Tuyến đường Tân Thành Bình - Định Thủy, H.Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) lởm chổm đá xanh loại lớn, nhưng không thi công tiếp tục được, do nhiều hộ dân, doanh nghiệp ngăn cản, yêu cầu đơn vị thi công trả nợ trước.
Liều mình ngăn cản
Mưa bão liên tục trong 2 ngày 3 và 4.7, nhưng nhiều hộ dân, doanh nghiệp địa phương đã dầm mưa để ngăn chặn việc thi công giai đoạn cuối của Dự án nâng cấp tuyến đường giao thông Nông thôn mới Tân Thành Bình - Định Thủy. Theo những người này, họ ngăn chặn việc thi công chỉ là để yêu cầu phía chủ đầu tư dự án là UBND H.Mỏ Cày Bắc đứng ra buộc doanh nghiệp thi công phải trả nợ cho họ. Trong khi đó, các phương tiện xe kô-be, nhựa đường, xe ben, nhân lực… đã sẵn sàng để thi công hoàn thiện dự án.
Cụ Bùi Văn Phương, 75 tuổi, ngụ ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình, H.Mỏ Cày Bắc - người tham gia ngăn chặn việc thi công, cho biết giữa năm 2016, đơn vị thi công lúc đó là Công ty TNHH MTV Gia Phát Lộc (trụ sở tại tổ 76, KP.4, P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), đại diện là ông Đồng Xuân Lộc, đến năn nỉ nhờ cụ đến bảo lãnh với DNTN VLXD Đức Hà (xã Tân Thành Bình), giúp ông mua 120 triệu đồng tiền vật tư. Do doanh nghiệp này đang gặp khó khăn và bản thân cụ Phươngđủ uy tín để mua thiếu, nên ông Lộc nhờ.
Ông Lộc cam kết 1 tháng sẽ trả, vì lúc đó chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán xong, trường hợp chưa nghiệm thu thì sẽ tìm nguồn tiền khác để trả. “Ông ấy kêu chỉ là khó khăn tạm thời, hơn nữa đường giao thông cũng phục vụ cho gia đình mình và bà con ở đây nên tôi đồng ý “bảo kê” 120 triệu đồng. Thế nhưng, ông ấy đã đến VLXD Đức Hà mua đến 280 triệu đồng và hơn năm nay không trả vì lý do chủ đầu tư chưa nghiệm thu”, cụ Phương bức xúc.
Chủ đầu tư cho biết đã nghiệm thu 80% khối lượng và con đường đá xanh cục lớn lổm chổm như thế gây khó khăn việc di chuyển của hàng nghìn hộ dân vùng dự án - Ảnh: Văn Thành Đô
Theo cụ Phương, từ cuối năm 2017, ông phải cầm sổ đất đi vay ngân hàng về trả cho VLXD Đức Hà và từ đó đến nay, ông phải xoay từ việc nuôi heo để kiếm tiền đóng lãi khoản vay ngân hàng. Vất vả nhất là mỗi lần đáo hạn phải đi vay mượn tạm khắp nơi về trả, rồi xin vay ngân hàng trả lại.
Trong nhóm người ngăn cảnthi công còn có con gái cụ Phương là bà Bùi Thị Bé Tư, 44 tuổi, ngụ xã Tân Thành Bình, cũng là chủ nợ của ông Đồng Xuân Lộc, bức xúc: “Thấy ông ấy khó khăn nên ngoài việc nấu cơm hàng mấy tháng trời cho nhân công của ổng ăn thiếu, tôi còn ứng tiền cho nhân công thay ông ấy mỗi tuần 10 triệu. Nặng nhất là khoản bảo lãnh để mua vật liệu xây dựng hơn 340 triệu đồng. Gia đình tôi điêu đứng hết vì khoản nợ của ông ấy. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu phía chủ đầu tư phải đứng ra buộc doanh nghiệp thi công trả nợ mới được.”
Ngoài ra, một số doanh nghiệp địa phương đã bơm cát theo hợp đồng với đơn vị thi công với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng cũng tham gia ngăn cản thi công. Riêng các công nhân, kỹ thuật… làm thuê cho Công ty Gia Phát Lộc thì có mặt nhưng không tham gia ngăn cản. Theo các chủ nợ, hơn 2 năm qua họ đã không còn liên lạc được với ông Đồng Xuân Lộc nên đã tìm đến chủ đầu tư.
“Chủ nợ” không chịu đi kiện huyện lấy quỹ dự phòng trả?
