Chuyện khôi hài vừa xảy ra: Ngọc Sơn, một ca sĩ nhiều tai tiếng, bất ngờ được ông Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam “phong” là giáo sư trong tấm bằng khen ký vào ngày 8.8.2017.
Lý giải thiếu trách nhiệm về vấn đề này, tiến sĩ Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cho rằng do Ngọc Sơn khai sao thì ông cấp vậy. Nhiều người sững sờ khi biết ông dám ký vào tấm bằng khen, ghi rõ Ngọc Sơn là “giáo sư âm nhạc, ca sĩ”!
Nhiều người vẫn biết Ngọc Sơn - ca sĩ chuyên hát dòng nhạc bolero - là người mang khá nhiều tai tiếng. Như tháng 12.1992, Ngọc Sơn có mặt trong bữa tiệc có lời mời chào “mang theo bao cao su, sung độ cho mọi đối tượng...” của một Việt kiều tên Pierre Tân. Theo tường thuật lại của báo chí thời đó, đây là một cuộc vui thác loạn, nhạc mở ầm ĩ, quay cuồng bởi thuốc phiện. Ngọc Sơn đã bị bắt tại bữa tiệc và sau đó phải nhận án 12 tháng tù treo.
Năm 2000, Ngọc Sơn gây sốc khi là người đầu tiên đúc tượng của chính mình đặt trước sân nhà. Anh cho biết pho tượng trị giá 1.000 cây vàng và chưa ai trên thế giới từng có. Tuy nhiên sau đó, chính quyền đã yêu cầu Ngọc Sơn di chuyển bức tượng này.
Đầu năm 2009, Ngọc Sơn bị lộ clip chat sex và trong video còn có sự xuất hiện của nam ca sĩ Duy Mạnh. Đến tháng 11.2009, trên một số trang mạng lan truyền loạt ảnh của Ngọc Sơn trong tư thế để lộ bộ phận nhạy cảm. Anh còn khoe bức ảnh mặc đồ lót của phụ nữ một cách lố bịch.
Cũng chính Ngọc Sơn từng phát ngôn gây sốc: “Tôi đã mua bảo hiểm trinh tiết đời trai 1 triệu USD đấy…”; hoặc “Cho tiền bạc làm từ thiện thì tôi làm nhiều rồi, giờ cho xác nó mới... độc”, khi nói về việc ký vào đơn hiến xác khi qua đời...
Rõ ràng, với người mang nhiều tai tiếng như vậy, việc được chính ông Chủ tịch 1 hội “phong” là giáo sư trong tấm bằng khen đã tạo dư luận rất ầm ĩ... Nhưng bình tĩnh mà nghĩ lại, chuyện rồi cũng lắng bởi Ngọc Sơn chỉ được là “giáo sư” trên tấm bằng khen, chứ thực tế anh ta có được nhận tấm bằng giáo sư thực sự nào đâu.
Ca sĩ Ngọc Sơn khoe cái danh xưng “giáo sư” mà ông Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam hào phóng “ban tặng” chắc cũng chỉ để gây ồn ào dăm bữa. Thế rồi xong, chẳng hại ai. Và Ngọc Sơn cũng chẳng thể mang cái “học hàm giáo sư” ấy đi hại ai hoặc giáo huấn được ai.
Trong khi xã hội này, biết bao quan chức sử dụng bằng tiến sĩ, giáo sư “hữu danh vô thực”; bằng thật nhưng học giả để thăng quan tiến chức, và còn dùng cái bằng ấy đi giảng dạy, chỉ đạo, định hướng cho biết bao người; thậm chí định hướng cho cả phát triển của ngành, của địa phương. Họ mang danh giáo sư nhưng trình độ thực đôi khi chưa bằng sinh viên đại học.
Năm 2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận: “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. Thế mới khổ! Nhiều người kiếm bằng giả vì háo danh, nhưng sợ nhất là những người săn bằng giả để thăng quan tiến chức.
Năm 2015, tại tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện trong 20 cán bộ y tế dùng bằng giả, có 18 người giả bằng cấp chuyên môn. Nhiều cán bộ công tác khá lâu năm trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Điều này thật đáng sợ khi nhiều bệnh nhân có thể đánh đổi sinh mạng mình vì cái bằng giả, thiếu chuyên môn thật của người điều trị cho mình...
Và nước ta thiếu gì những quan chức xuất thân từ lớp 3, lớp 4, không nghỉ việc đi học ngày nào cũng có bằng cử nhân. Hay có vị vừa chuyên tu tại chức, vừa thăng tiến vù vù, bất ngờ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hẳn hoi.
Khổ thay khi một số người như vậy có thể quyết định nhiều thứ liên quan đến dân. Kiến thức thật của họ không có, dân lo lắm...
Thế thì, những tấm bằng ấy, so với cái học hàm tự phong của Ngọc Sơn, rõ ràng dễ thấy thứ nào nguy hiểm hơn. Bêu riếu Ngọc Sơn làm chi...
Hồ Hùng