Vào dịp 30.4 năm nay, đất nước Việt Nam bước sang năm lẻ đầu tiên sau 40 năm thống nhất giang sơn gấm vóc. 41 năm, theo tôi, là quá dài, quá đủ cho chặng đường cam go cho trên 97 triệu con cháu của Lạc Long và Âu Cơ đang sống trên chính mảnh đất hình chữ S này (93 triệu) cũng như trên 100 nước ở khắp Trái đất (khoảng 4 triệu) có thể đi tới hoà giải, hoà hợp dân tộc (HGHHDT) một cách tốt đẹp nhất.

Kỳ 1: Đau đáu một khát khao hàn gắn

29/04/2016, 06:05

Vào dịp 30.4 năm nay, đất nước Việt Nam bước sang năm lẻ đầu tiên sau 40 năm thống nhất giang sơn gấm vóc. 41 năm, theo tôi, là quá dài, quá đủ cho chặng đường cam go cho trên 97 triệu con cháu của Lạc Long và Âu Cơ đang sống trên chính mảnh đất hình chữ S này (93 triệu) cũng như trên 100 nước ở khắp Trái đất (khoảng 4 triệu) có thể đi tới hoà giải, hoà hợp dân tộc (HGHHDT) một cách tốt đẹp nhất.

Những năm qua, có thể nhìn nhận một cách công tâm, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, thể hiện khát vọng to lớn, mong muốn sớm hàn gắn "vết sẹo chiến tranh" của các bậc tiền nhân. Song, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều việc rất nên tiếp tục hoàn thiện để phát triển đất nước, để cho cha anh chúng ta, cả những người đã khuất cũng như người còn sống đều đã từng góp phần cùng dân tộc giành hoà bình cho Tổ quốc sẽ hài lòng hơn so với những gì đã có.

Hôm mới đây, anh em chúng tôi, những người bạn đồng khoá, đồng môn với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ông từng là Trưởng đoàn học viên Khoá 15 (1988 - 1990) của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc năm xưa) có dịp ngồi bên nhau tâm tình. Chúng tôi đến chia tay ông nhân việc ông vừa mãn nhiệm trọng trách để trở về TP.HCM, bắt đầu một cuộc sống đời thường với gia đình thân thương.

Trong bữa đó, ông tâm sự với chúng tôi khá cởi mở và chân tình. Ông Tư Sang (tên thân mật mà người Nam Bộ quen dùng để gọi ông) trầm ngâm nói:

Tôi đến với cách mạng và phụng sự cách mạng để tham gia giành độc lập cho dân tộc thực ra lúc đầu cũng chỉ vì yêu kính và cảm phục Bác Hồ, chứ lúc đó tôi còn trẻ quá, nào đã biết gì nhiều về cách mạng. Cả chặng đường tôi tham gia chiến đấu chống ngoại xâm cũng như sau hoà bình, thống nhất đất nước năm 1975, tôi cũng đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Sau nhiều năm phục vụ Tổ quốc và đồng bào, tôi hiểu sâu sắc một điều rằng làm người đã khó, làm "quan" càng khó, nếu lại "làm quan của quan" thì lại càng khó. Và rồi thì cuối cùng, với trọng trách lớn như tôi giữ vừa qua thì lại càng thấm thía hơn, nó vô cùng khó!

Vì sao trong nhiều triều đại phong kiến trước đây, oanh liệt đến như nhà Lê đã đưa dân tộc ta chiến thắng nhà Minh bên Trung Hoa giành độc lập vô cùng vang dội, ấy vậy mà vua Lê Lợi lại ít được ghi nhận công lao đóng góp và được biết đến như Danh nhân Thế giới Nguyễn Trãi, một trung thần kiệt xuất từng một lòng phò vua Lê. Lê Lợi không được lịch sử và người đời ghi ơn sâu đậm công lao chỉ vì có lúc ông đã cho chém cả bậc trung thần của mình, khiến người đời chê trách.

