Hồ Roopkund trên dãy Himalaya, nơi chứa hàng trăm bộ hài cốt nghìn năm tuổi, là đề tài thách thức các nhà nghiên cứu trong một thời gian dài.
Hồ Roopkund (còn gọi là hồ xương người) nằm ở độ cao 5.029 m so với mực nước biển, dưới cùng con dốc trên núi Trisul - một trong những ngọn núi cao nhất Ấn Độ. Hồ nước bí ẩn này được một kiểm lâm người Anh phát hiện vào năm 1942. Kể từ đó, nó đã thu hút sự chú ý của các nhà nhân chủng học cũng như những du khách tò mò.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra bằng cách nào mà hài cốt của hàng trăm người lại nằm trong một hồ nước ở Himalaya. Những người này là ai và họ chết như thế nào - đây là những câu hỏi ám ảnh các nhà khoa học trong một thời gian dài.
Một giả thuyết cho rằng những hài cốt thuộc về một vị vua Ấn Độ cùng vợ và người hầu cận chết trong trận bão tuyết. Một giả thuyết khác nói có thể hài cốt là của nạn nhân một trận dịch. Vẫn còn một giả thuyết khác suy đoán các bộ xương thuộc về một nhóm người chết cùng lúc trong thảm họa vào thế kỷ 9.
Tùy theo mùa và thời tiết, hồ nước đóng băng phần lớn thời gian trong năm, mở rộng và co lại. Chỉ khi tuyết tan chảy, những bộ xương mới lộ rõ, đôi khi với phần thịt còn sót lại vẫn trong tình trạng bảo quản tốt. Tính đến nay, giới nghiên cứu đã tìm thấy hài cốt của 600 - 800 người ở đây. Chính quyền địa phương mô tả Roopkund là “hồ nước bí ẩn”.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyên bố đã giải đáp được bí ẩn về hồ Roopkund. Nghiên cứu mới, được thực hiện bởi 28 chuyên gia từ 16 viện ở Ấn Độ, Mỹ và Đức, đã bác bỏ tất cả những giả thuyết trước đây. Họ phân tích di truyền và xác định niên đại 38 bộ hài cốt, bao gồm 15 người phụ nữ ở hồ và nhận thấy người chết có hệ gien rất đa dạng. Thời gian chết của họ cách nhau nhiều nhất tới 1.000 năm.
“Vẫn chưa rõ điều gì đã xảy ra ở hồ Roopkund nhưng chúng tôi có thể chắc chắn rằng cái chết của những cá nhân này không thể được giải thích bởi một sự kiện duy nhất”, Eadaoin Harney, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Theo các nhà khoa học, chi tiết đáng kinh ngạc nhất là những người gặp gỡ cuối cùng trong hồ đến từ những nơi khác nhau. Một nhóm người có di truyền tương tự như những người hiện đang sống ở Nam Á, trong khi một nhóm khác “có quan hệ họ hàng gần” với những người sống ở châu Âu, đặc biệt là những người cư trú trên đảo Crete của Hy Lạp. Trong đó, những người đến từ Nam Á dường như không đến từ cùng một nhóm dân số.
“Một số người trong số này có tổ tiên phổ biến hơn ở các nhóm từ phía bắc của tiểu lục địa, trong khi những người khác có tổ tiên phổ biến hơn từ các nhóm phía nam”, Eadaoin Harney nói.
Mặc dù nghiên cứu cung cấp câu trả lời cho nhiều câu hỏi, nhưng một số bí ẩn vẫn chưa được giải đáp - đó là những người này đã chết như thế nào? Không có vũ khí nào được tìm thấy tại hồ và các nghiên cứu di truyền cũng chỉ ra rằng không có sự hiện diện của các vi khuẩn gây bệnh. Một câu hỏi khác là họ đã làm gì tại hồ nước ở vùng núi cao nhất Ấn Độ - đặc biệt là nhóm người giống người châu Âu.