Chiều nay (13.5), phe bán tiếp tục chiếm ưu thế khiến VN-Index dễ dàng xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ, thị trường ngập trong sắc đỏ.
Với tâm lý bi quan, thị trường mở cửa phiên chiều nay tiếp tục chịu áp lực bán tháo, ngưỡng hỗ trợ cứng 1.200 điểm bị đánh thủng rất dễ dàng khi nhà đầu tư chưa muốn mua vào, thậm chí phe bán thắng thế còn khiến chỉ số tiếp cận vùng 1.180 điểm.
Sau phiên giao dịch đánh mất gần 63 điểm, VN-Index tiếp tục giảm, xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm và tiếp tục cắm đầu rơi sâu từ nửa cuối phiên chiều. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số sàn HoSE giảm hơn 56 điểm (-4,53%) về còn 1.183 điểm. HNX-Index cũng giảm 4,16%, về 302,39 điểm. Chỉ số sàn UPCoM giảm ít nhất (-2,93%).
Trên sàn HoSE, có tới có tới 198 mã giảm sàn, vượt số lượng mã giảm (164 mã) và áp đảo số mã tăng (28). Toàn sàn HoSE chỉ có duy nhất cổ phiếu ngược dòng tăng trần là RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia. Tình hình cũng tương tự trên sàn HNX và UPCoM dù số mã giảm kịch biên độ (10% với sàn HNX và 15% với sàn UPCoM) có phần khiêm tốn hơn.
Tổng cộng có 572 mã giảm, 341 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 135 mã tăng và 15 mã tăng trần. Bình quân cứ 5 mã lại có 1 mã giảm kịch biên độ.
Có thể thấy các nhóm ngành đều giao dịch tiêu cực. Trong 30 cổ phiếu chủ chốt nhóm VN-30, chỉ có 3 mã duy trì được sắc xanh gồm: FPT, Chứng khoán SSI và Vinamilk, còn lại đều giảm giá.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm khá sâu, đặc biệt là cổ phiếu bảo hiểm như BVH, BMI, MIG giảm kịch sàn. Trong nhóm ngân hàng, loạt cổ phiếu nhà băng cũng đóng cửa không thể giảm thêm như TCB, LPB, OCB, STB…
Trong cú bán tháo diện rộng này, chỉ còn một vài cổ phiếu vốn hóa lớn ngược dòng tăng điểm, nhưng mức tăng chỉ khiêm tốn. VJC tăng 0,88% và là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung. Cùng VJC, BHN, HRC, CSM và RIC nằm trong top 5 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index. Tuy nhiên, mức đóng góp trên không đủ bù cho nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số chung.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại giao dịch khá tích cực trong phiên bán tháo khi mua vào 2.740 tỉ đồng và bán ra 2.172 tỉ đồng, tương đương mua ròng 568 tỉ đồng trên HoSE, tập trung gom chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Tuy nhiên, không riêng thị trường Việt Nam, chứng khoán toàn cầu cũng đang trải qua giai đoạn rơi sâu.
Chứng khoán trong nước đang liên tục lao dốc mạnh, tính từ đầu tuần, đã có 2 phiên thị trường Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới. Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cùng các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã có cuộc họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại.
Trả lời báo chí, đại diện UBCKNN cho biết nội dung cuộc họp còn xoay quanh các giải pháp ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại.
UBCKNN đánh giá thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Fed tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng...
Lãnh đạo UBCKNN cho biết cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.
Đồng thời UBCKNN đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường trong nước; tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường…
Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo UBCKNN cho biết cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển dài hạn.
Song song với đó, UBCKNN đang rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán, và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, chế tài xử phạt vi phạm pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường…