Trước đây, đá ong được khai thác từ mỏ rồi mang đi xây trực tiếp, không trải qua nhiều công đoạn chế tác như bây giờ. Kỹ thuật xây cũng không quá phức tạp.
Ngày nay, đá ong được đẽo vuông thành sắc cạnh. Người thợ khoét lõm một mặt của viên đá rồi lát lớp mỏng xi măng tinh, sau đó đặt viên đá khác lên. Người không phải trong nghề tưởng ngôi nhà được lắp ghép bởi các viên đá, chứ không phải xây bằng vữa thông thường.
Nhờ đó, dân làm nghề đá ong xã Bình Yên - Thạch Thất có thêm nhiều việc làm, như đẽo đá, để tăng thêm thu nhập.
Anh Song, một người dân ở đây, cho hay, công việc tưởng đơn giản nhưng rất vất vả. Mỗi ngày, anh đẽo được 60 viên, mỗi viên ông chủ trả 5.000 đồng. Ban đầu việc không quen, hai cánh tay rất mỏi, nhiều hôm nhấc con dao lên bằng hai tay mới đẽo được.
Nói đến xây dựng bằng đá ong kỹ thuật cao, anh Hùng - một thợ xây đá ong, nói rằng đòi hỏi thợ phải có kinh nghiệm, mắt quan sát tốt, tính kiên nhẫn cao. Gặp những vị trí phức tạp, người thợ cần nhờ nghệ nhân khắc trạm đá ong tư vấn. Do vậy, khối lượng công việc có thể gấp đôi so với xây gạch thông thường.
Ngoài ra, hiện người dân còn thích làm những chiếc cổng bằng đá ong rực rỡ, giá trị hàng trăm triệu. Chỉ riêng uốn tạo vòm cho chiếc cổng đòi hỏi thợ phải làm dựa trên thiết kế. Viên đá được đẽo theo đúng góc độ, họa tiết tương ứng với vị trí trong bản vẽ rồi mới lắp ghép lại.
“Nhiều đại gia chơi ngông, ngoài xây cổng, tường bao cũng được xây bằng đá ong với kỹ thuật mạch chỉ”, anh Hùng nói.
Theo người dân Thạch Thất, hiện tại, mỏ đá ong nằm trong quy hoạch đã bị dừng lại, không được khai thác nữa. Thế nên, nguồn đá cung cấp ra thị trường trông chờ vào các hộ dân. Nhiều gia đình sở hữu hàng héc ta đất đồi. Họ chủ động đào sâu 1m đã có thể khai thác đá ong để bán cho các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn.
Thú chơi tượng đá ong nghệ thuật
Không chỉ dừng ở việc xây nhà và xây cổng, đá ong còn tạo cảm hứng nghệ thuật cho các nghệ nhân sáng tác, điêu khắc nên những tác phẩm độc đáo.
Nói đến nghệ nhân chế tác đá ong, dân trong nghề ai cũng khẳng định ông Chắt (Bình Yên) là số một. Ông theo nghề đá ong này đã ngót 20 năm. Một bên chân bị tật nên việc đi lại khó khăn, thêm vào đó sức khoẻ không được tốt, nhưng với lòng yêu nghề, ông vẫn say mê làm việc.