“Nếu ngành nông nghiệp không diệt được tận gốc sâu lạ thì nhà nông có trồng mới vườn dừa cũng vô ích”, ông Năm Giúp nói.

Bến Tre: Nhà nông kinh hãi vì sâu lạ ăn trụi vườn dừa

Hùng Anh | 01/09/2020, 08:48

“Nếu ngành nông nghiệp không diệt được tận gốc sâu lạ thì nhà nông có trồng mới vườn dừa cũng vô ích”, ông Năm Giúp nói.

Cả vườn dừa 5.000m2 bị sâu lạ ăn trụi

Ông Bồ Quang Giúp (Năm Giúp, SN 1943, ngụ ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết thửa đất rộng 5.000m2 trồng 120 gốc dừa của ông hiện giờ xem như mất trắng. “Vườn dừa tui trồng từ năm 1986, đến nay mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng, hai vợ chồng già đủ sống qua ngày. Hôm vườn dừa mới bị sâu lạ tấn công, tui ước tính thiệt hại chỉ khoảng 70%, nhưng đến nay cả vườn đã trụi lá, cây bắt đầu rụng trái, khó bề hồi phục”, ông Năm Giúp than thở.

Ông Năm Giúp kể, hôm cuối tháng 5 trong lúc đi thăm vườn thì ông phát hiện khoảng 10 cây dừa tự nhiên héo lá bất thường, trong khi những cây khác vẫn xanh tốt. Xem xét tới lui xung quanh gốc, ông Năm nhận địnhcó lẽ cây dừa bị thiếu nước do mùa hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 nên héo khô lá. Nhưng mấy ngày sau, hiện tượng cây dừa héo lá lan ra khắp cả vườn, trong đó có rất nhiều cây đứng sát bờ mương không thể thiếu nước. Tức mình, ông Năm Giúp kéo mấy tàu lá dừa bị héo xuống xem thế nào thì tá hỏa khi phát hiện hàng trăm con sâu hình thù kỳ lạ đang ẩn nấp trong các bẹ lá dừa, ăn lá cây.

“Nói thiệt là từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui chưa từng thấy con sâu ăn lá dừa nào kỳ lạ như vậy. Sau khi ăn sạch lá dừa, lũ sâu lạ bắt đầu ăn tới phần vỏ của những trái dừa non, dừa đang độ uống nước, khiến trái dừa sau đó bị hư và rụng xuống đất. Chỉ có trái dừa khô là đám sâu lạ không thèm đụng tới”, ông Năm Giúp nhớ lại.

Theo quan sát của ông Năm Giúp, con sâu lạ lúc còn non chỉ to bằng cây tăm tre xỉa răng, có màu trắng. Khi bắt đầu trưởng thành, con sâu lạ chuyển sang màu xám. Lúc chuẩn bị hóa nhộng để nở thành bướm, con sâu chuyển sang màu nâu, to bằng thân 2 cây tăm xỉa răng. Khi hóa bướm, con bướm sâu lạ có màu trắng toàn thân, bay phát tán khắp nơi trong các vườn dừa, tiếp tục chu kỳ đẻ trứng, nở sâu phá hại cây, trái.

“Tui đã thử chạm tay vào thân con sâu lạ và con bướm hóa thân của loài sâu này, nhưng vẫn bình thường, không bị ngứa ngáy, nổi mề đay như những loại sâu ăn lá dừa lâu nay thường gặp. Tui đã thử bắt mấy con sâu lạ nhốt vào ly thủy tinh, bỏ đói, vậy mà 5 ngày sau con sâu vẫn không chết. Còn con bướm thì nhốt trong lọ thủy tinh nó chẳng những không chết mà vẫn đẻ trứng bình thường, khiến ai chứng kiến cũng đều kinh hãi”, ông Năm Giúp kể.

Ông Năm Giúp cho biết, sau khi phát hiện sâu lạ hại dừa, ông đã thuê người mua đủ thứ thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt nhằm diệt sâu, cứu vườn cây. Nhưng phun thuốc 4-5 lần mà con sâu lạ và con bướm vẫn trơ trơ không chết, nên ông hoảng quá, thông báo sự việc với chính quyền ấp. Sau đó ấp báo tin cho UBND xã Phú Long cử cán bộ xuống xem xét, cũng chẳng thể xác định đó là con sâu gì. Nhưng trước tốc độ tàn phá vườn dừa quá nhanh, UBND xã Phú Long thông báo sự việc cho Phòng NN-PT, UBND huyện Bình Đại.

Các cán bộ huyện không thể xác định được loài sâu lạ hại dừa, nên thông báo tình hình đến UBND tỉnh Bến Tre và ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến lúc các cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Bến Tre xuống hiện trường xem xét thì kết luậnđây là loài sâu lạ gây hại dừa lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. “Tới lúc đó thì vườn dừa của tui đã gần như thiệt hại hoàn toàn. Mấy vườn dừa kề bên như vườn dừa 5.000m2 của bà Hai Tú, vườn dừa rộng hơn 1 hecta của ông Phạm Văn Mười… đã bị sâu lạ tấn công”, ông Năm Giúp cho biết.

