Cho rằng bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn (TP.HCM) mổ chân sai sót rồi bỏ trốn, khiến bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng, phải cắt lọc hoại tử và cuối cùng chịu cảnh tàn phế, bệnh nhân đã làm đơn tố cáo hành vi trên. Đòi bệnh viện này phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra.
Bác sĩ mổ xong bỏ trốn
Mới đây ông Lê Chấn Hưng (74 tuổi, ngụ ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) đã làm đơn tố cáo một bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn thiếu trách nhiệm, không đủ khả năng mổ chân nhưng vẫn quyết giữ ông ở lại bệnh viện mổ bằng được để cuối cùng ông phải chịu cảnh tàn phế.
Theo ông Hưng, vào ngày 22.6.2015, ông bị tai nạn xe gắn máy được người dân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, ông tỉnh lại, xin bác sĩ ở đây cho chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).
Tuy nhiên lúc này bác sĩ Duẩn (khoaNgoại chấn thương -bỏng,Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn) nói: “Bác chỉ bị gãy ống chân trái, đơn giản thôi, ở đây chữa khỏi, không cần phải chuyển lên tuyến trên”.
Sau đó ông Hưng tiếp tục đề nghị bác sĩ cho ông chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 để mổ cho an toàn. Bác sĩ Duẩn lại trấn an: “Bác đừng quá lo lắng, chân của bác chỉ bị gãy bình thường, ở đây mổ được, sau 3 tháng là đi lại bình thường”. Nghe đến đây gia đình ông mới đồng ý ký mổ ở bệnh viện này.
Sau khi ký đồng ý mổ xong, bác sĩ Duẩn còn đề nghị người nhà của ông bồi dưỡng cho ê kíp mổ 3 triệu đồng. Vì muốn việc mổ diễn ra an toàn, suôn sẻ nên gia đình ông Hưng đồng ý đưa cho bác sĩ Duẩn 3 triệu đồng tiền “bồi dưỡng”.
Ông Hưng cho hay sau khi mổ đặt khung bất động ngoài cẳng chân (dạng chữ T) được 3 ngày, ông thấy tình hình chân của mình không ổn muốn gặp bác sĩ Duẩn để hỏi thì được các nhân viên y tế ở đây thông báo: “Bác sĩ Duẩn đã đi rồi, ông chỉ là bác sĩ hợp đồng, làm việc xong là đi”.
Sau đó ông Hưng tiếp tục điều trị hậu phẫu tại đây khoảng 2 tháng, nhưng chân vẫn đau nhức, nơi xương gãy bị hóp sâu, bàn chân trái bị hoại tử. Thấy tình hình không ổn, bệnh viện này đã chuyển ông đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Tại đây, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết xương ghép ở chân của ông bị hở; vặn bu lông đặt khung bất động ngoài cẳng chân quá chặt khiến bàn chân trái bị vênh.
"Nếu bác đến đây lúc mới xảy ra tai nạn, bệnh viện có ngân hàng xương sẽ ghép lại cho bác phần xương gãy bị thiếu và vặn bu lông bằng máy để đặt khung bất động ngoài cẳng chân thì sẽ không xảy tình trạng trên. Nếu muốn vặn bu lông chính xác phải sử dụng máy đo vặn bu lông, chứ không thể vặn bằng tay”, ông Hưng thuật lại lời một bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115.
Dù đã được phẫu thuật cắt lọc và đặt khung bất động ngoài cẳngchân nhưng sau 2 năm chân trái của ông Hưng vẫn bị lõm sâu, bàn chân bị hoại tử, têliệtkhông thể đi đứng được.
Bệnh viện trốn trách nhiệm
Ông Hưng cho rằng chính Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn không có trang thiết bị đo vặn bu lông nên vặn bằng tay không chính xác dẫn đến bàn chân trái của ông bị vênh. Ngoài ra bệnh viện này không có ngân hàng xương nên không có xương để nối lại. Khi bị gãy, xương hụt đi nhưng phẫu thuật không có xương để bù vào gây ra tình hở xương, đau nhức, hoại tử da khiến ông phải tàn phế.
Theo ông Hưng, trong suốt thời gian gần 2 năm qua, ông đã nhiều lần “gõ cửa” Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn đề nghị được gặp lãnh đạo bệnh viện này để làm rõ những sai sót trong quá trình phẫu thuật chân của ông. Tuy nhiên lần nào ông đến đây cũng đều nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo đi vắng”.
Có lần ông vào phòng tiếp dân của bệnh viện thì được nơi đây giới thiệu đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 để được xử lý lại nhưng những nơi này đều không dám xử lý.
Sau khi nhận được câu trả lời từ các bệnh viện trên, ông quay lại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn yêu cầu nơi đây phải bồi thường cho ông thì nhận được câu trả lời: “Bác cứ từ từ rồi chân sẽ lành, cái này không gấp được đâu”. Và cứ như thế, mỗi lần ông gặp thì mỗi lần bác sĩ ở đây đều trả lời với ông như vậy.
