Để Thông tư liên tịch quy định về quá trình ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khả thi trong thực tế, nhiều luật sư cho rằng cần quy định theo hướng đây là quyền của bị can, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ lợi ích cho bị cáo…

Bị cáo phải được quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình khi bị thẩm vấn

Trí Lâm | 10/11/2017, 10:38

Để Thông tư liên tịch quy định về quá trình ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khả thi trong thực tế, nhiều luật sư cho rằng cần quy định theo hướng đây là quyền của bị can, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ lợi ích cho bị cáo…

Là quy định tiến bộ

Theo dự thảo thông tư liên tịch quy định về quá trình ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử mới được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, người có thẩm quyền của các cơ quan phụ trách hoạt động điều tra, truy tố sẽ quyết định hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Nếu không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình thì không được hỏi cung, lấy lời khai. Khi đang hỏi cung, lấy lời khai mà thiết bị xảy ra sự cố thì phải dừng ngay buổi làm việc.

Theo đó, cán bộ hỏi cung phải đăng ký với cán bộ quản lý hệ thống thiết bị ghi âm, ghi hình. Cán bộ hỏi cung không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở nơi giam giữ (trừ trường hợp đối chất với bị can tạm giam). Trước khi hỏi cung phải thông báo cho bị can, người liên quan biết về việc ghi âm, ghi hình.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biếtdự thảo Thông tư liên tịch này nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015).

Do đó, ông Vũ cho rằng những quy định tại dự thảo này thực chất không phải là quy định mới. Tuy nhiên, dự thảo cũng là một động thái tích cực cho thấy các cơ quan có thẩm quyền cũng đang tích cực cụ thể hóa các quy định của BLTTHS 2015 để những quy định của bộ luậtcó thể được thực thi trên thực tế.

“Quy định của BLTTHS 2015 cũng như của dự thảo về việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự là những quy định tiến bộ, đảm bảo sự minh bạch, bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự; đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện”, ông Vũ nhấn mạnh.

Luật sư Vũcũng cho biếtviệc ghi âm, ghi hình không những hạn chế được bức cung, nhục hình, oan sai, hạn chế những vi phạm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà còn hạn chế trường hợp bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác phản cung. Việc ghi âm, ghi hình đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng đây là quy định tiến bộ khi tình trạng án oan, bức cung, nhục hình xảy ra nhiều gần đây. Khi có ghi âm, ghi hình thì các tài liệu, chứng cứ này sẽ được vào hồ sơ vụ án và sẽ hạn chế được nhiều vụ án oan, bức cung, nhục hình, mớm cung hoặc các hành vi vi phạm tố tụng khác.

Luật sư Hùng nóiviệc hỏi cung, lấy lời khai và các thủ tục tố tụng liên quan đến bắt người, bắt khẩn cấp, biên bản phạm tội quả tang…đều phải có ghi âm, ghi hình và đưa và hồ sơ tố tụng.

“Nếu không có ghi âm, ghi hình thì theo tôi vụ án đó vi phạm tố tụng và phải nghiêm minh xử lý người nào cố tình vi phạm. Khi quy định đã ban hành bắt buộc thì các cơ quan tố tụng phải làm theo quy định, như vậy thì sẽ không ai và cơ quan tố tụng nào có thể dám làm trái.

Làm sao để quy định đi vào thực tế?

Theo ông Kiều Anh Vũ, mặc dù những quy định về ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hiện nay theo quy định của BLTTHS cũng như của dự thảo là những quy định tiến bộ nhưng vẫn chưa phải là những quy định mở hoàn toàn; không phải hoạt động tố tụng nào cũng bắt buộc ghi âm, ghi hình.

Chẳng hạn điều 9 dự thảo quy định: “Các trường hợp: lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; diễn biến phiên tòa mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có yêu cầu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì thực hiện theo trình tự, thủ tục, sử dụng, bảo quản, lưu trữ dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh như đối với hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật thì vẫn tiến hành làm việc bình thường và ghi rõ lý do vào biên bản”.

Việc ghi âm, ghi hình; sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo các quy định hiện tại phụ thuộc quá nhiều, gần như là hoàn toàn, vào cơ quan, người tiến hành tố tụng. Vai trò, quyền của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong việc ghi âm, ghi hình; sử dụng bản ghi âm, ghi hình chưa được quy định rõ.

“Chẳng hạn, ngoài việc ghi âm, ghi hình tại phòng chuyên môn của cơ quan điều tra, luật sư muốn tự ghi âm, ghi hình thêm bằng thiết bị của mình – có thông báo với cán bộ điều tra - thì có được hay không? Bị can, bị cáo, luật sư muốn xem, sao chép, công bố bản ghi âm, ghi hình tại phiên tòa thì có được thực hiện dễ dàng hay không hay phải trải qua một quy trình như thế nào?”, ông Vũ nêu.

Theo dự thảo hiện nay, chỉ tập trung quy định việc ghi âm, ghi hình và sử dụng bản ghi âm, ghi hình của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Ví dụ như khoản 2 điều 8 Dự thảo quy định Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại phiên tòa trong các trường hợp: kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án mà Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải kiểm tra công khai tại phiên tòa; bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thay đổi lời khai; khi có đề nghị của Kiểm sát viên, điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác. Vậy, nếu luật sư bào chữa có đề nghị cho nghe, cho xem bản ghi âm, ghi hình thì Hội đồng xét xử có chấp nhận không?

“Theo tôi, để đảm bảo hiệu quả thực thi của các quy định tiến bộ trong việc ghi âm, ghi hình trong tiến trình điều tra, truy tố, xét xử thì cần quy định theo hướng đây là quyền của của bị can, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; quy định rõ họ có quyền được yêu cầu được ghi âm, ghi hình, trình tự thực hiện và khi có yêu cầu, các cơ quan, người tiến hành tố tụng sẽ thực hiện theo yêu cầu đó”, ông Vũ nói.

Vị luật sư này cho rằng dự thảo cũng cần quy định rõ quyền, trình tự, thủ tục yêu cầu sao chép, sử dụng, cho nghe, cho xem bản ghi âm, ghi hình của bị can, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị cáo phải được quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình khi bị thẩm vấn