Phòng khám nhi ở các bệnh viện tại TP.HCM ghi nhận số lượng trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp và sốt xuất huyết tăng cao thời gian gần đây. Một số nơi bệnh nhi phải nằm chung 2 - 3 trẻ một giường, thậm chí tràn ra cả hành lang bệnh viện.

Bệnh mùa mưa đang tấn công trẻ

Một Thế Giới | 12/08/2015, 07:08

Phòng khám nhi ở các bệnh viện tại TP.HCM ghi nhận số lượng trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp và sốt xuất huyết tăng cao thời gian gần đây. Một số nơi bệnh nhi phải nằm chung 2 - 3 trẻ một giường, thậm chí tràn ra cả hành lang bệnh viện.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nếu như trong tháng 6, mỗi ngày bệnh viện này chỉ tiếp nhận khoảng 200 ca nhập viện điều trị bệnh hô hấp, thì sang tháng 7 con số đã tăng lên 300, và những ngày đầu tháng 8 ghi nhận số trẻ em điều trị tại khoa Hô hấp lên tới 400 ca/ngày.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM số lượng trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp cũng gia tăng kể từ tháng 6 đến nay. Bệnh viện cho biết trong tháng 6 có khoảng 65.800 lượt trẻ đến khám chữa bệnh liên quan đến đường hô hấp, tăng 3.500 lượt so với tháng 5. Sang tháng 7, con số tăng lên 7.000. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8, số lượng trẻ đến khám bệnh viêm đường hô hấp khoảng 2.000.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đây là thời điểm mưa nhiều và gió lạnh. Trẻ em dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, dẫn đến biến chứng viêm phế quản và viêm phổi. Bệnh làm trẻ sổ mũi, nghẹt mũi, ho có đàm, thở khò khè. Nguyên nhân là các siêu vi trùng đột nhập vào mũi, họng của trẻ xuống phế quản và vào phổi.

Theo BS Tuấn, để phòng ngừa, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến sự thay đổi của thời tiết để bảo vệ trẻ. Trẻ cần được mặc quần áo thoáng mát khi trời nóng và giữ ấm khi trời lạnh. Không để trẻ nằm gần quạt máy, nằm phòng máy lạnh quá lâu; không cho trẻ đi chơi dưới trời mưa hay ngoài trời quá khuya; tắm trẻ bằng nước nóng khi trời lạnh; giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh, nhất là người đang bị ho.

Ngoài tình trạng bệnh viêm đường hô hấp tăng, bệnh sốt xuất huyết cũng đang tấn công trẻ em ở tại TP.HCM thời gian gần đây.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa đưa ra số liệu thống kê, cho biết số trẻ bị bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 6.200 trẻ nhập viện điều trị.

Thực tế cho thấy, bệnh sốt xuất huyết tăng cao ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Củ Chi, Nhà Bè... Tuy nhiên, tại thời điểm này, số trẻ bị bệnh sốt xuất huyết ở các quận nội thành như quận 1, 3, 10 cũng tăng khá cao.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết năm nay gia tăng, ngoài lý do về thời tiết thất thường còn phải nhìn nhận công tác phòng chống dịch, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường của cơ quan y tế dự phòng quận/huyện và các hộ dân chưa tốt. Nếu các quận/huyện không quyết liệt trong việc diệt muỗi gây sốt xuất huyết, tình hình dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh hơn.

BS Lê Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Truyền thông và kỹ thuật nghe nhìn thuộc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM, cho rằng sở dĩ các quận nội thành có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao hơn các quận ngoại thành vì nhiều hộ dân chưa có ý thức giữ gìn môi trường sống, diệt lăng quăng, bọ gậy.

Thực tế kiểm tra những nơi có ổ dịch sốt xuất huyết cho thấy, muỗi sốt xuất huyết có thể xuất phát từ những máng xối trên tầng thượng bị tắc nghẽn, từ những bát nhang thờ ngoài trời, thậm chí từ trong toilet (bồn cầu) gia đình không sử dụng đến. Ngoài ra, những vật dụng như vỏ dừa, hộp xốp vứt bừa bãi ra môi trường cũng là nơi lý tưởng cho lăng quăng, bọ gậy sinh sống.

Theo Sài Gòn tiếp thị


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
11 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh mùa mưa đang tấn công trẻ