Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) cho rằng cần có lộ trình giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế (quỹ BHYT) và người dân.

BHXH Việt Nam: Cần có lộ trình giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc

25/06/2020, 17:32

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) cho rằng cần có lộ trình giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế (quỹ BHYT) và người dân.

Cần có lộ trình giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm cho quỹ BHYT và người dân - Ảnh: internet

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong các năm 2018, 2019, quỹ BHYT thanh toán cho tiền thuốc tân dược khoảng 37.000 tỉ đồng, trong đó riêng thuốc biệt dược gốc là 11.500 tỉ đồng, chiếm 26,5%. Đây là con số khá cao so với các nước trên thế giới.

Một số địa phương có thanh toán BHYT cho biệt dược gốc chiếm tỷ lệ cao như TP.HCM chiếm 44,5%, Hà Nội 38,9% do có nhiều bệnh viện tuyến cuối; tập trung chi vào các bệnh như ung thư, tim mạch, tiêu hóa… Theo so sánh, nếu thay thế những loại thuốc biệt dược gốc bằng thuốc generic nhóm 1, Hà Nội có thể tiết kiệm được 279 tỷ đồng và TP.HCM tiết kiệm được 523 tỉ đồng.

Ngày 23.6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về chính sách, thanh toán từ BHYT đối với thuốc biệt dược gốc nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám chữa bệnh (KCB) và tiết kiệm được khoản chi từ quỹ BHYT và chi phí của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quang Thuấn cho biết, hiện nay tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trong điều trị ung thư tại Việt Nam khoảng 38%, còn ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, Đức là 20%. Giá thuốc biệt dược gốc điều trị ung thư cao trung bình gấp 7-8 lần so với thuốc generic nhóm 1. So với số lượng, giá trúng thầu năm 2019, riêng 6 loại thuốc điều trị ung thư sử dụng biệt dược gốc nếu được thay thế bằng thuốc generic nhóm 1 có thể tiết kiệm được khoảng 366 tỉ đồng. Tương tự, có 3 loại kháng sinh biệt dược gốc nếu thay thế bằng thuốc generic nhóm 1 cũng có thể tiết kiệm trên 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do giá thuốc biệt dược gốc cao gấp nhiều lần thuốc generic nên phần lớn các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm vẫn muốn duy trì cung cấp, lưu hành dù nhiều loại đã hết bản quyền, đã có thuốc generic tương đương. Trong khi đó, các công ty này không đưa ra các nghiên cứu chứng minh thuốc biệt dược gốc có tác dụng điều trị tốt hơn hẳn thuốc generic tương đương. Ngược lại cũng không có nhiều nghiên cứu khẳng định thuốc generic tương đương có tác dụng điều trị tốt bằng hoặc hơn thuốc biệt dược gốc.

Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, cần đảm bảo nguồn thuốc tốt nhưng không để tình trạng chi phí quá mức cần thiết cho thuốc phát minh (biệt dược gốc), nhất là những loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và có nhiều loại thuốc tương đương do các nước phát triển nhất sản xuất và lưu hành. Cần có lộ trình giảm việc sử dụng thuốc phát minh (biệt dược gốc) để tiết kiệm tiền cho quỹ BHYT và người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Phòng Thương mại Châu Âu, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam sớm hoàn thiện đề án hợp tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp dược phẩm của Châu Âu, Hoa Kỳ để tăng cường sản xuất thuốc tại Việt Nam, nhất là rút ngắn quá trình để sản xuất thuốc phát minh (biệt dược gốc).

Hiện thị trường thuốc của Việt Nam có quy mô khoảng 5 tỉ USD, 22.000 loại thuốc, số thuốc biệt dược gốc là 755 loại. Trong đó có khoảng 150 biệt dược gốc đã hết bản quyền bảo hộ và đã có các thuốc generic tương đương do các nước có công nghệ dược phát triển nhất sản xuất được lưu hành ở Việt Nam (thuốc generic nhóm 1). Qua thống kê các loại thuốc biệt dược gốc (cả trong thời gian bản quyền và hết bản quyền) đắt hơn thuốc generic từ 3-20 lần, trung bình là gấp 7-8 lần.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BHXH Việt Nam: Cần có lộ trình giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc