Năm nào cũng thế, giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 ở đền Hùng Phú Thọ cũng thu hút hàng triệu người, thậm chí cả chục triệu người như năm nay đổ về dự lễ hội lớn nhất của cả nước.

Bi hài chuyện Giỗ Tổ

02/05/2016, 10:50

Năm nào cũng thế, giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 ở đền Hùng Phú Thọ cũng thu hút hàng triệu người, thậm chí cả chục triệu người như năm nay đổ về dự lễ hội lớn nhất của cả nước.

Và như ta đã biết, cứ mỗi năm thì phần lễ còn mang tính truyền thống nhưng phần hội thì đã biến tướng thấy rõ do việc “xã hội hóa”, tức lợi dụng giỗ Tổ để kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Năm trước người ta còn cung tiến cả bánh chưng nhân… xốp, ly cà phê, chai rượu to đùng dâng lên đức Tổ để quyết giành lấy kỷ lục.

Nhưng khổ nỗi, lại không thấy kỷ lục về sản xuất mà toàn là kỷ lục về ăn uống. Có thể thấy xu hướng lợi dụng ngày giỗ Tổ Hùng Vương để thương mại hóa mỗi năm mỗi “quyết liệt” hơn, như các hiện tượng thương mại dịch vụ, kinh doanh nhà hàng ăn uống kèm quảng cáo tiếp thị bung ra chiếm lĩnh "trận địa" đáng lo ngại. Có những doanh nghiệp đã lợi dụng lễ hội để quảng cáo kèm theo như quanh đền Hùng cứ cách 10 mét thì tương danh ngôn hoặc một đôi câu thơ nói về truyền thống dân tộc như “Cây có cội, suối có nguồn”, hoặc “Uống nước nhớ nguồn”… thì ngay bên dưới chạy slogan quảng cáo như “Mobifone mọi lúc mọi nơi”, không chịu kém ông Mobifone, ông Viettel cũng chơi luôn “Hãy nói theo cách của bạn”…

Còn nạn trông giữ xe quá giá thì khỏi phải nói, xe máy 20.000 đồng/chiếc, xe ô tô chém thẳng 70.000 đồng, thậm chí lấy tròn 100.000 đồng để khỏi phải thối tiền lẻ. Khách đến đền Hùng không có chọn lựa nào khác nên phải bấm bụng gửi xe với giá cắt cổ, ăn uống chẳng ngon lành gì với giá trên trời và sắm lễ dâng cúng Đức Tổ phải mua mâm lễ vật và tuân theo sắp xếp của Ban tổ chức với giá không hề rẻ. Thậm chí có vị khách không đồng ý, cãi lại đã bị người của Ban tổ chức đánh bị thương. Thật hết sức bát nháo và chẳng còn ý nghĩa gì nữa của một lễ hội mang tính truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có lẽ Đức Tổ Hùng Vương linh thiêng cũng chẳng vui trong ngày con cháu khắp nơi tụ về cúng bái, tưởng nhớ tới mình. Năm nay, rút kinh nghiệm những năm trước, Ban tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã cam kết không nhận những sản vật mang tính ganh đua kỷ lục như bánh dày, bánh chưng, chai rượu khủng cung tiến lên Quốc Tổ. Nhưng ở một số địa phương khác như Khu du lịch Đầm Sen TP.HCM đã dâng lên Tổ Hùng Vương cái bánh chưng nặng hàng tấn.

Năm nay Ban tổ chức lễ hội đền Hùng có lẽ cũng tiên liệu số lượng người đổ về nơi hành lễ rất đông, vượt… “kỷ lục” những năm trước, lên đến 6-7 triệu người nên việc giữ gìn an ninh trật tự cũng được đặt ra rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, việc lợi dụng lễ hội để “chặt chém” du khách trong các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giữ xe… cũng được BTC hứa kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, do việc tổ chức lễ hội kéo dài trong 5 ngày (từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch) nên đến ngày bế mạc lễ hội, tình trạng mất kiểm soát đã xảy ra khi hàng triệu người chen chúc nhau tiến lên khu trung tâm lễ hội khiến an ninh trật tự bị xáo trộn. Cảnh giẫm đạp nhau náo loạn khiến phụ nữ bị ngất xỉu, trẻ em lạc cha mẹ kêu khóc, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự đã phải vất vả đưa người ngất xỉu cấp cứu và trẻ em lạc cha mẹ ra ngoài chăm sóc, chờ giao lại cho gia đình. Rất may đã không xảy ra thiệt mạng về người, nhưng ám ảnh kinh hoàng này khiến lễ hội mất dần ý nghĩa truyền thống và trở thành nỗi sợ hãi của người tham gia. Không ở đâu mà lễ hội nhiều như ở Việt Nam.

Mỗi năm ở ta có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ, diễn ra khắp nơi, từ thành thị tới xóm thôn. Nhưng mỗi năm nhiều lễ hội cũng có cách tổ chức mất dần tính truyền thống mà ngả theo xu hướng “xã hội hóa”, nghĩa là để cho thương mại hóa lễ hội, chạy theo việc kinh doanh nên không tránh khỏi chuyện bi hài. Lễ Quốc Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch mỗi năm là lễ hội lớn, mang tính truyền thống dân tộc. Mỗi năm, người tham dự rất đông, người dân đổ về đất Tổ thắp hương tưởng niệm nguồn cội là điều đáng mừng. Tuy nhiên, lễ hội cũng còn nhiều bất cập như việc kinh doanh tràn lan, nạn mê tín dị đoan ngày càng phát triển, nạn dịch vụ chặt chém du khách mà phổ biến nhất là ăn uống, gửi xe… cần phải được kiểm soát tốt, xử lý triệt để.

Năm nay đã xảy ra “vỡ trận” tình hình an ninh trật tự vào ngày bế mạc lễ hội, cũng là một bài học kinh nghiệm để BTC tiên liệu được giải pháp làm tốt hơn cho năm sau. Nếu không, mỗi năm đến ngày giỗ Quốc Tổ lại xảy ra chuyện bi hài không phải sản vật khủng cung tiến để giành kỷ lục ăn uống, nạn chặt chém du khách bằng các loại dịch vụ trời ơi thì cũng nạn giẫm đạp kinh hoàng, cha mẹ lạc con, kẻ gian lợi dụng móc túi, cướp tài sản ngẫm ra Quốc Tổ có vui ở chốn cửu tuyền?

Từ Kế Tường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bi hài chuyện Giỗ Tổ