Quảng Nghiêm thiền sư - bậc chân tu ở Việt Nam thời Lý từng dạy đệ tử “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm/ Đừng đi theo con đường mà Như Lai đã đi). Nhà thơ người Mỹ Robert Frost cũng viết “Trong rừng có nhiều lối đi/ Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”.

Bao giờ, một nền giáo dục vượt khỏi lối mòn?

11/06/2016, 06:50

Quảng Nghiêm thiền sư - bậc chân tu ở Việt Nam thời Lý từng dạy đệ tử “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm/ Đừng đi theo con đường mà Như Lai đã đi). Nhà thơ người Mỹ Robert Frost cũng viết “Trong rừng có nhiều lối đi/ Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”.

Tôi rất tâm đắc với triết lý của Quảng Nghiêm và Robert Frost ở chỗ hai ông đã đề cao sự tự do sáng tạo và độc lập tư duy, kêu gọi mỗi người nên tự tìm cho mình một con đường đi riêng, thể hiện rõ dấu ấn cá tính; tránh lối sống dựa dẫm, phụ thuộc, đánh mất chính mình.

Quả vậy, mỗi người là một tiểu vũ trụ, một bản thể chứa đựng những suy tư, khát vọng cũng như tiềm tàng những khả năng sáng tạo riêng. Một con người chân chính, kiêu hãnh phải là một con người giữ được cho mình bản sắc riêng đầy độc đáo. Tôi phải là chính tôi mà không phải là bất cứ ai khác. Tôi phải đi con đường do tôi chọn mà không phải là bất cứ lối mòn nào.

Theo tôi, tư tưởng ấy đặc biệt quan trọng trong giáo dục. Một nền giáo dục tiến bộ phải là một nền giáo dục khơi dậy được khả năng tư duy độc lập, phát huy cá tính sáng tạo của từng học sinh để mỗi em bước vào đời sẽ là một cá nhân dùng năng lực của mình đóng góp cho xã hội chứ không phải là một nền giáo dục áp đặt, đóng khung con người vào những khuôn mẫu nhất định để rồi cho ra hàng trăm, hàng nghìn người có một lối tư duy giống nhau; chen chúc trên những con đường mòn định sẵn mà không dám bứt phá, vượt thoát sang một hướng nào khác.

Yêu cầu khá khắc nghiệt của thời đại toàn cầu hóa đặt giáo dục Việt Nam trước rất nhiều thử thách mà thử thách lớn nhất là phải làm sao đào tạo ra được những con người thực sự năng động, sáng tạo, có đầy đủ năng lực và phẩm chất để có thể ứng phó với mọi biến động của xã hội.

Nhìn lại nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua, dẫu lạc quan đến đâu vẫn phải thừa nhận rằng dù có nhiều nỗ lực nhưng chúng ta vẫn còn lạc hậu khá xa so với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Với cách dạy học áp đặt, một chiều, đóng khung kiến thức và suy nghĩ của học sinh vào những lối mòn định sẵn, chúng ta đã đào tạo ra khá nhiều những con người giỏi ghi nhớ, học thuộc lòng theo kiểu “tầm chương trích cú” nhưng lại kém khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, khi va chạm với thực tế thì tỏ ra khá vụng về, lúng túng.

Cách dạy học ở ta cho đến nay vẫn chủ yếu theo mô hình thụ động: Thầy thuyết giảng; học sinh lắng nghe, ghi nhớ để đến giờ kiểm tra thì trả lời lại gần như nguyên vẹn những gì thầy giảng. Cho nên cái mà học sinh tạo ra tuyệt nhiên không phải là sự sáng tạo của riêng các em mà chỉ đơn thuần là sự sao chép lại những kiến thức đã được mặc định trong sách hay trong bài giảng của thầy cô.

Với cách dạy học như thế, học sinh sẽ khó có thể thoát ra khỏi cái bóng của thầy cô giáo để trở thành một cá nhân độc lập trong tư duy và sáng tạo. Sản phẩm của giáo dục vì thế sẽ là hàng trăm, hàng nghìn con người na ná nhau như một sự “đồng phục” người từ kiến thức cho đến lối suy nghĩ.

Điều này đòi hỏi một sự thay đổi bắt đầu từ quan niệm của người dạy. Mỗi thầy cô giáo tùy vào điều kiện cụ thể của mình mà tạo ra cho học sinh một môi trường học tập thực sự cởi mở, năng động, dân chủ tạo điều kiện tối đa để học sinh tự do sáng tạo, tự do tư duy, tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.

Trong quá trình ấy, người thầy từ chỗ là nhân vật trung tâm bắt buộc học sinh phải tuân thủ theo lời mình trở thành người tư vấn, hướng dẫn, khơi gợi đam mê; còn học sinh từ chỗ thụ động, phụ thuộc vào thầy cô giáo trở thành nhân vật trung tâm, tự do suy tư, sáng tạo, hình thành cho mình một năng lực riêng để có thể ứng phó với mọi tình huống trong xã hội.

Trọng tâm của quá trình dạy học sẽ chuyển từ chỗ dạy cho học sinh biết được, hiểu được đến chỗ dạy cho học sinh tự mình làm được. Muốn thế, người thầy phải thực sự tôn trọng cá tính riêng, suy nghĩ riêng của học sinh, tránh một cái nhìn định kiến, áp đặt.

Có thể thấy, trong thời gian tới, giáo dục Việt Nam cần thiết phải có những thay đổi mang tính đột phá hướng đến mục đích đào tạo ra được những con người có khả năng thích ứng và phát triển trong một thời đại đầy năng động và phức tạp. Tuy nhiên để thực hiện được những thay đổi ấy trong điều kiện nền giáo dục còn khá cứng nhắc và bảo thủ như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng.

Không phải một người nói thay đổi là thay đổi được mà phải có sự thay đổi đồng bộ trong cả một hệ thống giáo dục. Nhưng điều quan trọng nhất để thực hiện được đổi mới theo tôi vẫn là sự nỗ lực thay đổi của những con người trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục, tức là những thầy cô giáo và các em học sinh.

Hồ Tấn Nguyên Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
35 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ, một nền giáo dục vượt khỏi lối mòn?