Nạn bạo lực học đường tồn tại khắp nơi, bao gồm cả nền giáo dục tân tiến bậc nhất như Đức và các nước châu Âu.
Nước Đức là một cường quốc kinh tế sở hữu nền văn hóa đồ sộ lâu đời. Đời sống xã hội ở quốc gia Tây Âu này luôn được đánh giá là tương đối yên bình và ổn định bậc nhất trong nhóm các quốc gia phát triển tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực học đường vẫn đã và đang không chỉ là một thách thức với hệ thống giáo dục mà còn là một tệ nạn của xã hội Đức.
Theo kết quả một nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Leuphana Lüneburg, có tới hơn 30% số học sinh ở Đức đã từng bị tấn công, bạo hành bởi bạn học. Có 9% số trường hợp xâm hại nghiêm trọng đến thân thể của nạn nhân. Trong số nạn nhân, có 10,6% là nam và 9,8 % là nữ.
Cũng theo nghiên cứu trên, có tới 37,2% số học sinh thú nhận đã từng bạo hành bạn học của mình. 15% số học sinh thừa nhận đã trực tiếp xâm hại nghiêm trọng đến thân thể nạn nhân. Thủ phạm của các vụ bạo hành chiếm tỷ lệ lớn là các nam sinh, với 21,5 % thủ phạm thú nhận đã từng trực tiếp đánh bạn học của mình. Ở nữ sinh, con số này là 6,5%.
Không chỉ tấn công và xâm hại sức khỏe của các bạn học, ở Đức còn có một hiện tượng bạo lực học đường hết sức phổ biến và là một vấn đề nghiêm trọng. Đó là việc một số học sinh tấn công, gây tổn hại tâm lý đối với các bạn của mình thông qua các phương tiện thông tiên liên lạc hiện đại (điện thoại di động, smartphone), internet, mạng xã hội. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi tiếng Anh là Cyber-Mobbing (bạo hành trên không gian mạng).
Một nghiên cứu nêu ra kết quả bạo hành trên không gian mạng, qua tiến hành trên cơ sở phỏng vấn 9.350 học sinh và phụ huynh học sinh ở tất cả các trường trên toàn nước Đức thì thấy cứ trong 6 học sinh lại có một nạn nhân của nạn bạo hành ảo. Có 1/3 số trường học tại Đức đối diện với bạo hành ảo này ít nhất một lần trong tuần. Các dạng, hình thức bạo hành chủ yếu thông qua không gian mạng là lăng mạ, xúc phạm, kích động và đe dọa.
Theo một điều tra xã hội học mang tính đại diện của Trung tâm nghiên cứu thực hành sư phạm trực thuộc Đại học Tổng hợp Koblenz, có 17% số học sinh Đức đã từng là nạn nhân của bạo hành trên không gian mạng. Trong đó độ tuổi chủ yếu nhất của các nạn nhân là từ 14 - 16. Cũng theo điều tra này, có 19% số học sinh đã thú nhận mình từng là thủ phạm gây ra các vụ tấn công tâm lý qua mạng internet. Động cơ chủ yếu được đưa ra là sự nhàm chán, thú vui nhưng cũng có khi là tấn công và muốn làm tê liệt một ai đó.
Hậu quả của việc bị tấn công và đe dọa trên không gian mạng đối với các nạn nhân cũng không kém phần nghiêm trọng so với việc bị xâm hại thân thể. Rất nhiều nạn nhân phải chịu đựng các triệu chứng như mất ngủ, căng thẳng thường xuyên, đau đầu, đau bụng và lưng.
Những con số trên đây thực sự đáng báo động và đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà trường, các cơ quan hữu quan, phụ huynh học sinh cũng như các tổ chức xã hội tại Đức.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Thành (Berlin, Đức)