Rồi đến đời nhà Trần, với cả thảy 14 vị vua qua hàng trăm năm trị vì đất nước, trong đó có giai đoạn cực kỳ oanh liệt, đi vào sử sách thế giới với chiến thắng hiển hách chống quân Nguyên Mông xâm lược, chặn đứng cuộc chinh phạt thế giới mạnh như vũ bão của họ. Vậy mà sao người dân chỉ nhớ nhiều tới một vị vua, đó là đức Vua Trần Nhân Tông. Nhưng Người cũng đã trả lại ngôi báu, lập môn phái Thiền viện Trúc Lâm nơi núi non heo hút để tu hành và trở thành Phật Hoàng khi cuối đời. Nhưng lại cũng có một người không phải là vua, ấy vậy mà nhiều thế kỷ nay, đức Thánh Trần Hưng Đạo vĩ đại luôn được nhân dân gọi là Đại vương, tức là hơn cả vua: "Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn", hay "Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương"... Nói điều này để thấy, việc ai đó đảm đương trọng trách gì, cao mấy cũng không quan trọng. Quan trọng là người ấy, dù chỉ là một người bình thường, đã làm được gì, để lại gì cho đất nước, cho dân tộc?

Rồi ông Tư Sang kể tiếp:

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Ông thực sự là một triết gia. Tầm nhìn ở ông cũng rất đặc biệt và đáng kính nể. Hồi ông còn khoẻ, ông cũng từng đến nhà tôi ở trong TP.HCM. Ông đến căn nhà gia đình tôi ở đường Thạch Thị Thanh. Đây là ngôi nhà chằn chặn có diện tích khiêm tốn chỉ trên năm chục mét vuông mà tôi vẫn ở cho đến bây giờ. Ông đến thăm nhà tôi không phải để nói chuyện riêng tư hay căn dặn chuyện gì. Ông đến là để qua đó quan sát xem một lãnh đạo thành phố như tôi ăn ở ra sao, không phải đơn giản đâu nhé!

Tôi ra Hà Nội công tác, biết tin, ông cũng hay kêu tôi lại nhà trong Phủ Chủ tịch để hỏi chuyện. Qua đó, ông có thêm thông tin mới về một thành phố lớn và đông dân nhất nước hiện ra sao? Có vấn đề gì không? Ông rất quý tôi sau những lần tiếp xúc đó.

Với tôi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Nhiều lúc, ông chỉ hỏi bâng quơ rằng: Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết cổ điển nước ngoài này chưa? Cậu đọc cuốn sách mới vừa xuất bản kia chưa? Rồi ông nhắc tôi nên lưu ý tìm đọc nếu chưa đọc, hoặc nếu tôi đã đọc thì cả hai cùng đàm đạo... Quả thật, qua các cuộc đàm đạo tôi thấy ông là một triết gia rất đáng nể trọng!

Hồi tôi làm Chủ tịch TP.HCM năm 1995, đó cũng là lúc thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước. Thường vụ Thành ủy giao cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm này. Tôi ra gặp ông Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để xin ý kiến chỉ đạo. Ông Sáu bảo sang hỏi Tổng bí thư Đỗ Mười. Tôi sang gặp Tổng bí thư thì ông Mười bảo: "Thôi, cậu sang tham khảo anh Tô (tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thì hay hơn".

Khi đó, ông Đồng là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi thưa chuyện với ông: "Cháu mong chú góp ý cho một việc quan trọng mà cháu được Thường vụ Thành ủy phân công. Cháu lo lắm chú à!". Ông già cười vang "kha , kha, kha, kha !!!”... giọng đầy hào sảng, rồi nói:

"Cậu muốn viết gì thì viết, nhưng tinh thần của bài phát biểu đó phải toát ra được cái ý cần khép lại quá khứ hướng tới tương lai (...). Nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta...". Thời điểm này, thực ra tư tưởng chỉ đạo của Đảng cũng đã có ý đó. Nó cũng không hoàn toàn quá mới mẻ!

Quay trở lại câu chuyện tôi đến xin ông ý kiến chuẩn bị bài phát biểu. Tôi xin phép ông sau khi viết xong thì quay lại để ông tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện thì bị gạt ngay:

"Tôi đã già, sắp chết rồi. Cậu viết thì cậu phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại bắt ông già này xem qua?". Nói đến đó, ông lại cười lớn và động viên tôi: "Làm cách mạng là phải tự lực như vậy! Sau này, rồi cậu sẽ còn làm lớn hơn thế!".

