“Tôi cùng các đồng đội giúp đỡ người khác không phải để được khen mà chỉ muốn báo ân lòng tốt của con người”. Thiếu tá Hoàng Minh Tuấn - Trạm trưởng Trạm kiểm soát cửa khẩu Khánh Bình, Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang nói với tôi như vậy qua điện thoại.

Báo ân lòng tốt của con người

Tô Văn | 13/09/2021, 20:53

“Tôi cùng các đồng đội giúp đỡ người khác không phải để được khen mà chỉ muốn báo ân lòng tốt của con người”. Thiếu tá Hoàng Minh Tuấn - Trạm trưởng Trạm kiểm soát cửa khẩu Khánh Bình, Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang nói với tôi như vậy qua điện thoại.

Mang ơn cuộc đời, mang ơn con người

Tôi đã từng chứng kiến người dân vùng biên giới Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang với máy chụp ảnh lóe sáng, những lời nói xúc động dành cho thiếu tá Tuấn. Cũng đúng thôi, vì thiếu tá Tuấn là người thầm lặng đóng góp công sức, tiền bạc cho các xã trên địa bàn huyện An Phú bị phong tỏa do ảnh hưởng dịch COVID-19.

1-thieu-ta.jpg
Rất hiếm thời gian để thiếu tá Hoàng Minh Tuấn được vui vẻ bên vợ và con - Ảnh: NVCC

Thêm một điều đáng nói, hiếm có trường hợp nào như thiếu tá Tuấn: Sinh ra và lớn lên ngoài miền Trung nhưng lại làm việc tại biên giới Tây Nam. Hằng ngày, thiếu tá Tuấn ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân cùng với các anh em chiến sĩ ở trạm, sống lặng lẽ như những năm tháng từng lặng lẽ xa gia đình, vợ con. Tôi hỏi một câu khi suy nghĩ lại mới biết là không nên hỏi: “Nặng lòng với mảnh đất biên cương này, thiếu tá còn điều gì trắc ẩn?”

Tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng một người trải qua nhiều đau khổ, đang được coi là thành đạt và tưởng như bão hòa với tất cả như thiếu tá Tuấn lại khóc òa như một đứa trẻ. Thiếu tá Tuấn gập người, mái tóc đã lấm tấm muối tiêu rung lên bần bật: “Tôi được sinh ra trong lúc gia cảnh khó khăn. Tôi phải mang ơn cuộc đời, mang ơn con người. Lọt lòng mẹ đã thiếu thốn đủ thứ. Tôi lớn lên, được như bây giờ là do tình thương của bà con làng xóm quê tôi. Xã tôi nghèo lắm. Dân quê tôi thường bảo nhau: “Nhà nghèo thì phải học thật giỏi và lăn lưng kiếm sống”. Tôi kiếm sống bằng cách đi mót lúa, mót khoai. Mỗi lần thấy tôi xuống ruộng, bà con trừ lại phần thu hoạch khoai hoặc lúa cho tôi mót được nhiều mà không muốn tôi phải mang ơn, hoặc là để tôi phải nghĩ rằng tôi đáng thương hại. Họ giúp tôi thầm lặng như thế chỉ với một lí do: “Thương tôi gia cảnh khó, chịu đi học. Vì vậy, tôi đi học không bao giờ đói cả. Tôi không bao giờ quên điều đó...”

Cứ thế, thiếu tá Tuấn lớn lên bằng tình thương thầm lặng của bà con chòm xóm. Đi bộ đội rồi được phân công vào Nam, đến giờ có thể nói là thành đạt.

Làm “chiếc cầu nối nhỏ” cho những nơi bị phong tỏa

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang được kiểm soát, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhằm hỗ trợ người dân vùng biên trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch, ngày 5.8, thiếu tá Tuấn cùng đồng đội đã ủng hộ 3 tấn gạo, 5 tấn rau củ quả, 50 thùng mì tôm, 20 kg bột ngọt tại các xã biên giới Phú Hội, Nhơn Hội (huyện An Phú) giúp bà con vượt qua khó khăn trong thời gian thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 .

3-thieu-ta.jpg
Được sự động viên của thủ trưởng Bộ chỉ huy và đơn vị, thiếu tá Tuấn cùng đồng đội đã hỗ trợ người dân trong lúc bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm hạnh phúc, là mệnh lệnh tối thượng của của mỗi người "lính Cụ Hồ" - Ảnh: NVCC
2-thieu-ta.jpg
Thiếu tá Tuấn cùng đồng đội đi cấp phát quà cho người dân - Ảnh: NVCC
4-thieu-ta.jpg
Ngoài tặng quà, thiếu tá Tuấn cùng đồng đội tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và phòng chống xuất nhập cảnh trái phép - Ảnh: NVCC
5-thieu-ta.jpg
Những nơi xe gắn máy không vào được, thiếu tá Tuấn cùng đồng đội dùng xe xúc chở nhu yếu phẩm vào hỗ trợ - Ảnh: NVCC
7-thieu-ta.jpg
Xe kéo cũng được tận dụng - Ảnh: NVCC

Cũng trung tuần tháng 9, thiếu tá Tuấn đã cùng đồng đội hỗ trợ các hộ dân bị phong tỏa (thuộc ấp Tân Thạnh, Tân Khánh, thị trấn Long Bình) với 400 phần quà gồm: 1.000kg rau củ quả, 500kg cá, 100kg thịt heo. Ngoài ra, thiếu tá Tuấn cùng đồng đội đã cấp phát 24.000 khẩu trang y tế kháng khuẩn cho bà con nơi đây, đồng thời tuyên truyền thực hiện phòng trào toàn dân tham gia phòng chống dịch COVID-19 và chống xuất nhập cảnh trái phép. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với phương châm “ai ở đâu ở yên chỗ đó, chiến sĩ làm nhiệm vụ thay dân”.

6-thieu-ta.jpg
24.000 khẩu trang y tế được phát tận tay đến những hộ dân bị phong tỏa - Ảnh: NVCC

Được biết, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, gia đình thiếu tá Tuấn cũng đã ủng hộ các nhu yếu phẩm, vật tư y tế, trị giá khoảng 140 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ 150 triệu đồng cho lực lượng phòng chống dịch và bà con nhân dân trên khu vực biên giới.

Dường như chất “lính Cụ Hồ” và tình thương người dân vùng biên đối với thiếu tá Tuấn đã ăn vào máu. Nhìn thiếu tá, tôi chợt nghĩ: Cuộc đời sẽ nhạt đi rất nhiều nếu như không có người biết báo ân như thiếu tá Tuấn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo ân lòng tốt của con người