Chiều 20.6, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank (OJB) do cần phải xem xét các tình tiết mới. Dự kiến, HĐXX sẽ tiếp tục tiến hành xét xử vào sáng mai (21.6).

Bất ngờ hoãn phiên phúc thẩm vụ PVN góp vốn 800 tỉ đồng

Thu Anh | 20/06/2018, 17:09

Chiều 20.6, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank (OJB) do cần phải xem xét các tình tiết mới. Dự kiến, HĐXX sẽ tiếp tục tiến hành xét xử vào sáng mai (21.6).

Trao đổi với PV báo Một Thế Giới bên ngoài phòng xử, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) – luật sư tham gia bào chữa trong phiên xử nàycho biết, trong buổi thẩm vấn sáng nay (20.6) có tình tiết liên quan tới Nghị quyết 4266. Nghị quyết này được xây dựng trên văn bản 124 do TGĐ đệ trình và theo quy chế làm việc của PVN phải quá bán ủng hộ thì mới có thể ban hành được Nghị quyết.

Theo luật sư Thiệp, trong trường hợp của bị cáo Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) khi đó không có mặt tại Hà Nội, do vậy những văn bản đều được xử lý vào ngày 17.5.2011. Nhưng hạn trong phiếu lấy ý kiến 124 lại quy định đến hết ngày 15.5.2011 nên những ngày sau đó không còn giá trị nữa.

“Với mức độ làm việc chuyên nghiệp và chính xác của PVN, chỉ cần lệch một vài giờ là đã không còn giá trị. Hiện bị cáo Phan Đình Đức đang cho rằng mình không ký đồng ý trong Nghị quyết đó. Trong trường hợp này xảy ra vấn đề là bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN) cũng có thể phải chịu trách nhiệm về việc ra Nghị quyết đó”, luật sư Thiệp nêu quan điểm.

Là luật sư tham gia bào chữa trong phiên xử này, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng nếu trong trường hợp 100 tỉ đồng này (lần góp vốn thứ 3) mà do các nhân viên tự làm và tự đưa lên thì sẽ phải xem xét trách nhiệm của các nhân viên. Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ làm thay đổi lại tỷ lệ góp vốn, vì tỷ lệ đang bị quy kết là 20% (vượt 5% so với Luật các Tổ chức tín dụng) nên nếu giảm số tiền này thì con số không còn nguyên vẹn nữa.

Vị luật sư cũng cho rằng nếu có những tình tiết mới trong quá trình thẩm vấn tại tòa thì HĐXX cũng cần có thời gian xem xét và hội ý để đưa ra hướng xử lý.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: M.Hùng

Có chứng cứ ngoại phạm

Trước đó, trong phiên xử sáng 20.6, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo Phan Đình Đức khẳng định bản thân không tham gia vào việc ban hành Nghị quyết các lần góp vốn của PVN vào OJB. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo Phan Đình Đức đã tham gia vào lần góp vốn thứ 3 (100 tỉ đồng), nhưng tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đức phủ nhận việc này.

Giải thích trước HĐXX, bị cáo nói: Bị cáo có ký vào văn bản 124 vào ngày 17.5.2011. Trên văn bản đó thể hiện ngày 15.5.2011 là hạn cuối nên bị cáo ký để cho thấy bị cáo đã xem và không còn quyền tham gia. Dù có ký nhưng theo bị cáo Đức cần phải xác minh yếu tố thời gian và trong nhận thức của mình, bị cáo không tham gia. Theo bị cáo, do thời hạn công văn đã quá ngày nên bị cáo đã ký với mục đích cho thấy mình đã xem. Đưa ra chứng cứ ngoại phạm, bị cáo Phan Đình Đức cho biết đã đi công tác tại TP.HCM từ ngày 13.5 – 16.5.2011.

Bị cáo Phan Đình Đức trả lời thẩm vấn tại tòa - Ảnh: M.Hùng

Theo bản án sơ thẩm, quá trình điều tra, tài liệu thu giữ tại PVN thể hiện bộ phận Thư ký HĐTV PVN đã gửi bản chính Nghị quyết 4266/NQ-DKVN ngày 16.5.2011, có bút phê nội dung "b/cáo a.Thăng (R) 18/5”để báo cáo Đinh La Thăng biết.

Như vậy, Đinh La Thăng biết rõ HĐTV PVN đã ban hành Nghị quyết số 4266 bổ sung góp vốn 100 tỉ đồng vào OJB và Đinh La Thăng đồng ý với việc này của HĐTV. Ngoài ra, cùng ngày ký ủy quyền cho Nguyễn Xuân Thắng, ông Đinh La Thăng còn ký Quyết định số 1329/QĐ-DKVN phân công bà Vũ Thị Thanh Hương làm Người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OJB.

Đối với bị cáo Phan Đình Đức, quá trình điều tra khai nhận: Đức nhận được báo cáo số 124/CVNB-NXS ngày 12.5.2011 vào ngày 17.5.2011. Đức đồng ý và ký biểu quyết trên báo cáo 124/CVNB-NXS vào ngày 17.5.2011 sau khi HĐTV PVN ban hành Nghị quyết 4266/NQ-DKVN vào ngày 16.5.2011 về việc chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của OJB năm 2010. Lý do Đức ký biểu quyết đồng ý ngày 17.5.2011 với báo cáo số 124 là do Đức đi vắng; sau đó bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (Phó chánh Văn phòng, Thư ký HĐTV PVN) đưa cho ông Đức ký.

Đối với các nội dung trong báo cáo trên, ông Đức khai đã nắm được chủ trương từ trước và trước khi ký biểu quyết có gọi điện hỏi Ninh Văn Quỳnh nên việc ông Đức ký sau khi HĐTV PVN đã ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN là hoàn toàn bình thường.

Theo bản án sơ thẩm, đợt góp vốn đầu tiên với số tiền 400 tỉ đồng để PVN nắm giữ 20% vốn điều lệ của OJB là vào thời điểm cuối năm 2008. Ngày 30.9.2008, ông Đinh La Thăng ký các công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam xem xét và phê duyệt cho PVN và các cán bộ công nhân viên chuyển vốn để mua cổ phần của OJB.

Trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính, NHNN về việc góp vốn vào OJB, ngày 1.10.2008 ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2008 của OJB từ 1.000 lên 2.000 tỉ đồng. Trong đó, PVN góp 400 tỉ đồng nắm giữ 20% vốn điều lệ.

Ngày 14.10.2008, Bộ Tài chính có công văn gửi PVN “nhắc nhở”, báo cáo rõ tình hình của OJB trước khi góp vốn để tránh rủi ro, song tập đoàn này không thực hiện. Cuối tháng 12.2008, PVN vẫn rót 400 tỉ đồng.

Lần thứ hai PVN đổ vốn vào OJB vào năm 2010. Khi đó, OJB xin tăng vốn điều lệ và được ông Thăng đồng ý. Dù đã thông qua Nghị quyết tăng vốn góp vào OJB nhưng ngày 6.8.2010, ông Đinh La Thăng mới ký văn bản trình Thủ tướng xem xét chấp thuận cho PVN được mua cổ phần tăng thêm của OJB trong năm 2010 để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ mới của OJB.

Bản án sơ thẩm thể hiện, đến đầu tháng 10.2010, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi PVN trong đó truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng “nhắc nhở” PVN cân đối vốn, nếu khó khăn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn của OJB, song ông Thăng cùng các lãnh đạo khác của PVN vẫn đồng ý tăng vốn. Số vốn PVN góp lần thứ hai là 300 tỉ đồng.

Giữa năm 2011, Chủ tịch HĐQT OJB khi đó vẫn là ông Hà Văn Thắm lại đề nghị tăng vốn điều lệ của ngân hàng này và đòi PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn góp. Số vốn lần thứ ba PVN góp vào OceanBank là 100 tỉ đồng, nâng tổng vốn của PVN tại OJB lên thành 800 tỉ đồng.

Tại thời điểm này, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã có hiệu lực) quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”.

Nhã Thanh

Sếp PVN ký nghị quyết góp vốn vào OceanBank do không... nắm được luật

PVN mất 800 tỉ tại OceanBank: Nhiều lời khai chống lại ông Đinh La Thăng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất ngờ hoãn phiên phúc thẩm vụ PVN góp vốn 800 tỉ đồng