Ông Tư Sang kể tiếp: Chính vì ông Tô đã nói vậy cho nên ông cũng không dám quay lại xin ông Tô góp ý thêm... Song, ông Tư Sang cũng không bao giờ quên được những ấn tượng đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nói câu chuyện này là để thấy, ngay từ hai chục năm trước chúng ta đã rất có ý thức công việc này, bởi chỉ có vậy thì hoà bình thực sự mới có trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó phải là điều được thực hiện bằng tấm lòng và từ trong tâm khảm của những người đứng đầu đất nước, dồn tâm, dồn sức để thực hiện ý nguyện đó.

Trên Vietnamnet ngày 27.2.2015, ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Hoa Kỳ đã bày tỏ rằng ông rất muốn đối thoại với những ai quan tâm đến tình hình trong nước dù cho người đó có quan điểm không đồng nhất. Một điều rất đáng trân trọng ở một nhà ngoại giao.

Cũng vào thời gian đó, đọc báo điện tử VnExpress, tôi được biết, báo này đang là một trong những báo được người Việt ở hải ngoại truy cập nhiều nhất. Theo thống kê của Google Analytics, vào tháng 1.2015, VnExpress có 34,5 triệu lượt người truy cập thì có gần 16% từ nước ngoài. Điều mà tôi rất quan tâm ở thông tin này, đó là trong 16% nói trên, có tới 6,68% là độc giả từ Hoa Kỳ truy cập. Có thể thống kê này của đồng nghiệp khi phân tích cũng chưa được rõ lắm cái con số 6,68%: Có bao nhiêu người là kiều bào của chúng ta và có bao nhiêu người là người nước ngoài ở Hoa Kỳ trong số đó cùng đọc? Tôi thì tin rằng, số lượt kiều bào ta vào đọc không hề nhỏ khi biết rằng, cộng đồng người Việt sống trên đất Hoa Kỳ hiện gần 2 triệu người (bằng một nửa số kiều bào trên thế giới).

Gần 2 triệu người mà đã chiếm 6,68% lượng người truy cập trên một tờ báo. Nếu ta so với gần 90 triệu dân trong nước thì quả là một tỷ lệ rất lớn, khi biết rằng 93 triệu người trong nước cũng chỉ chiếm trên 84,3% lượng truy cập.

Có thể thấy, người Việt ta ở Hoa Kỳ vẫn luôn theo dõi tin tức trong nước rất kỹ. Điều đó thể hiện bà con mình có quan tâm nhất định đối với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước cho dù có thể có một bộ phận không nhỏ trong đó vẫn còn bất đồng quan điểm dù cũng rất yêu nước, luôn đau đáu với mọi chuyện đang diễn ra ở quê nhà. Về điều này, tôi nghĩ sẽ không thể trong một hai chục năm nữa mà đã có thể hoà hợp nhau về tư tưởng bởi ý thức hệ chính trị của chúng ta có khác nhau. Trong một gia đình ở ngay nước nhà thôi, ý thức hệ của con cháu chúng ta nay cũng đã rất khác thế hệ cha ông họ, đó cũng là chuyện bình thường. Song, tình yêu tổ quốc, ý thức và tinh thần dân tộc của cộng động người Việt ở xa tổ quốc thì đâu có khác chi người trong nước? Tôi tin chúng ta vẫn có thể hoà hợp dân tộc là thế!

Theo ông Đại sứ Phạm Quang Vinh, "điều quan trọng là phải sâu sát, hiểu được những quan tâm, chính kiến của bà con, kể cả đó là xuất phát từ đặc thù khu vực cử tri hay vị trí nghề nghiệp của họ; trân trọng tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, dù cách thể hiện của bà con có thể khác nhau; đối thoại cởi mở, kể cả về những điểm còn khác biệt, để họ hiểu chính sách, chủ trương và sự đổi mới của đất nước; nhất là khuyến khích và tạo điều kiện để bà con về thăm, làm ăn hay đầu tư ở Việt Nam".

(Còn tiếp)

Quốc Phong

Ảnh: Kiều bào về thăm quê hương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Đau đáu một khát khao hàn gắn