Nghi sâu lạ xuất phát từ người nuôi chim, cá cảnh

Ông Bùi Văn Tửng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Long, cho biết sau khi phát hiện sâu lạ hại dừa, UBND xã đã thống kê có hơn 2 hecta vườn dừa ở ấp Giồng Tre bị thiệt hại nặng, nhiều vườn khác bị lác đác, tổng diện tích khoảng 30 hecta. Trong khi đó Chi cục TT-BVTV xác định sâu lạ hại dừa là loài sâu rất nguy hiểm, có tên khoa học là Opisina arenosella Wailker, lần đầu tiên mới xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng trước đó loài sâu này đã gây hại ở các quốc gia trồng nhiều dừa như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan. Sâu lạ chuyên tấn công lá dừa và vỏ trái dừa tươi, làm cây héo lá, trái dừa bị hư hỏng.

Vườn dừa của ông Năm Giúp bị sâu lạ ăn xơ xác - Ảnh: Thanh Anh

Do sâu lạ lần đầu tiên xuất hiện nên cho đến chưa có loại thuốc đặc trị nào để tiêu diệt sâu, ấu trùng và bướm hóa thân từ sâu. Theo Chi cục TT-BVTV tỉnh Bến Tre, khi phát hiện dừa bị sâu lạ tấn công, tốt nhất là người dân nên chặt bỏ lá, trái bị sâu ăn và đem tiêu hủy để tránh lây lan ra các vườn dừa trong khu vực.

Sau khi phát hiện sâu lạ, Chi cục TT-BVTV tỉnh Bến Tre đã phối hợp Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) sử dụng thiết bịbay tự hànhđể phun thuốc diệt sâu, bướm trên diện tích 30 hecta vườn dừa, và ngày 30.8 phun đợt cuối cùng. Thuốc được phun lên vườn dừa là chế phẩm sinh học BT, không gây nguy hại cho con người và các diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng xung quanh các vườn dừa. Tuy nhiên theo ông Năm Giúp, sau khi ngành nông nghiệp phun thuốc thì mật độ sâu lạ có giảm trên tàu lá dừa, nhưng không chết hết. Nguyên nhân là con sâu rất nhỏ, nấp kín trong các kẽ của lá dừa, thuốc không ngấm vào được, nên sâu không hề hấn.

Hỏi ông Năm có nghĩ vì sao con sâu lạ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam mà lại xuất hiện ở vùng nông thôn hẻo lánh là ấp Giồng Tre, xã Phú Long, lão nông 77 tuổi trả lời không chút đắn đo: “Nếu theo thông tin của Chi cục TT-BVTV tỉnh Bến Tre thì con sâu lạ này là sinh vật ngoại lai. Vì vậy tui nghĩ, con bướm đẻ ra trứng của con sâu lạ này không thể nào bay từ Thái Lan, Ấn Độ đến Phú Long được. Nó xuất hiện ở đây chỉ có thể từ con đường nhập lậu sâu làm thức ăn cho chim cảnh, cá cảnh. Người sử dụng sơ suất làm xổng con sâu ra ngoài môi trường tự nhiên, nên nó mới có cơ hội sinh sôi nảy nở, phát tán rộng để gây hại cho vườn dừa”.

Theo ông Năm Giúp, do vườn dừa khó có cơ hội hồi phục nên ông đang tính chuyện đốn bỏ, trồng lại vườn dừa mới. Nhưng ông Năm vẫn đắn đo vì cho rằngnếu ngành nông nghiệp không tìm ra được thuốc đặc trị để tiêu diệt tận gốc loài sâu lạ thì nhà nông có cải tạo, trồng mới vườn dừa cũng vô ích, bởi chẳng bao lâu vườn cây lại sẽ bị sâu lạ tấn công, gây hại.

Những trái dừa bị sâu lạ ăn phần vỏ, sau đó héo, rụng, khiến nhà vườn thất thu - Ảnh: Thanh Anh

“Vườn dừa của tui thiệt hại chỉ là chuyện cá nhân. Nhưng nếu con sâu lạ này lan ra cả tỉnh Bến Tre thì 74.000 hecta dừa của tỉnh có nguy cơ bị xóa sổ. Đó là chưa kể đến việc con sâu lạ có thể lây lan tàn phá các vườn dừa ở Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… nếu không kịp thời ngăn chặn nó”, ông Năm Giúp bày tỏ.

Một cán bộ ngành nông nghiệp ở Tiền Giang cho rằngtừ trước đến nay hành vi nhập khẩu trái phép và phát tán các sinh vật ngoại lai (động - thực vật) ra môi trường gây nguy hại bị Nhà nước xử lý rất nặng. Cụ thể, điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào nhập khẩu trái phép, phát tán loài động, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉđồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 7 năm”, tùy theo hành vi và giá trị sinh vật ngoại lai được nhập khẩu, phát tán.

Tuy nhiên, trên thực tế từ trước đến nay đã có nhiều loài sinh vật ngoại lai được nhập khẩu lén lút, sau đó phát tán ra môi trường tự nhiên gây hại rất nghiêm trọng, như ốc bươu vàng, cây mai dương, cá lau kiếng… mà đến nay không thể khắc phục được.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bến Tre: Nhà nông kinh hãi vì sâu lạ ăn trụi vườn dừa