Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể.
Sáng 6.6, Quốc hội khóa 15 tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng đại dịch COVID-19 khiến lao động khó khăn, tỷ lệ rút bảo hiểm một lần tăng. Tình trạng này diễn ra không những tạo sức ép hệ thống an sinh mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm toàn dân. Đại biểu đề nghị Trung ương thành lập quỹ hỗ trợ tương tự như hỗ trợ dịch COVID-19 đảm bảo hỗ trợ khó khăn trong cuộc sống.
Trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch COVID-19.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Phương án lập quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ LĐ-TB-XH sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.
Bảo hiểm xã hội có thu sai các chủ hộ kinh doanh cá thể
Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Dung cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021; có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng. Cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ông Dung cho hay, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.
Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng Dung cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội và về cơ bản vấn đề này đã được giải quyết.
Bộ trưởng cho biết, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định.
Về hướng giải quyết, Bộ trưởng Dung cho biết bộ đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của quỹ bảo hiểm.
Giải pháp căn cơ nào ngăn lao động bỏ trốn khi lao động ở nước ngoài?
Đại biểu Trần Quang Minh nêu việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, cơ hội của lao động khác. Mặc dù đã có giải pháp nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra ở các thị trường trọng điểm. Tới đây, bộ có giải pháp căn cơ nào để giải quyết tình trạng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Dung cho biết, về lao động Việt Nam lao động nước ngoài, một bộ phận trốn ở lại không về nước đúng thời gian, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, hiện tượng đó tại thời điểm này không bức xúc bằng năm 2017. Thời điểm đó, khi đó tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc 52%, Hàn Quốc dừng toàn bộ chương trình EPS ở Việt Nam.
Bộ đã suốt 4 năm kiên trì thực hiện các giải pháp ký quỹ, trục xuất, thậm chí xử lý hình sự với người trốn ở lại các quốc gia. Thực tế, có thời gian, phía nước bạn dừng tiếp nhận lao động ở toàn bộ các tỉnh, thành có tỷ lệ lao động trốn ở lại cao. Còn thời điểm này, việc tạm dừng đã "khuôn" lại trong 18 huyện ở 9 tỉnh.
"Các địa phương không muốn tạm dừng nhưng chủ trương này bắt đầu yêu cầu phía Hàn Quốc. Vì vậy, thời gian vừa qua, bộ phải làm nhiều việc để đến thời điểm này chỉ còn 24,6% người lao động vi phạm hợp đồng, thuộc diện quốc gia có mức độ vi phạm thấp, để tiếp tục gỡ bỏ những hạn chế tiếp nhận lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.