Người luật sư, trong khi tập trung vào bảo vệ thân chủ, đang thực thi trách nhiệm mà xã hội phân công, đang đóng góp vào việc bảo vệ xã hội tránh những oan sai, những bất công, lạm quyền… gây đổ vỡ và làm suy yếu quốc gia. Do đó họ đang làm tốt việc bảo vệ sự an bình và ổn định xã hội, đang bảo vệ an ninh quốc gia và góp phần cho sự phát triển.

Luật sư có thể tố cáo thân chủ?

30/05/2017, 16:10

Người luật sư, trong khi tập trung vào bảo vệ thân chủ, đang thực thi trách nhiệm mà xã hội phân công, đang đóng góp vào việc bảo vệ xã hội tránh những oan sai, những bất công, lạm quyền… gây đổ vỡ và làm suy yếu quốc gia. Do đó họ đang làm tốt việc bảo vệ sự an bình và ổn định xã hội, đang bảo vệ an ninh quốc gia và góp phần cho sự phát triển.

Luật sư tại một phiên tòa Ảnh Internet

Những năm 1999 – 2000, một nhân viên quan trọng người Việt Nam (xin gọi tên là A) của một đại công ty đa quốc gia đi công tác với các thành viên châu Á - Thái Bình Dương. Sau chuyến đi, công ty bên Thái Lan báo tin anh A có những liên lạc làm ăn với một đối tác Thái Lan và vi phạm nguyên tắc mâu thuẫn lợi ích (interest conflict). Đại công ty đa quốc gia đó, vốn có tiếng nghiêm túc với đạo đức kinh doanh, lập một ủy ban điều tra bao gồm người của nhiều nước. Sau khoảng hai tuần, ủy ban trình báo cáo với các chứng cứ bất lợi cho anh A. Một Ủy Ban Kỷ Luật (6 thành viên) được thành lập cùng với Ủy ban Bảo vệ (2 thành viên). Tôi, đương phụ trách giám đốc quốc gia Việt Nam (country manager), làm Trưởng Ủy ban bảo vệ, thành viên kia là người Đài Loan cùng đi chuyến công tác đó.

Trong quá trình làm việc, anh A kể cho tôi nghe rất nhiều điều. Có những mâu thuẫn trong lời kể của anh khiến tôi và anh bạn Đài Loan, một cách độc lập nhau, có cùng nhận xét anh A đã thực sự vi phạm. Tôi gọi điện thoại cho Giám Đốc châu Á và bay sang Singapore, nơi đặt bản doanh của công ty tại các nước ASEAN, bàn luận với ông.

Vị chủ tịch công ty tại châu Á - TBD ngắt lời khi nghe tôi nói mối quan tâm của mình về sự vi phạm:

- Vân à, Tôi không muốn nghe bất kì ý kiến nào của anh tố cáo anh A. Vân nên tập trung tìm các chứng cớ hay lí lẽ bênh vực anh A. Nhiệm vụ của anh là bênh vực chứ không phải là tố cáo.

- Nhưng mâu thuẫn quyền lợi là giá trị rất quan trọng mà chúng ta cần gìn giữ, phải không?

- Đúng vậy. Và bất kì người giám đốc quốc gia nào cũng có trách nhiệm quan trọng là bảo vệ giá trị cốt lõi của công ty. Tuy nhiên, Vân đang được yêu cầu bảo vệ người bị tố cáo. Phải hoàn toàn quên đi bảo vệ giá trị cốt lõi để bảo đảm rằng công ty chúng ta không có rủi ro nào trong việc xét xử sai một nhân viên.

Những đại công ty đa quốc gia rất để tâm tới việc xét xử sai lầm. Thực ra họ cũng chỉ áp dụng các bài học của những quốc gia. Vai trò của người biện hộ chính là vai trò của việc chống lại oan sai, và có những qui định thành văn và bất thành văn bảo đảm trách nhiệm đó của giới biện hộ được thực thi tốt nhất.

Theo tôi quan sát, việc đưa quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” vào khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi để bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, vi phạm một số nguyên tác căn bản như sau:

1) Nguyên tắc thứ nhất bị vi phạm là Nguyên Tắc Lòng Tin chân thành giữa luật sư và thân chủ. Nguyên tắc thứ hai bị vi phạm là “Nguyên Tắc Suy Đoán Vô Tội”. Đây là nguyên tắc rất quan trọng và được tôn trọng bởi hệ thống tư pháp của gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nguyên tắc này khẳng định “bất cứ bị can, bị cáo nào đều được coi là vô tội cho đến khi tòa án đã chứng minh về tội phạm thông qua chứng cứ được đánh giá một cách hợp pháp”. Sự vi phạm hai nguyên tắc nói trên đã được nhiều luật sư trình bày rõ ràng nên bài viết này không phân tích sâu hơn.

2) Tôi muốn thảo luận về một nguyên tắc rất quan trọng trong quản lý cũng bị vi phạm: nguyên tắc Phân Tách Trách Nhiệm (Segregation of Duties). Nguyên tắc này nói rằng có những trách nhiệm không thể phân cho cùng một nhóm chức năng. Thí dụ hai trách nhiệm bảo vệ thân chủ và tố cáo thân chủ thì không thể cùng phân cho luật sư biện hộ, bởi vì chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Sự triệt tiêu này cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, mà hệ quả của nó là xã hội rối loạn vì sự vô pháp, và đây là nguy cơ rất lớn cho an ninh quốc gia và cho sự phát triển quốc gia.

Xã hội con người hiện nay có tính tổ chức tự giác rất cao, và chúng ta đang sống trong một tập thể có tính xã hội cao dựa trên nền tảng tri thức chứ không phải trong một tập thể chỉ gồm các cá nhân đơn lẻ đặt cạnh nhau. Xã hội đó có sự phân công rõ ràng dựa trên các nguyên tắc mọi người đồng thuận và tôn trọng. Người luật sư, trong khi tập trung vào bảo vệ thân chủ, đang thực thi trách nhiệm mà xã hội phân công, đang đóng góp vào việc bảo vệ xã hội tránh những oan sai, những bất công, lạm quyền… gây đổ vỡ và làm suy yếu quốc gia. Do đó họ đang làm tốt việc bảo vệ sự an bình và ổn định xã hội, đang bảo vệ an ninh quốc gia và góp phần cho sự phát triển.

Cần có cái nhìn bao quát để thấy không nên vi phạm nguyên tắc quản lý rất căn bản này. Ngoài ra, nếu cứ chăm chăm đưa hết luật này tới luật nọ để ràng buộc thì e rằng những công dân sẽ mất dần tính tự do, tự giác, sáng tạo…

Tôi tin rằng trong những trường hợp đặc biệt có liên quan tới giá trị cốt lõi của của xã hội, tới đạo đức căn bản, tới sự tồn vong của tổ quốc, các nhà trí thức, các luật sư tự biết họ phải làm gì để thoát ra ngoài cái hộp của cuộc sống thông thường… Tôi rất tin!

29.5.2017

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư có thể tố cáo thân chủ?