Những năm 1970 ở New Orleans, Hoa Kỳ, Up Stair Lounge từng là câu lạc bộ đêm danh tiếng với cộng đồng LGBT bản xứ. Trước làn sóng kì thị đồng tính gay gắt bấy giờ, nơi đây được xem như chốn ‘náu chân’ an toàn hiếm hoi họ tìm thấy. Dấu ấn tươi đẹp về nó, tuy nhiên, sớm hóa tro tàn trong vụ hỏa hoạn khủng khiếp năm 1973. Hung thủ chưa hề bị bắt. Và vụ án Up Stair Lounge trở thành tấn bi kịch kì lạ một thời nước Mỹ cố giấu kín.
Giai đoạn thập niên 70 thế kỉ trước tại ‘thành phố giải trí’ New Orleans, tiểu bang Louisiana, Đông Nam Hoa Kỳ, cái tên ‘Up Stair Lounge’ đặc biệt nổi tiếng trong cộng đồng người đồng giới. Khi chính quyền địa phương vẫn cấm người đồng tính mua hay cho thuê nhà, khi không ít thanh niên Mỹ vẫn lấy LGBT làm đề tài đùa cợt, câu lạc bộ đêm như Up Stair Lounge là điểm đến khác biệt, đáng mong đợi cho những ai còn đang đấu tranh vì quyền lợi giới tính.
Tại câu lạc bộ, mỗi vị khách được chào mừng giữa bầu không khí thân tình, ấm cúng. Ngày chủ nhật, nơi đây khuyến mãi chỉ 2USD cho những chầu bia uống ‘thả ga’ - vốn có lúc thu hút hơn 100 lượt khách. Quanh Up Stair Lounge, bạn dễ bắt gặp từ công nhân bốc vác, người hành nghề mua vui trên phố đèn đỏ, đến cả bác sĩ, nhân viên văn phòng. Quầy bar mở cửa vào 2 giờ chiều, tấp nập khách suốt đêm. Gần sân khấu chính, nhiều cặp đôi say sưa xoay người theo điệu nhạc phát ra từ một cây piano trắng tuyệt đẹp.
Đây là nơi người đồng giới tại New Orleans lui tới giải khuây, tìm bạn, nhảy múa cùng nhau. 8 giờ tối ngày 24.6.1973, đây cũng là nơi rất đông trong số họ phải bỏ mạng.
32 người chết vì một vụ hỏa hoạn được cho là cố ý - con số thương vong lớn nhất trong lịch sử cộng đồng LGBT Hoa Kỳ, trước sự kiện xả súng kinh hoàng ở vũ trường Pulse (Orlando, bang Florida) năm 2016. Nhóm nạn nhân gồm cựu chiến binh, công chức, sinh viên, những người khi ra đi phải bỏ lại việc học, con cái, thân nhân. Tất cả họ, trên hết, chưa từng dám công khai giới tính.
Tác phẩm sách về điều tra, ‘Tinderbox,’ của phóng viên - tác gia Robert W.Fieseler, lần nữa gợi nhắc sự kiện chấn động năm xưa ở New Orleans, nhưng với một mục đích mới: khơi dậy - tháo gỡ bí ấn quá khứ.
‘Tinderbox’ tập trung giải đáp câu hỏi lớn nhất xoay quanh cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi Up Stair Lounge: vì sao toàn bộ vụ việc bị cố tình chôn vùi, quên lãng suốt hàng thập niên?
Nghiên cứu của Robert W.Fieseler gợi ý về cái anh gọi là ‘học thuyết im lặng.’ Sau đêm tai nạn, bất kể mức độ thiệt hại người và của, vụ cháy gần như không xuất hiện trên báo đài địa phương. Quy trình điều tra diễn ra khá chóng vánh. Ngay cả những sử gia Mỹ cũng tỏ thái độ dửng dưng trước sự kiện thương tâm.
Fieseler viết: “Ở khu vực văn hóa lâu đời, đa dạng như New Orleans, một câu chuyện lịch sử vẫn luôn bị bỏ quên”.
Sử dụng văn phong linh hoạt, Fieseler đưa ra loạt dẫn chứng về đời sống LGBT bản địa, cách người đồng tính nơi đây từng chịu phân biệt đối xử ra sao. Theo anh, chính điều này đã góp phần gây nên việc che đậy sự cố hỏa hoạn khủng khiếp tại Up Stair Lounge suốt thời gian dài.
Vụ cháy lớn ở Up Stair Lounge từng là tâm điểm của 2 tựa sách và 1 phim tài liệu, duy, trước ‘Tinderbox,’ chưa dự án nào chủ động khai thác toàn bộ bí ẩn liên quan đến sự kiện.
Theo bình luận trên New York Times, ‘Tinderbox’ vừa gai góc, gây ngột ngạt, vừa chuyên sâu, gợi cảm hứng và đáng trân trọng. Hệt như chính vụ án Up Stair Lounge, cuốn sách buộc độc giả phải đối diện và trăn trở trước thực tế buồn: ngọn lửa khi xưa không chỉ thiêu hủi của cải, nhân mạng.
Fieseler mô tả tỉ mỉ, cẩn trọng từng chi tiết vụ cháy đêm 24.6 kinh hoàng, khi những người mắc kẹt giữa ngọn lửa, dẫu đã tìm ra lối thoát, vẫn cố gắng trở ngược vào cứu lấy bạn bè, người yêu của họ. Nhiều cặp đôi đã chết ngạt vì khói khi ôm chặt lấy nhau.
Một lễ tưởng niệm nhỏ được tổ chức không lâu sau đêm hỏa hoạn. Vài phóng viên báo địa phương chờ sẵn ngoài cổng khu nhà. Nhóm người đồng tính đến tưởng niệm, lo lắng sẽ phải xuất hiện trên mặt báo, đã dự định ra về qua một lối khác kín đáo hơn. Tuy nhiên, ngay lúc đấy, một phụ nữ ‘dáng vấp rắn rỏi’, như một nhân chứng thuật lại trong sách, dỏng dạc lên tiếng: “Tôi đã đến bằng cổng chính, và tôi chắc chắn sẽ ra về bằng cổng chính.” Những người tưởng niệm, cuối cùng, nối đuôi theo bà.
Fieseler dẫn lời chia sẻ từ một người đồng giới trong đám đông hôm ấy, “Đó là lần đầu tiên, rất nhiều thành viên cộng đồng LGBT chúng tôi, nam lẫn nữ, bước đi cạnh nhau giữa ánh sáng ban ngày dù chúng tôi thường chỉ gặp gỡ về đêm.”
Như Ý (dịch từ NewYorkTimes)