Các chuyên gia cho rằng BĐS phải tạo ra giá trị. Một căn nhà mà chỉ để đầu cơ, để đấy không ở thì đó là sự lãng phí tiềm lực, lãng phí tài nguyên. Chưa kể, các DN BĐS đi vay vốn rất nhiều mới có được tài sản đó.
Tại cuộc tọa đàm “Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” chiều 5.10, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng vừa qua chính phủ điều hành rất quyết liệt và đạt kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn có 2 lĩnh vực còn khó khăn. Đầu tiên là tiếp cận tín dụng còn khó dù các ngân hàng có vẻ thừa nhiều tiền. Tiếp theo là BĐS.
TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) bình luận: BĐS đến hiện giờ vẫn phát triển theo nhu cầu tự phát và có tính đầu cơ.
Theo ông Khương, ở Singapore bất động sản (BĐS) phải tạo ra giá trị, mà giá trị dựa trên 3 yếu tố.
Thứ nhất là quy hoạch rất tốt. Những phần đất xung quanh quy hoạch phải thuộc về chính phủ, trả theo giá thị trường để bà con phấn khởi. Nếu bà con góp vốn vào đấy thì lại có thể đầu tư và sau được chia lợi. Cho nên quy hoạch là rất quan trọng. Mình không có quy hoạch thì đừng hy vọng BĐS bùng lên.
Thứ hai là trong bối cảnh vừa qua các doanh nghiệp BĐS cũng vay rất nhiều, tỷ lệ vốn bắt buộc trên vốn cho vay của Việt Nam thấp, ở dạng báo động so với nhiều nước.
Thứ ba là hạ tầng hỗ trợ tạo ra giá trị cho BĐS. Bây giờ mua chỉ là đầu cơ, ở chưa tiện, cho nên buộc phải tạo ra giá trị của BĐS. Các doanh nghiệp lần này phải nghĩ lại.
“Cải cách thể chế lần này thay vì gọi là đỡ phiền hà doanh nghiệp thì phải là yểm trợ doanh nghiệp, tức là xem doanh nghiệp có vấn đề gì để yểm trợ doanh nghiệp đi lên. Tiếp theo là nâng cao sức cạnh tranh, không phải chỉ từng doanh nghiệp hạ giá thành mà cả hệ thống mới cạnh tranh được”, ông Khương nói.
Tiếp theo, ông Khương cho rằng từ thế thụ động chờ các nhà đầu tư đến thì Việt Nam cần chủ động tiếp cận các nhà đầu tư; dành phương án sẵn sàng có tiền mặt để hỗ trợ các dự án.
“Ở Ấn Độ tôi thấy tương đối thành công. Đào tạo nhân lực hay tất cả các vấn đề yểm trợ để họ đầu tư hiệu quả và trở thành địa bàn chiến lược. Đây là vấn đề chung cho cả vấn đề cải cách thể chế nhưng cũng hàm ý cho vấn đề BĐS”, ông Khương nêu.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá thị trường BĐS Việt Nam hiện nay là một mảng rất quan trọng của nền kinh tế. Lý do là lĩnh vực này có thể tác động đến rất nhiều ngành khác, ngành sản xuất cũng như các ngành từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn.
Theo ông Shantanu Chakraborty, trong thời gian qua, chúng ta thấy có những doanh nghiệp BĐS rất lớn ở Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn như Evergrande cũng đang đứng trên bờ vực phá sản. Đấy là những doanh nghiệp từng có nguồn hỗ trợ rất lớn từ chính phủ.
“Ngành BĐS nhận được những đòn bẩy, những hỗ trợ thông qua ngành ngân hàng. Chính vì thế khi chúng ta tăng cường cải cách ngành BĐS, phải hỗ trợ cho ngành ngân hàng để cải thiện danh mục đầu tư của họ để kiểm tra, rà soát danh mục đầu tư cũng như khoản cho vay của họ, để đảm bảo rằng ngành nào đó không nằm trong nguy cơ tạo bong bóng”, ông Shantanu Chakraborty nói.
Ông Shantanu Chakraborty cũng đồng tình với quan điểm một căn nhà chỉ đầu cơ, để đấy không ở thì đó là sự lãng phí tiềm lực, lãng phí tài nguyên.
“Tôi nghĩ đây cũng là một điểm chúng ta phải xem vai trò của doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Theo đó, làm thế nào tăng cường năng lực của doanh nghiệp, đồng thời là năng lực của các cơ quan kiểm soát, cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong mảng này. Giống như ở Singapore chúng ta đã nói, nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quản lý lĩnh vực BĐS, đảm bảo tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp BĐS”, chuyên gia của ADB nêu.
Ông Shantanu Chakraborty cũng nhấn mạnh rằng phải đảm bảo khi phát triển các cơ sở hạ tầng, phải có lồng ghép tất cả các yếu tố về ứng phó biến đổi khí hậu, chống chịu với biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp trong ngành BĐS cũng phải tính đến bởi vì tác động của biến đổi khí hậu đã có thể thấy rất rõ rệt và rất lớn.
“Tôi nghĩ thứ nhất chúng ta phải cải thiện, tăng cường việc quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý. Thứ hai là xanh hóa ngành BĐS và ngành xây dựng”, ông Shantanu Chakraborty nói.