Ngành nông nghiệp năm 2021 có nhiều sự kiện nổi bật, trong đó, mức tăng trưởng đạt 2,82% giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và xuất khẩu đạt kỷ lục.

Bảy sự kiện nổi bật trong năm 2021 của nông nghiệp Việt Nam

Lam Thanh | 23/12/2021, 13:25

Ngành nông nghiệp năm 2021 có nhiều sự kiện nổi bật, trong đó, mức tăng trưởng đạt 2,82% giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và xuất khẩu đạt kỷ lục.

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị gián đoạn, thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định rõ là trụ đỡ kinh tế vững chắc.

Chuẩn bị kết thúc năm 2021, Một Thế Giới điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành nông nghiệp năm nay.

Tăng trưởng 2,82%, xuất khẩu đạt kỷ lục

Chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-1 nhưng tăng trưởng nông nghiệp vẫn duy trì ở mức cao so với GDP bình quân chung cả nước (ước đạt 2%). Sản lượng lương thực tăng hơn 1 triệu tấn, đạt 43,86 triệu tấn.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu đạt kỷ lục đạt 48,6 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Thặng dư thương mại đạt 6,4 tỉ USD, giảm 40% so với năm 2020. Cụ thể, nông nghiệp tăng 3,19%, lâm nghiệp tăng 3,5%, thủy sản tăng 1,58%.

nong-nghiep-1.jpg
Ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt kỷ lục

Đây cũng là năm đầu tiên Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, Thái Lan, Philipines để trở thành quốc gia châu Á xuất khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản vào thị trường Mỹ.

Có 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo).

Đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch

Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và chính sách giãn cách xã hội cũng như phương pháp ứng phó dịch của các địa phương, chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản bị đứt gãy, hàng hóa ùn ứ và nơi dư thừa, nơi thiếu thốn nghiêm trọng.

Ví dụ như Đồng Nai, thời điểm tháng 9 dư hơn 1.000 tấn trái cây các loại; tồn dư 200.000 con gà thịt lông trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê. Tổng đàn chim cút trên địa bàn khoảng 7 triệu con, mỗi ngày dư thừa 300.000 trứng cút; dư khoảng 1.000 tấn thủy sản, bao gồm 800 tấn cá nước ngọt, hơn 200 tấn tôm thẻ, tôm càng…

Tương tự, nhiều địa phương khác ở phía nam như Tây Ninh, Bình Dương, Gia Lai, Vĩnh Long, An Giang,… cũng rơi vào tình trạng ùn ứ nông sản tương tự do đứt gãy chuỗi cung ứng.

thanh-long.jpg
Thanh long ùn ứ do Trung Quốc kiểm soát dịch chặt chẽ

Ở phía bắc, hàng nghìn tấn thanh long của Việt Nam bị ùn tại các cửa khẩu do phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu, vì phát hiện trên bao bì bọc trái và thùng các tông đựng hàng có vi rút SARS-CoV-2. Tương tự, chuối, mít, xoài… đều rơi vào cảnh khó khăn về đầu ra, khi vào vụ thu hoạch xuất khẩu bị đình trệ bởi dịch COVID-19.

Các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Mỹ, EU, châu Phi,… đều đang gặp nhiều rào cản như dịch bệnh, khiến các nước giảm nhập khẩu, thiếu container rỗng và giá cước vận tải tăng. Riêng thị trường Trung Quốc, từ tháng 4 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả mỗi tháng giảm trung bình đến 15%.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; hình thành các “luồng xanh”, thông thoáng trong thủ tục vận chuyển; tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT được thành lập đã tổng hợp, kết nối được khoảng 639 đầu mối cung ứng nông sản và thực phẩm ở phía nam; giải quyết về cơ bản khâu ách tắc tại các trạm kiểm soát; hỗ trợ hàng nghìn phần lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ tiêu dùng trong 1 tuần cho 1.000 công nhân, lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa COVID-19,…

Hơn 6.000 container chở hàng hóa nông sản ùn tắc tại cửa khẩu cuối năm

Những ngày cuối năm, hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu với Trung Quốc ùn tắc kỷ lục với hơn 6.200 xe.

Nguyên nhân do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn, trong đó yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu. Về phía Việt Nam, nông sản của các tỉnh phía nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ tết của thị trường tăng cao vào tháng cuối năm.

nong-nghiep-2.jpg
Hơn 6.000 container chở hàng hóa nông sản ùn tắc tại cửa khẩu

Ngoài ra, khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước/sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết đã gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.

Một lý do khác, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế. Trong khi đó, cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.

Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán với giới chức Trung Quốc để khơi thông việc xuất khẩu; đồng thời phải chuyển nhanh chóng từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, nâng cao chất lượng hàng hóa và mở rộng thêm các thị trường khác…

Tiêu thụ nông sản trên nền tảng số từ câu chuyện vải thiều

Dịch COVID-19 đã tạo ra những tác động tiêu cực đối với các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Để hỗ trợ việc tiêu thụ hàng nông sản, nhiều mặt hàng đã được hỗ trợ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Ví dụ điển hình nhất là câu chuyện tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đúng vào kỳ thu hoạch vải. Tuy nhiên, hơn 200.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ thuận lợi, với mức giá ổn định qua các sàn TMĐT.

Mùa vụ 2021, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang chính thức phân phối trên cả 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc. Đây cũng là năm đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang châu Âu theo hình thức TMĐT xuyên biên giới, thông qua sàn TMĐT Vỏ Sò, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel.

nong-nghiep-3.jpg
Vải thiều và nông sản lên sàn thương mại điện tử

Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, thời gian qua, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” cùng các sàn TMĐT tổ chức những sự kiện đem lại hiệu quả thiết thực, như: Ngày đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ dừa - quê hương Bến Tre; đẩy mạnh tiêu thụ hành tím Sóc Trăng, Phiên chợ nông sản Việt, hay chương trình hỗ trợ nho xanh Ninh Thuận, bơ Đắc Lắc, khoai lang tím Vĩnh Long, mận hậu Sơn La, lê thơm Tai Nung (Lào Cai), sầu riêng Ri6 Trà Vinh...

Ngoài ra, đã có 2 triệu hộ nông dân đăng ký gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều mặt hàng như vải thiều, nhãn, xoài đã được đưa lên sàn điện tử để tiêu thụ.

Quốc hội phê duyệt chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bổ sung tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới, tỉnh nông thôn mới.

nong-nghiep-4.png
Quốc hội phê duyệt chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

Đồng thời, thông qua nghị quyết cho phép thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Chúng ta đã đưa ra chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với triết lý xây dựng nông thôn mới là xây dựng người nông dân mới, tinh thần làm chủ của người nông dân. Cái đó mới quyết định cho sự thay đổi chất lượng sống của người nông dân chứ không phải hạ tầng".

Phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá ở Biển Đông 

Hồi đầu tháng 5.2021, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2021.

Trước đó, Trung Quốc đưa ra tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1.5 – 16.9.2021, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc cũng ban hành một số luật mới trong đó có luật cho phép hải cảnh sử dụng vũ lực khi nước ngoài xâm phạm vùng biển của Trung Quốc mà chưa rõ ràng trong vùng biển tranh chấp.

danh-ca.jpg
Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông

Đây là một quy chế đơn phương của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, các tuyên bố và thỏa thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN về Biển Đông.

Trước tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tuyên bố, Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Và cũng trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội nghề cá Việt Nam đã kịch liệt phản đối và có công văn phản đối quy chế đơn phương của Trung Quốc; đồng thời có phương án kế hoạch để kết nối với lực lượng thi hành pháp luật trên biển để hỗ trợ ngư dân.

Nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng EC

Ngày 23.10.2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định (IUU). Trong 4 năm qua, Chính phủ, các địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực cải thiện theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU.

Báo cáo hồi tháng 5.2021 của EC có một số điểm cảnh báo với Việt Nam, trong đó có việc Thủy sản Việt Nam khó trụ hạng, có thể chuyển từ vàng sang đỏ.

nong-nghiep-5.png
Việt Nam vẫn đang nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng EC

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây giữa Tổng cục Thủy sản, Bộ Quốc phòng với Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE), ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU của DG-MARE, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.

DG-MARE cũng đánh giá cao và tin tưởng những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam; nhất là sự minh bạch, thái độ nghiêm túc, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai các biện pháp chống khai thác IUU và những khó khăn, thách thức thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc chống khai thác IUU hiện nay.

Sau cuộc họp, DG-MARE tiếp tục nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình khắc phục "thẻ vàng" của Việt Nam như chưa hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hiện tượng tàu cá bị mất kết nối với Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) còn nhiều. Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và sản lượng bốc dỡ chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng các vụ việc đã xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU còn hạn chế. Hạ tầng ngành thủy sản, ngân sách và bố trí nguồn lực cho việc chống khai thác IUU chưa đáp ứng yêu cầu…

Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảy sự kiện nổi bật trong năm 2021 của nông nghiệp Việt Nam