Ủy ban Kinh tế cho hay hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa gửi đúng thời hạn theo quy định, dẫn đến sự hạn chế cho cơ quan thẩm tra và các đại biểu quốc hội trong việc nghiên cứu, xem xét thấu đáo những nội dung có liên quan.
Tạo hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 5.6, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng (TCTD); luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD…
Luật sửa đổi này cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD, dự thảo luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD, như tăng cường trách nhiệm của thành viên HĐQT, sửa đổi, bổ sung các quy định về thành viên HĐQT độc lập để tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ; mở rộng nguồn nhân lực cho vị trí thành viên HĐQT độc lập; bổ sung quy định xử lý việc khuyết người đại diện theo pháp luật, sửa đổi, bổ sung các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu của TCTD để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…
Đối với TCTD là hợp tác xã, dự thảo luật bổ sung quy định về trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ đối với người có liên quan của thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, giám đốc, phó giám đốc; bổ sung yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý, người điều hành của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng thành viên ban kiểm soát QTDND để phù hợp với quy mô của loại hình này.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về người có liên quan, sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng của TCTD cổ phần…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...
Đối với các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của TCTD.
Chậm gửi hồ sơ, ảnh hưởng đến việc thẩm tra, xem xét
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế khẳng định hồ sơ dự án luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị khá công phu, đầy đủ. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa bảo đảm gửi đúng thời hạn theo quy định, dẫn đến hạn chế cho cơ quan thẩm tra và các đại biểu quốc hội trong việc nghiên cứu, xem xét thấu đáo các nội dung có liên quan.
Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Các TCTD, bảo đảm đầy đủ nội dung giao Chính phủ, giao NHNN quy định; nghiên cứu cụ thể hóa tối đa tại luật những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và thực hiện ổn định, hiệu quả trên thực tế, phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Kinh tế cho biết có ý kiến cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm đang được quy định rải rác tại các điều trong dự thảo luật, đề nghị cân nhắc quy định chung 1 điều về "Các hành vi bị nghiêm cấm" tương tự như quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung một số hành vi, như: Nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một TCTD; cấm nhân viên ngân hàng tư vấn bán chéo sản phẩm bảo hiểm không đúng, đủ thông tin hoặc lôi kéo, ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để được vay vốn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định… đang gây bức xúc dư luận hiện nay.
Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát Hiến pháp, 2 bộ luật, 31 luật và 16 điều ước quốc tế, tuy nhiên, dự thảo luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác, trong đó có một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) hoặc trình Quốc hội xem xét thông qua (như Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo luật.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát các quy định có liên quan tại các FTA khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… để bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.