Nhà nước đang lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí, quy định liên quan đến kinh doanh, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc mới ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 29.3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021.
Xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến phần lớn các ngành trong nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp sụt giảm cả về số doanh nghiệp, số vốn và số lao động đăng ký. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, giải thể đều tăng.
Kết quả khảo sát do VCCI cho thấy 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020. Phải nói rằng, 2021 là một năm đầy thách thức của kinh tế nước ta.
Theo Chủ tịch VCCI, trong những năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng hoạt động cải cách thể chế. Hầu hết các bộ đã đưa ra các phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản hiện hành. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ phần nào thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Lý do là trong những đề xuất cắt giảm, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”; nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.
Ông Tuấn cũng cho biết hoạt động xây dựng chính sách năm nay có xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điểm đáng lưu ý, ở một số ngành, nghề trước đây được đánh giá cao về cải cách điều kiện kinh doanh, hiện nay đề xuất áp dụng lại các điều kiện kinh doanh trước đã xóa bỏ; hoặc một số chính sách vẫn tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, điều này cho thấy nghịch lý là trong khi Chính phủ đang có nhiều đợt tổng rà soát cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thì những chính sách soạn thảo mới lại đang tạo ra những rào cản, gánh nặng mới cho doanh nghiệp. Câu hỏi về tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh đã được đặt ra. Đây sẽ trở thành thách thức cho hoạt động xây dựng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cho hay, phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI nhận thấy chất lượng thông tư, công văn còn có rất nhiều vấn đề đáng bàn.
“Chẳng hạn như có nhiều thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh – điều bị cấm theo Luật Đầu tư 2014, 2020; các quy định tại thông tư chưa minh bạch, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, hay các công văn ban hành quy phạm pháp luật, nội dung hướng dẫn tại công văn chưa phù hợp… Tất cả những vẫn đề này sẽ là cản trở, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Nhiều quy định chưa phù hợp
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết có một nghịch lý là các cơ quan nhà nước đang lập phương án để cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến kinh doanh, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả”, ông Tuấn nói và cho biết hệ thống pháp luật hiện tại, còn nhiều quy định chưa phù hợp.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông Tuấn dẫn lại quy định về giờ làm thêm trong doanh nghiệp.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, giới hạn làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, đối với một số ngành, nghề đặc thù là không quá 300 giờ/năm, số giờ làm thêm được khống chế chặt không quá 40 giờ/tháng. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động do người lao động bị cách ly do nhiễm COVID-19, người lao động bỏ việc về quê…
“Khi trở lại sản xuất, nhu cầu tăng ca, tăng giờ làm việc để hoàn thành đơn hàng, giữ được khách hàng là rất cấp bách. Yêu cầu giới hạn về giờ làm thêm như quy định hiện hành khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng lấy ví dụ về việc gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Theo đó, Luật Dược quy định giấy đăng ký lưu hành thuốc có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp. Khi hết hạn, doanh nghiệp phải thực hiện việc gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành.
Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, việc gia hạn giấy chứng nhận lưu hành gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp thiếu nhân sự để chuẩn bị hồ sơ, do yêu cầu làm việc giãn cách; nhiều giấy tờ trong hồ sơ phải chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự tại nước sở tại. Ở các nước này do ảnh hưởng của dịch COVID19, nhiều trường hợp không làm việc hoặc làm việc giãn cách.
Do đó, ông Tuấn nhấn mạnh doanh nghiệp có được các loại giấy tờ này là khó khăn; biện pháp hạn chế đi lại khiến cho việc nộp hồ sơ của doanh nghiệp gặp khó; các giấy tờ như GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc), CPP (giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm), GDP (giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc) của doanh nghiệp chưa được cấp mới, cấp lại vì cơ quan quản lý chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá do dịch bệnh.
Điều này, theo ông Tuấn sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể hoàn thành các thủ tục cấp phép, bị ngừng trệ hoạt động kinh doanh và làm gián đoạn hoạt động cung ứng hàng hóa (ví dụ như trang thiết bị y tế nhập khẩu), ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch.