Không ít công ty bất động sản (BĐS) nói một đằng, làm một nẻo, sản phẩm nhập nhèm pháp lý… rồi sử dụng chiêu bài “chim mồi” và hiệu ứng đám đông hòng lôi kéo khách hàng.
Nhan nhản lừa đảo
Cơ quan chức năng liên tiếp triệt xóa các tổ chức lừa đảo núp bóng công ty kinh doanh BĐS. Ví dụ mới nhất là vụ án tại Công ty Lộc Phúc. Công ty này đã tuyển mộ cả trăm sinh viên làm thêm, dùng sim rác tiếp cận khách hàng. Chiêu trò của nhóm là quảng cáo dự án một đằng nhưng dẫn khách đi xem một nẻo.
Khi khách đến chỗ dự án, hàng chục nhân viên vây quanh khách để giới thiệu sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần trị giá thực tế của lô đất, liên tục thúc ép khách đặt cọc, tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác. Sau đó, nhóm này đưa khách về công ty để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60 - 70% giá giao dịch trên lô đất đó.
Tuy nhiên, khi người mua nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vị trí không phải là nơi họ đã đến xem và đặt cọc, mà ở nơi xa hơn rất nhiều, giá trị cũng rất thấp.
Dù cơ quan chức năng triệt phá nhiều vụ, nhưng hình thức lừa đảo kiểu này vẫn liên tục tái diễn. Ngày 18.9, bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ xử lý thông tin rao bán sai sự thật về dự án Ruby City không có trên địa bàn.
Cụ thể, liên hệ qua số điện thoại trên trang web, người có nhu cầu được "nhân viên" cho biết đang bán đất tại dự án khu dân cư (KDC) rộng 6,5ha tại xã Đồi 61 và dự án KDC rộng 7ha tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết trên địa bàn xã Đồi 61 không có dự án khu dân cư Ruby City do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Điền Thịnh Holding làm chủ đầu tư.
Trước đó, vào ngày 10.8, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cũng có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai về việc lực lượng chức năng địa phương phát hiện 2 vụ tập trung đông người để giới thiệu mua bán đất trên địa bàn xã Hưng Lộc và xã Lộ 25.
Qua kiểm tra, khu đất trên thuộc quyền sở hữu của 2 cá nhân, nằm trong quy hoạch đất ở tại nông thôn và đất giao thông nông thôn. UBND huyện Thống Nhất cũng chưa tiếp nhận tách thửa đối với khu vực đất này.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho biết không ít công ty BĐS nói một đằng làm một nẻo, đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng, hoặc thiếu thủ tục pháp lý… rồi sử dụng chiêu bài “chim mồi” và hiệu ứng đám đông hòng câu dẫn khách. Hậu quả để lại là thị trường BĐS gặp rất nhiều bất ổn.
Nhận diện “dự án ma” thế nào?
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết tình trạng lừa đảo này không quá xa lạ, tuy nhiên vẫn rất nhiều người không am hiểu pháp luật, nghe và tin theo những lời tiếp thị, dụ dỗ dẫn đến tiền mất tật mang.
Ông Hùng cho biết các “dự án ma” thường không cung cấp đầy đủ cho khách hàng các thông tin, hồ sơ thực hiện dự án, như thông tin chủ đầu tư, đơn vị thi công, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, thông tin chi tiết quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng… Các dự án này cũng không đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ điện, nước, xả thải…
Theo ông Hùng, các “dự án ma” thường đánh vào mức ưu đãi và cam kết lợi nhuận rất lớn để thu hút khách hàng. Ngoài ra, khách hàng tiến hành ký kết hợp đồng sẽ không được ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết các loại hợp đồng bất thường như: Hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng thỏa thuận đầu tư, hợp đồng nguyên tắc…
Do đó, để tránh rủi ro, người dân cần trang bị cho mình một số các kiến thức cơ bản về thị trường BĐS.
Cụ thể, cần kiểm tra kỹ pháp lý dự án. Các dự án cơ bản cần có các loại giấy tờ cơ bản sau đây: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng, thông báo bảo lãnh ngân hàng, biên bản nghiệm thu phần móng; lựa chọn chủ đầu tư là các công ty lớn, công khai, minh bạch về thông tin…
Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng cần kiểm tra cụ thể các điều khoản trong hợp đồng mua bán trước khi ký kết, hoặc tham khảo các luật sư, chuyên gia am hiểu về dự án, pháp lý BĐS để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi tìm hiểu muốn mua, nhận chuyển nhượng.
Cơ quan nhà nước cần minh bạch thông tin pháp lý dự án BĐS, công khai các dự án đủ điều kiện pháp lý trên các thông tin điện tử. Ngoài ra, cần cảnh báo, xử lý nghiêm, mạnh tay với các tổ chức, cá nhân rao bán dự án ma…
Theo Vars, luật pháp hiện hành có quy định xử phạt môi giới BĐS không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác hồ sơ, thông tin về BĐS; cũng như kinh doanh dịch vụ môi giới mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết hạn. Tuy nhiên, mức phạt không nhiều, dao động từ 10 - 25 triệu đồng. Hơn thế nữa, hiện chưa có quy định là cơ quan nào quản lý, phản ánh ở đâu với ai, phạt xong thì sao, làm sao dân biết...?
“Thời điểm sốt nóng, số lượng lao động từ các ngành nghề khác gia nhập làm môi giới tăng rất nhanh, từ xe ôm, người bán nước tới công chức nhà nước. Nhưng thực tế, đây chẳng phải là môi giới BĐS đúng nghĩa. Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng... gây lũng đoạn thị trường”, Vars khẳng định.
Do đó, Vars cho rằng để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Tất cả người hành nghề tư vấn môi giới phải hoàn thành đúng, đủ quy định trước khi hoạt động, trong đó, bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.