Trong suốt thời gian nằm một chỗ, các con của ông phải ở nhà chăm sóc ông. Đặc biệt, đứa con trai của ông phải nghỉ bán hàng thuê ở nhà chăm sóc ông, không có tiền để lo cho gia đình. Trong khi đó, ngày nào ông cũng phải uống thuốc giảm đau 3, 4 lần để chống chọi với những cơn đau nhức triền miên.
“Tôi không thể chờ đợi mãi được nữa. Đã 2 năm trôi qua nhưng chân trái của tôi vẫn đau nhức, không đi lại được phải nằm liệt một chỗ. Tất cả những lời hứa của bác sĩ Duẩn đều trái ngược. Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho tôi, không thể lãng tránh làm ngơ như thế được” ông Hưng bức xúc nói.
Bệnh viện không biết chuyện bác sĩ Duẩn hứa
Sáng 18.4 phóng viên đã đến làm việc với Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Mônvề những vấn đề trên. Tại đây, bác sĩ Trần Trường Khoa- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp khẳng định bác sĩHuỳnh Văn Duẩn là người trực tiếp mổ cho ông Hưng. Tại thời điểm mổ bác sĩ Duẩn là người biên chế của của bệnh viện với chức danh là Phó khoa Ngoại chấn thương – bỏng. Sau khi mổ xong ca này thì bác sĩ Duẩn mới xin nghỉ việc ở đây để đi làm bên ngoài.
Về vấn đề xử lý chấn thương của bệnh nhân Hưng, bác sĩ Huỳnh Văn Lem- trưởng khoa Ngoại chấn thương – bỏng cho biết bệnh nhân Hưng bị gãy nát 2 tầng 1/3 dưới xương chày trái. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị gãy hở độ III A 1/3 dưới xương chày trái.
Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 22.6 bác sĩ Duẩn tiến hành cắt lọc, rửa sạch, nắn chỉnh xương và đặt khung bất động ngoài cẳng chân. Bệnh nhân sau đó được điều trị hậu phẫu. Tuy nhiên đến ngày 2.7.2015, các bác sĩ phát hiện mạch máu ở bàn chân trái của bệnh nhân lúc có lúc không. Do bệnh viện không có Dopler mạch máu nên đã chuyển bệnh nhân Hưng đến Bệnh viện Nhân dân 115 để kiểm tra. Kết quả siêu âm và Dopler mạch máu cho thấy bệnh nhân không tổn thương mạch chày trước, chày sau. Bệnh nhân sau đó quay trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị và đến ngày 14.7.2015 thì xuất viện.
Câu hỏi được đặt ra lúc này, tại sao xương chày trái của ông Hưng bị lõm sâu, bàn chân trái bị hoại tử khiến bệnh nhân không thể đi đứng được sau gần 2 năm phẫu thuật, bác sĩ Lem cho rằng do tình trạng chấn thương của bệnh nhân rất nặng kèm theo đó là bệnh nhân lớn tuổi.
“Bệnh nhân bị gãy hở độ 3, xương gãy nát, gãy nhiều tầng và tổn thương mô mềm rất nhiều. Nguyên tắc lành xương có rất nhiều yếu tố như: thể trạng, chế độ dinh dưỡng. Càng lớn tuổi thì mức độ loãng xương càng nhiều, khả năng liền xương thấp. Theo y văn thế giới, nếu gãy hở như bệnh nhân Hưng thì việc chậm liền xương chiếm 16%, diễn biến xấu chiếm 4%, còn lại 80% lành xương tốt. Trường hợp của bệnh nhân Hưng là nằm trong số 4% do thể trạng yếu. Ngoài ra có thể bệnh nhân này tập vận động quá sớm cũng dễ dẫn đến mất độ vững chắc của xương, khiến xương bị mất đi. Riêng việc hoại tử bàn chân trái của bệnh nhân là do tổn thương mô mềm quá nhiều”, bác sĩ Lem giải thích.
Dù biết có nhiều yếu tố nguy cơ xấu xảy ra đối với bệnh nhân Hưng nhưng tại sao bác sĩ Duẩn lại trả lời chắc nịch với người bệnh: “Sau mổ 3 tháng sẽ đi đứng được, không cần lên tuyến trên”, bác sĩ Lem trả lời: “Cái đó tôi không biết. Chuyện bác sĩ Duẩn hứa điều đó”.
Ông Lem cũng cho hay, trong giai đoạn đóông đang theo học bác sĩ chuyên khoa cấp 2 nên giao cho bác sĩ Duẩn quán xuyến công việc của khoa nên vấn đề trao đổi giữa bệnh nhân Hưng và bác sĩ Duẩn ông không được biết.
Hồ Quang