Chỉ mới mấy tháng trước, người dân Cà Mau vui mừng đón nhận thông tin Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau của mình chính thức được công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Tuy nhiên, niềm hân hoan ấy chưa kịp tan thì "nhân họa" lại ập đến, khi mà nhiều mảng của khu Ramsar này đang bị lâm tặc thay phiên nhau "băm nát" từng ngày.
Trước thực trạng đó, mới đây UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thành lập tổ công tác (gọi tắt là tổ 1221) để kiểm tra vụ việc và nhanh chóng có báo cáo phản hồi.
Dựa vào những nội dung mà tổ công tác cung cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thuộc VQG Mũi Cà Mau. Những người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc câu kết với lâm tặc để trục lợi. Nếu có yếu tố cấu thành tội phá hoại rừng thì sẽ xem xét khởi tố vụ án.
Hàng ngàn mét khối gỗ “bốc hơi”
Theo một nguồn tin riêng, báo cáo của tổ công tác cho biết, tại 3 khu vực được kiểm tra đã phát hiện nhiều cây rừng bị triệt hạ, tổng số gỗ ước khoảng 1.700 mét khối. Tuy nhiên, theo một số người con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.
Một điều khiến dư luận thắc mắc là việc rừng trong khu Ramsar bị tàn phá nặng diễn ra đã lâu, thế nhưng lãnh đạo VQG Mũi Cà Mau lại chậm báo cáo về UBND tỉnh Cà Mau để sớm có biện pháp xử lý. Đến khi dư luận lên tiếng, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công tác thì mọi chuyện dường như quá muộn - hàng ngàn mét khối gỗ rừng đã kịp thời “bốc hơi”!
Có hay không việc cán bộ kiểm lâm tại VQG Mũi Cà Mau cấu kết với lâm tặc phá rừng, đó là câu hỏi mà dư luận ở địa phương đặt ra và đang chờ ngành chức năng trả lời.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT, cùng các đơn vị có liên quan xác minh làm rõ các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại VQG Mũi Cà Mau.
Rừng bị phá nằm sát trạm kiểm lâm
Một ngày trung tuần tháng 11.2013, chúng tôi thâm nhập vào một số khu vực bên trong VQG Mũi Cà Mau. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là khu vực bị lâm tặc chặt phá nghiêm trọng (có nơi lâm tặc san bằng cả cánh rừng chỉ cách khu vực Trạm kiểm lâm kinh 5 (khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Mũi Cà Mau) chừng 2 km.
Nhiều cây bị đốn hạ vẫn chưa được đưa ra khỏi rừng. Theo lời người dẫn đường, lâm tặc đốn hạ cây rừng vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Sau khi phá xong, đợi khi nước lên thì chúng sẽ bè cây ra khỏi rừng.
|
Hàng loạt cây đước trong khu Ramsar bị đốn hạ |
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, khu vực này chỉ là “bề nổi”, ở khu vực Cồn Cát (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) mới là nơi lâm tặc phá rừng nhiều nhất.
Khảo sát thực tế tại một số tuyến ở khu vực Cồn Cát, chúng tôi thật sự bất ngờ. Bởi nó hoàn toàn khác xa với vẻ xanh tốt khi nhìn từ bên ngoài.
Từ cây đước có tuổi đời lâu năm cho tới cây nhỏ, tất cả lần lượt bị lâm tặc "băm nát". Và khu Ramsar này sẽ còn tiếp tục bị "băm" nếu như ngay từ bây giờ cơ quan chức năng ở tỉnh Cà Mau không vào cuộc một cách nhanh chóng, quyết liệt và triệt để.
Quang Huy