Đầu năm 2018, đoạn video gây tranh cãi ghi lại cảnh một người treo cổ tại Aokigahara bất ngờ trở thành hiện tượng trên Youtube. Tuy nhiên, ở nơi được mệnh danh như ‘khu rừng chết’, tọa lạc dưới chân núi Phú Sĩ nổi tiếng, làn sóng tự sát đã từ lâu ám ảnh người dân Nhật Bản. Qua từng lối đi, hóc đá, hàng cây cằn cỗi, Aokigahara ẩn chứa câu chuyện u buồn của riêng nó.

Bí ẩn về ‘khu rừng tự sát’ 1.000 năm tuổi tại Nhật Bản

13/01/2018, 11:50

Đầu năm 2018, đoạn video gây tranh cãi ghi lại cảnh một người treo cổ tại Aokigahara bất ngờ trở thành hiện tượng trên Youtube. Tuy nhiên, ở nơi được mệnh danh như ‘khu rừng chết’, tọa lạc dưới chân núi Phú Sĩ nổi tiếng, làn sóng tự sát đã từ lâu ám ảnh người dân Nhật Bản. Qua từng lối đi, hóc đá, hàng cây cằn cỗi, Aokigahara ẩn chứa câu chuyện u buồn của riêng nó.

Nếu nước Nhật hiện dẫn đầu danh sách các quốc gia có tỉ lệ người tự tử cao nhất thế giới, rừng Aokigahara chính là ‘lỗ đen’ tập trung vấn nạn này, bất kể nỗ lực cải thiện không ngừng từ phía chính phủ.

Đến Aokigahara, du khách dễ dàng nhận ra hàng loạt biển báo men theo lối đi bộ, giới thiệu về đường dây nóng riêng hỗ trợ những ai có ý định quyên sinh. “Cuộc sống là món quà quý giá bố mẹ dành cho bạn. Hãy nghĩ về cuộc sống, về gia đình. Bạn không phải đơn độc đấu tranh,” một tấm biển gỗ lớn đặt giữa rừng mang nội dung kêu gọi, đính kèm số điện thoại tư vấn. Vài cư dân trong vùng thậm chí dành thời gian vào rừng, trò chuyện với bất kì ai họ bắt gặp đang đi một mình, hay cho thấy dấu hiệu bệnh trầm cảm.

Khung cảnh Aokigahara khi mặt trời lên cao

Giới chức địa phương đã tích cực triển khai công tác tư vấn - giúp đỡ, góp phần làm giảm số trường hợp tự tử ghi nhận được xuống còn 30 vụ/năm, so với 100 vụ/năm (khoảng 1 thập niên trước). Tuy nhiên, sau sự việc cảnh quay người treo cổ bất ngờ phát tán rộng rãi nhờ Youtube, họ bắt đầu lo ngại, ảnh hưởng truyền thông sẽ kéo theo một đợt ‘bùng phát’ mới của làn sóng tự sát tại Aokigahara.

Rừng Aokigahara nằm ngay dưới ngọn Phú Sĩ - điểm đến huyền thoại ở Nhật Bản. Hình thành trên lớp tàn tích đá núi lửa sót lại sau đợt phun trào cuối cùng tại đây là một khung cảnh rừng bách và thông rậm rạp. Phủ gần như cùng khắp 30km2 diện tích Aokigahara còn có nhiều dãy đá bám rêu xanh, cùng hệ thống hang nhỏ ẩn hiện. Con đường bộ xuyên rừng tương đối rộng, dễ đi. Tuy nhiên, nếu muốn, khách thăm quan luôn có thể băng ngang, tiến sâu vào chốn ‘biển chết’ với những tán cây được dùng làm xà treo tự vẫn.

Tấm bảng gỗ với thông tin kêu gọi kèm theo số điện thoại đường dây nóng về tự tử đặt trong rừng

“Tôi nghĩ những người chọn cách tự kết liễu cuộc đời đã trải qua dằn vặt tinh thần nặng nề”, Susumu Maejima, Trưởng thanh tra Sở cảnh sát Fujiyoshida - đơn vị chịu trách nhiệm truy tìm tử thi quanh Aokigahara, cho biết. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang nỗ lực ngăn cản hành vi tự sát”.

Dù từ chối bình luận về tính chất ‘thổi phồng’ và thậm chí xúc phạm của đoạn video xuất hiện trên Youtube, được thực hiện bởi một thanh niên Mỹ tên Logan Paul, Maejima chia sẻ ông lo lắng sức lan tỏa từ truyền thông quốc tế có thể gây chú ý không cần thiết tới địa danh nhạy cảm như rừng Aokigahara. “Nhìn chung, hành động dẫn dụ đi ngược lại cố gắng phòng chống nạn tự tử của chúng tôi là điều rất không nên”, thanh tra bày tỏ.

Đường vào Aokigahara, với toàn cảnh ngọn Phú Sĩ nhìn từ xa

Ghé vào thăm quan Aokiagahara cùng nhóm bạn, Weng-Ian, một sinh viên nữ người Đài Loan tiết lộ cô yêu thích cảnh sắc nơi này. Cô cũng nói đã thấy thất vọng khi xem qua video quay bởi Logan Paul, đoạn băng vốn nhận về chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng ngay khi vừa được đăng tải.

“Làm như vậy thật thiếu tôn trọng với gia đình người đã khuất”, Weng-Ian nêu ý kiến.

Nhật Bản bấy lâu phải chịu tiếng xấu như một quốc gia với tỉ lệ tự tử cao ngất ngưỡng trong hệ thống các nước phát triển. Điều tra dân số riêng năm 2016 cho thấy, có gần 22.000 trường hợp tự sát trên toàn Nhật Bản. Tuy dữ liệu này đã khá khởi sắc so với mức đỉnh điểm 35.000 trường hợp ghi nhận vào năm 2003.

Áp lực công việc, học tập trở thành nguyên nhân chính làm phát sinh hiện trạng trầm cảm kéo dài, lâu dần tạo ra động lực tự sát của nhiều người. Cùng với đó, nước Nhật đang phải đối diện sự ‘cách ly’ về mặt xã hội lẫn vấn đề thiếu hụt dịch vụ tư vấn tâm lý. Không ít người trẻ và công chức Nhật Bản từ chối điều trị các bệnh liên quan đến rối loạn tinh thần.

Tadaichi Nemoto, giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, trung tâm Sức khỏe sinh sản Nhật Bản, nhận xét: “Người dân Nhật không chủ động đến bác sĩ nếu họ đang chịu đựng khủng hoảng tinh thần. Họ có xu hướng trách cứ bản thân hơn là tìm giúp đỡ”.

Tại Nhật, 60% vụ tự tử diễn ra ở nhà riêng. Mặc dù chính phủ nước này từ chối cung cấp báo cáo chính xác về những trường hợp tự sát còn lại, nhưng nhìn nhận qua thống kê từ giới chức bản địa, Aokiagahara luôn là ‘điểm nóng’ được ưa chuộng với những ai muốn quyên sinh.

Bó hoa tưởng niệm người đã khuất được một du khách đặt giữa rừng

Trong lịch sử, Aokiagahara từng là nơi an nghỉ của nhiều thầy tu chọn cách nhịn ăn đến chết. Thậm chí, nơi đây vang danh với truyền thuyết về linh hồn những người tự vẫn hãy còn lãng vãng quanh từng gốc cây, và bất kì ai tiến quá sâu vào rừng đều hứng chịu rủi ro không thể quay về.

Là đề tài cho tiểu thuyết văn học lẫn phim ảnh, khu rừng trở nên nổi tiếng hơn từ các thập niên sau này cũng bởi dấu ấn ma mị của nó. Thế nhưng vừa qua, đoạn video trên Youtube cho thấy cảnh tượng một người đang treo cổ trong rừng, đã ‘đẩy’ hình ảnh Aokigahara sang chiều hướng hoàn toàn sai lệch.

Logan Paul mô tả trong đoạn băng gây chỉ trích, rằng khu rừng là nơi “bị ám” bởi những hồn ma “đầy thù hận, sẵn sàng lôi kéo các du khách lạc đường”, Paul đưa ra hàng loạt thông tin sai - vô căn cứ như, có “100 người tự sát mỗi năm” trong rừng, và khẳng định ở Aokigahara “không có sóng điện thoại.”

Vụ việc đáng phê phán của Paul, kéo theo khuynh hướng nhận định có phần một chiều khi nhắc đến nước Nhật cùng tinh thần võ sĩ đạo (những người sẵn sàng tự sát vì danh dự), là ví dụ tiêu biểu chứng minh truyền thông đương đại có thể ‘đi xa’ hay ‘đi lệch’ đến đâu.

Nữ văn sĩ Francesca Di Marco, tác giả tựa sách “Suicide in Twentieth Century Japan” đưa ra nhận xét: “Cố gắng ‘huyền thoại hóa’ Aokigahara tạo nên cái nhìn huyễn hoặc về một vấn nạn cần được nghiêm túc đối diện như làn sóng tự sát”.

“Nhiều cá nhân có thể nghĩ, người Nhật tự vẫn trong chốn thiên nhiên thế này do họ không sợ hãi cái chết hay đang nương theo nền tảng lịch sử võ sĩ đạo. Đây là kiểu tư duy khiến chúng ta quên đi, hành động tự tử, thực tế, gây nên bởi bệnh lý tâm thần vốn phải được tiếp cận đúng cách”.

Một nhân viên từ văn phòng chính quyền thị trấn Fujikaguchiko, tìm tới Aokiagahara trong buổi chiều giữa tuần. Anh xin phép giấu tên, nhưng giới thiệu mình thuộc ‘đội tư vấn đặc biệt’ làm công tác ngăn chặn hành vi tự sát. Nhóm của anh thường dạo quanh rừng, trò chuyện với những du khách đi bộ lẻ loi.

“Thông qua trò chuyện, bạn có thể nhận ra ngay ý định của họ. Người muốn tự tử thường đưa ra đối đáp rất mơ hồ khi được hỏi về nơi họ đến hay mục đích họ vào rừng ", anh lý giải.

Nếu nhận ra ai đó có ý quyên sinh, đội tư vấn sẽ thông báo cho cảnh sát địa phương, hoặc cố gắng liên lạc với một thành viên gia đình, và hộ tống họ ra khỏi rừng.

“Tôi nghĩ công việc tư vấn của mình rất quan trọng để cứu sống mạng người,” anh chia sẻ thêm. “Nhưng chúng tôi không hề muốn Aokigahara được biết tới như một địa điểm tự sát. Điều đó rất đáng buồn. Tôi chỉ mong muốn du khách có thể đến nhìn ngắm khu rừng cổ kính đã 1.100 tuổi này”.

Như Ý (dịch từ NYTimes)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn về ‘khu rừng tự sát’ 1.000 năm tuổi tại Nhật Bản