Dù không phải là “nhà tiên tri”, nhưng nhiều người có thể đoán trước được rằng số phận của bán đảo Sơn Trà, quê hương của loài linh trưởng voọc chà vá, rồi cũng sẽ như những cánh đồng cỏ bàng, cỏ năn của Kiên Lương, Kiên Giang, quê hương của loài linh vật sếu đầu đỏ.
Bởi vì “kịch bản” của việc thu hẹp môi trường sống của hai loài “linh vật” thuộc hàng nổi tiếng thế giới này giống hệt như nhau, cũng xuất phát từ “lòng tham” của con người dưới vỏ bọc của những mỹ từ như “phát triển kinh tế”...
Trở lại bài học của Kiên Giang, từ những cánh đồng cỏ bàng, cỏ năn bạt ngàn lên đến hàng chục ngàn héc ta, nơi đón hàng trăm con sếu đầu đỏ hàng năm về di trú trong mùa khô, giờ chỉ còn lại một khu bảo tồn “bỏ túi” rộng chưa tới 1.000ha ở Phú Mỹ, chỉ như một mô hình hay tiêu bản. Sếu thì ngày trước mỗi mùa có đến khoảng 300 con về, giờ thì lác đác chỉ còn hơn mươi con.
Ngay cả những nhà khoa học thiết tha nhất với việc bảo tồn loài sếu nổi tiếng này như tiến sĩ Trần Triết, nguyên trưởng khoa môi sinh trường đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, giờ cũng chán nản bỏ đi định cư và dạy học bên Mỹ, có lẽ vì chẳng còn gì để bảo tồn, bảo vệ. Anh là người gần 20 năm trước đã từng đề xuất giữ 20.000 ha đồng cỏ bàng Phú Mỹ và 3.000 ha đồng cỏ năn Hòn Chông làm nơi di trú tự nhiên cho sếu, nhưng giờ thì hầu như tất cả những cánh đồng đó đã trở thành vườn tràm, hồ nuôi tôm hoang phế, hoặc bị lấn chiếm làm ruộng. Ngay cả những mỏ đất sét nơi trú ngụ của sếu, thì các nhà máy sản xuất xi măng cũng chiếm giữ để chế biến xi măng.
Có lần, trong một chuyến đi khảo sát nơi sếu làm tổ ngày trước ở Giang Thành, anh gặp một lão nông, người khẳng định rằng việc sếu về làm tổ ở vùng đất ngập nước ở đây ngày xưa là có thật. Người lão nông chân chất này có thốt lên một câu mà nhà khoa học này rất thấm thía: “Tội với thiên nhiên là thiên thu!”. Vâng, những tội lỗi khác có thể còn sửa chữa, khắc phục, nhưng tội lỗi với thiên nhiên là ngàn đời không thể khắc phục.
Anh dẫn chứng bài học Thái Lan, là quốc gia cũng có những đàn sếu di trú tương tự như nước ta. Họ cũng phát triển một cách nôn nóng, vội vã, thiếu cân nhắc, cũng phá bỏ những vùng đất ngập nước nơi sếu về tụ hội vào mùa hè. Những năm qua, chính phủ nước này đã tốn hàng chục triệu đô la để khôi phục đàn sếu, nhưng kết quả thì gần như vô vọng. Ngay cả đất nước tương đối kém phát triển ngay cạnh nước ta là Campuchia, giờ cũng đã có nhiều khu bảo tồn sếu khá bài bản và giờ đàn sếu đang chọn về cư trú đông hơn cả. Ấn Độ thì người dân đón mùa sếu về như đón những thiên sứ, họ rải thóc cho ăn đông như gia cầm…
Điều mỉa mai là sếu đầu đỏ một thời là biểu tượng của Kiên Giang…
Với bán đảo Sơn Trà, loài “linh vật” biểu tượng là loài voọc chà vá chân nâu, “nữ hoàng của các loài linh trưởng”. “Kịch bản” có nguy cơ rồi cũng sẽ tương tự khi “chiến thuật” quy hoạch – lấn chiếm dần dần sẽ đẩy lùi loài linh trưởng đẹp nhất thế giới này về một khu safari nhỏ hẹp nào đó. Và đâu chỉ có loài voọc chà vá, Sơn Trà còn có những cánh rừng tuyệt đẹp và hàng trăm loài động vật quý hiếm khác nữa.
Cứ nhìn vào “dòng thời gian” của chuyện bảo tồn thiên nhiên nước ta, ta sẽ thấy một nghịch lý: càng ở thời kinh tế kém phát triển thì diện tích bảo tồn càng lớn, càng phát triển kinh tế thì diện tích bảo tồn càng thu hẹp. Như bán đảo Sơn Trà, quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà năm 1992 lên tới 4.439ha, đến năm 2016 chỉ còn 1.826,5ha theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao càng phát triển ta lại càng “ăn lạm” vào “mẹ thiên nhiên” mà không phục hồi, mở rộng bảo tồn những kho báu này như các nước khác? Đà Nẵng, “thành phố đáng sống nhất Việt nam” có thiếu gì những khu resort “sang trọng bậc nhất thế giới”, sao lại nhăm nhe cắt cả ngàn héc ta rừng cho những việc ấy? Mai này, khi những cánh rừng của Sơn Trà không còn nguyên vẹn, khi loài voọc chà vá tuyệt đẹp bị mai một, con cháu của chúng ta lên Sơn Trà để chiêm ngưỡng, nhìn ngắm loài gì, giống gì, những du khách “sộp” của thế giới chăng?
Đừng để bán đảo Sơn Trà rồi cũng sẽ trở thành những mô hình sinh thái thu nhỏ như Tràm Chim, Phú Mỹ. Và việc bảo tồn nguyên sơ hiện trạng của bán đảo tươi đẹp này có lẽ chính là việc hiện thực hoá hùng hồn lời hứa “phát triển nhưng không hy sinh môi trường” của chính phủ…
Đoàn Đạt