Nếu so với Việt Nam, ẩm thực Hàn Quốc không phong phú và đa dạng về cả hương vị lẫn số lượng món ăn. Ẩm thực truyền thống Hàn tập trung ở các món gà, bò và heo nướng hay các món thịt sườn heo hầm ăn kèm theo các món kim chi được làm từ rất nhiều loại rau củ.
Hàn Quốc cũng có hải sản phong phú nhưng cũng không đa dạng bằng món ăn Việt. Dẫu vậy, sự lan tỏa của làn sóng văn hóa Hàn có tác động mạnh mẽ đến xu hướng chuộng giá trị Hàn tại Việt Nam, trong đó có ẩm thực. Đó là lý do mà ngày nay giới trẻ Việt Nam lại ưa chuộng món ăn Hàn.
Tuy nhiên, trong số các món ăn Hàn nổi tiếng, gà hầm sâm là đặc vị truyền thống có vẻ như không hấp dẫn khẩu vị người Việt. Nói chính xác hơn, nếu hỏi 10 du khách Việt đến xứ sở kim chi về món gà hầm sâm, chỉ 2 người thích và 8 đánh giá không ngon. Lý do vì người Việt thích thịt gà dai, giòn còn món gà Hàn Quốc rất mềm. Đã vậy, khi hầm lâu thì độ mềm ấy gần như bở rạc khiến cho người Việt không quen ăn. Vậy nhưng, với người am hiểu thực dưỡng, cái chính của món ăn này không phải là ăn thịt gà mà là tận hưởng nước súp tích tụ tinh chất từ củ nhân sâm tươi, thịt gà, táo đỏ cùng vài dược liệu khác. Nói cách khác, người ta dùng món gà hầm sâm theo cách uống nước là chính để nạp vào cơ thể nhiều loại vitamin chứa trong nhân sâm, và cả thịt và xương gà. Trong Đông y, nhân sâm có công dụng hỗ trợ rất tốt cho gan và thận.
Vì nước súp là chính nên món này rất được người Hàn ưa chuộng vào mùa đông giá lạnh. Khi tiết trời bên ngoài tầm 5, 6 độ hoặc thấp hơn, họ xì xụp món nước súp nóng hổi trong thố gà quả thật rất "đã" và cảm nhận dòng năng lượng chạy rất ấm trong cơ thể. Để tăng sự tuần hoàn máu, người Hàn còn dùng kèm với rượu nhân sâm tươi có độ cồn nhẹ. Vì lý do này, rất nhiều du khách Việt đã ghé chợ nông sản mua củ nhân sâm tươi mang về nước để hầm với gà phục vụ cho ông bà, cha mẹ lớn tuổi cần bổ sung dưỡng chất. Đây cũng là lý do để người Việt dù chê món gà hầm sâm không ngon miệng, nhưng vẫn ăn để biết mùi vị, rồi tìm hiểu cách chế biến để thể hiện sự quan tâm chăm sóc gia đình.
Cách nấu món này khá đơn giản. Nếu chọn con gà tầm 1,5kg chỉ cần dùng ½ củ sâm tươi nhỏ bằng ngón tay cái, có độ dài chừng 4 - 5cm. Ai muốn bổ dưỡng hơn thì nấu cả củ và kèm theo táo đỏ, đương quy. Con gà rửa sạch để nguyên không cần ướp để chung vào hầm với củ sâm đến khi sôi thì nêm thêm muối, đường, hạt nêm... nhiều ít tùy khẩu vị mỗi người. Tuy nhiên, với người Hàn, hầu như họ chỉ cho vào một ít muối và hầm chung với các loại quả như lê, táo để lấy vị ngọt thanh nguyên chất và hạn chế dùng gia vị.
Tại Seoul có nhiều tiệm gà hầm sâm nổi tiếng. Mỗi lần tôi đến thành phố này đều ghé vào một tiệm khác nhau. Mức độ ngon của món ăn ở từng tiệm có khác nhau do tài năng của đầu bếp nhưng về nguyên liệu giống nhau. Bên trong bụng gà có độn nếp đã được nấu mềm. Thực khách được hướng dẫn dùng muỗng dầm thịt gà nhuyễn ra và lớp nếp ấy tan trong nước soup tạo thành món cháo gà hầm sâm. Quán nào cũng để sẵn các dĩa kim chi, ai muốn ăn kèm tùy thích. Vì sự mềm và loãng này nên những ai đang bị bệnh, ăn uống khó, nhưng cần phục hồi sức khỏe, thì đây là lựa chọn hợp lý.
Lần gần nhất tôi trở lại Hàn Quốc vào tháng 10.2024, thời điểm nhà văn Han Kang được tuyên bố đoạt giải Nobel văn chương. Tôi ghé lại tiệm gà hầm sâm tên Chiho Samjaetang tại trung tâm thành phố. Ở Hàn Quốc có tiệm gà hầm sâm được gọi là quán gà hầm sâm tổng thống vì nhiều đời tổng thống Hàn Quốc đến đây dùng bữa. Chiho Samjaetang không phải là địa chỉ phục vụ nhiều đời nguyên thủ quốc gia mà chủ quán là bạn của cựu Tổng thống Moon Jae-in. Nữ chủ nhân của tiệm ăn này cũng là dì ruột của nữ ca sĩ Jeon Somi, hay gọi tắt là Somi rất quen thuộc với các bạn trẻ Việt. Do đó, tiệm ăn này cũng được gọi là tiệm ăn của gia đình Somi. Tiệm nằm trong con hẻm thoáng và yên tĩnh. Bên trong tiệm rộng rãi. Ngay sau quầy thu tiền có nhiều ô trưng bày các loại thảo mộc và nhân sâm ngâm. Trên đó, nữ chủ quán cho trưng bức hình chụp của cựu huấn luyện viên tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo vì ông là thực khách thân quen của tiệm.
Bản thân tôi là người vốn không thích ăn thịt đỏ, chỉ dùng giới hạn, nên thực lòng nhận xét các món thịt nướng Hàn Quốc rất ngon vì độ tươi của nguyên liệu và mùi thơm lừng của nó. Dù vậy, khi vào tiệm thịt nướng tôi cũng chỉ ăn vừa phải. Nhưng với món gà hầm sâm thì tôi đã ăn đến giọt súp cuối cùng, chỉ bỏ lại xương gà, vì ý thức rằng đây là món ăn thực dưỡng mà người Việt gọi là món ăn bài thuốc.
Nhân nói về bài thuốc và dinh dưỡng từ nhân sâm, theo những người am hiểu thì khi mua sâm tại Hàn Quốc các cửa hàng luôn có giấy bảo hành kèm theo để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sâm là thật.
Tiếp theo câu chuyện hương vị ẩm thực Hàn, để tránh ăn thịt, tôi lang thang vào các chợ hải sản địa phương. Tại khu vực này có nhiều tiệm ăn bán đủ các loại cá biển, cua, bào ngư. Trong tiệm có nhiều món ăn, nhưng nếu thực khách thích mua ở ngoài chợ mang vô nhờ chế biến chủ quán vẫn vui vẻ chế biến giùm và có tính phí phục vụ nhưng không đáng kể. Giá cả ở đây cũng rẻ hơn nhiều so với các nhà hàng lớn và hương vị ngon không kém.