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Em, Giám đốc Ban Quản lý dự án H.Mỏ Cày Bắc - thay mặt UBND huyện làm chủ đầu tư dự án đường xã Tân Thành Bình - Định Thủy, khẳng định chỉ làm việc với đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng số 9 (địa chỉ 103, tổ 6, KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)do ông Ninh Bá Chắc đứng tên đại diện theo pháp luật. Và tại công trường thi công, ông Vũ Văn Luyện là đại diện chỉ huy thi công của Công ty số 9.
Đá được tập kết để 2 bên đường để phục vụ lát nền, trải nhựa từ nhiều tháng qua - Ảnh: Văn Thành Đô
Ngoài ra, ông không hề có mối quan hệ công việc với Công ty Gia Phát Lộc và ông Đồng Xuân Lộc. “Tôi khẳng định đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng số 9 và cho đến thời điểm hiện tại, phía doanh nghiệp trúng thầu cũng chưa thông báo với chúng tôi việc bán thầu cho doanh nghiệp nào cả. Nhưng, hiện ông Ninh Bá Chắc đã chết”, ông Em khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Bắc, cho biết một nhóm người dân địa phương đã phản ánh, ngăn chặn việc thi công dự án này trong vòng gần 2 năm qua chứ không phải duy nhất lần này. Để khắc phục tình hình, đầu năm 2018, UBND huyện đã đứng ra buộc đơn vị trúng thầu phải ký tên trả (từ tiền chủ đầu tư giải ngân) cho các hộ dân 50% số tiền đã nợ và đồng thời hướng dẫn những người “chủ nợ” đó đi kiện người đã mượn nợ họ không trả.
“Dân không chịu đi kiện mà cứ ngăn chặn việc thi công và yêu cầu phía UBND huyện phải đứng ra buộc đơn vị thi công trả nợ. Mặc dù, người mà trực tiếp nợ họ đã không còn ở công trình hơn 2 năm qua. Chúng tôi chỉ còn cách vận động, thuyết phục các “chủ nợ” đó để đơn vị thi công mới làm việc cho hoàn tất công trình, lúc ấy sẽ dùng nguồn tiền bảo trì dự án mà trả cho họ. Theo báo cáo thì tổng số tiền đơn vị thi công nợ dân khoảng 700 triệu đồng. Biết cách này là sai nhưng chắc phải làm vậy thôi”, ông Bàn nói.
Dự án này là công trình giao thông cấp A trong xây dựng Nông thôn mới (nhà nước đầu tư vốn 100%). Tổng kinh phí dự toán hơn 29,5 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 25,5 tỉ đồng được chia thành 2 giai đoạn với tổng chiều dài gần 6,5km (nối quốc lộ 60 từ xã Tân Thành Bình, H.Mỏ Cày Bắc đến xã Định Thủy, H.Mỏ Cày Nam). Dự án chia làm 2 giai đoạn, thi công từ năm 2015 - 2017 hoàn thành. Giai đoạn 1 với chiều dài 3km đã thi công hoàn chỉnh, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Hàng chục thùng nhựa được tập kết để sẵn và các công nhân đã nhiều lần mang ra nấu chuẩn bị phủ mặt được nhưng đều bị dân ngăn cản - Ảnh: Văn Thành Đô
Theo chủ đầu tư, giai đoạn 2 (đang bị đình trệ) có chiều dài 3,45km, kinh phí hơn 14,6 tỉ đồng. Cuối năm 2017, đã nghiệm thu khối lượng khoảng 80% giá trị 10,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, do đơn vị thi công vướng nợ nần nên chỉ mới được giải ngân được 9,976 tỉ đồng, còn thiếu lại đơn vị thi công gần 713 triệu đồng (số tiền này đã bị buộc trả nợ cho dân).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Công ty TNHH Xây dựng số 9 trúng thầu giai đoạn 2 dự án đã “bán” lại cho Công ty TNHH Xây dựng Huy Hoàng Vũ (103H, tổ 6, KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) do ông Vũ Văn Luyện làm Giám đốc. Ngày 30.3.2016, tại Biên Hòa, ông Luyện đã ký hợp đồng thuê Công ty Gia Phát Lộc thi công với giá trị hợp đồng thi công hơn 6 tỉ đồng, Gia Phát Lộc thi công các hạng mục phần cống và nền hạ đường hơn 1,7km và 4 cầu của dự án. Giữa ông Lộc và ông Luyện có mâu thuẫn trong hợp đồng nên ông Lộc đã “ôm nợ chạy lấy người” từ năm 2017.
Văn Thành Đô