện đại có sử dụng hương liệu tạo mùi.
Ngoài ra, nhà sản xuất nước mắm kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các phương tiện báo đài, và truyền thông thực hiện các bài viết và chương trình quảng bá giúp cho người tiêu dùng nhận biết, đánh giá được sản phẩm nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống, hoặc phương pháp pha chế hiện đại, để người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm nước mắm phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Bài 1: Mắm công nghiệp “đánh bại” mắm cá cơm