Thất học, thiếu việc làm, gia đình khó khăn, đó là lý do chính mà nhiều cô gái nuôi giấc mơ lấy chồng ngoại để tìm cơ hội “ đổi đời”. Thế nhưng, hầu hết các cô gái sau khi “xuất ngoại chui” mong đổi đời đều bị bạo hành, ngược đãi.

Bi kịch lấy chồng nơi xứ người và những cuộc gọi đẫm nước mắt

Một Thế Giới | 17/08/2015, 10:07

Thất học, thiếu việc làm, gia đình khó khăn, đó là lý do chính mà nhiều cô gái nuôi giấc mơ lấy chồng ngoại để tìm cơ hội “ đổi đời”. Thế nhưng, hầu hết các cô gái sau khi “xuất ngoại chui” mong đổi đời đều bị bạo hành, ngược đãi.

 Lấy chồng khi mới  15 tuổi

Cuối tháng 6.2015 vừa qua, L.(19 tuổi, ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã trở về nhà sau 9 tháng bị bán sang Trung Quốc, ôm chặt vào lòng đứa con gái 4 tuổi, L. kể: Do cha mẹ có cuộc sống quá khó khăn, nên khi vừa học hết lớp 2, chị L. đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ những việc vặt trong gia đình để cha mẹ có thời gian lên nương. Năm 15 tuổi, L. kết hôn với một thanh niên ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Do cả hai còn quá trẻ, chưa ý thức được cuộc sống gia đình như thế nào nên lấy nhau chưa được bao lâu thì hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Khi sinh đứa con gái đầu lòng được 1 tuổi, mâu thuẫn của hai vợ chồng trẻ không thể tháo gỡ được nữa, L. chia tay chồng, ôm con về sống với cha mẹ ruột.

Thấy cuộc sống gia đinh quá khó khăn, L. quyết định để con cho cha mẹ chăm sóc rồi vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Thời gian này, L. được Linh (một người bạn của anh trai L.) giới thiệu lấy chồng Trung Quốc để có cơ hội đổi đời. Theo giới thiệu của Linh, người đàn ông Trung Quốc này rất đàng hoàng và giàu có, anh ta sẽ cho gia đình L. 25 triệu đồng nếu L. lấy anh ta làm chồng. Trước những lời đường mật của Linh, L. tin tưởng và quyết định “xuất ngoại” lấy chồng lần nữa để cha mẹ có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống.

Ngày 24.9.2014, Linh đưa L. đến khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Tại đây, Linh giao L. cho một phụ nữ tên Hoa làm thủ tục xuất cảnh rồi đưa L. đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Sau 3 ngày đi xe đến TP.Bằng Tường (Trung Quốc), bà Hoa giao L. cho một người đàn ông hơn 40 tuổi và nói: “Đây là người chồng của con”. Lúc này, L. phải giao hết giấy tờ tùy thân rồi theo người đàn ông Trung Quốc lên xe khách tiếp tục hành trình 2 ngày về một vùng nông thôn hẻo lánh thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc). Không biết ngoại ngữ, những ngày ở nhà chồng khiến L. trở nên cô độc. Không bị hành hạ thể xác, nhưng mọi sinh hoạt của L. đều bị người nhà chồng quản thúc như con ở. “Chỉ cần không thấy mặt 15 phút là họ đi tìm. Đêm ngủ với chồng, chỉ cần trở mình hơi mạnh một chút là chồng thức dậy ngó trước ngó sau. Cuộc sống của tôi cứ như ở tù vậy”, L. kể.

Khi đã mang thai với người chồng Trung Quốc, cuộc sống của L. có phần tự do hơn. Gia đình chồng bắt đầu cho L. đi chợ. Tuy nhiên thấy cuộc sống nơi đất khách quê người chỉ như làm nô lệ, L. đã nuôi ý định bỏ trốn về Việt Nam.

Ngoài bán đôi bông tai là quà cưới do nhà chồng tặng, mỗi ngày đi chợ L. âm thầm dành dụm một ít tiền lẻ để làm lộ phí về quê. Sau đó, L. tìm cách gọi điện cho một người dì ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỏi cách bỏ trốn. Nghe cháu kể lại hoàn cảnh, dì của L. đã liên lạc với các cơ quan chức năng ở Việt Nam để trình bày sự việc. Với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), tháng 6.2015, L.đã nhận được một cuộc điện thoại hướng dẫn cách “vượt ngục”. Ngày 19.6, nhân lúc đi chợ, L. đã bỏ trốn. Ngày 22.6, L. có mặt tại Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh để làm thủ tục về nước.

Sau hành trình trốn chạy nhiều ngày, L. đã về đến gia đình trong niềm vui khôn tả của mọi người. “Ngày đặt chân về nhà, tôi cứ nghĩ mình như vừa trải qua một cơn ác mộng dài”, chị L. nhớ lại.

Những phi vụ “lấy chồng chui”

Tại thị trấn Định Quán, chúng tôi đã gặp không ít gia đình cũng có người thân bị lừa bán sáng Trung Quốc như L. Thất học, thiếu việc làm, gia đình khó khăn, đó là lý do chính mà nhiều cô gái nuôi giấc mơ lấy chồng ngoại để tìm cơ hội “đổi đời”.

Bà L.T.L. (ngụ khu phô Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán) kể: Vào tháng 4.2014, một phụ nữ tên Linh đến nhà làm quen với con gái bà là Đ. (16 tuổi) rồi đưa Đ. đi đâu không rõ. Sau gần 1 tháng, bà được Linh cho biết Đ. đã sang Trung Quốc làm vợ người ta. Linh còn cho biết, sau 3 tháng Đ. sẽ về Việt Nam cùng người chồng Trung Quốc và cho gia đình bà 30 triệu đồng. Tuy nhiên, một thời gian sau, gia đình bà L. chỉ nhận được số tiền 5 triệu đồng từ Linh. Đến nay, Linh đã trốn biệt tăm, còn Đ. đã nhiều lần gọi điện về gia đình cầu cứu.

Theo đó, sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, Đ. phải làm vợ của một người đàn ông Trung Quốc và hàng ngày Đ. bị giam biệt lập với bên ngoài. Nếu việc gọi điện báo tin cho gia đình bị lộ, Đ. sẽ bị người nhà chồng đánh đập. Bà L.T.L. cho biết, việc Đ. bị Linh dụ đi làm ăn xa gia đình không hay biết. Chỉ đến khi được đưa qua Trung Quốc, Đ. mới gọi điện về cho gia đình.

Chị N. (21 tuổi, con bà B.T.L., ngụ khu phố Hiệp Nhất) cũng bị lừa bán sang Trung Quốc tháng 9.2014. Theo trình bày của bà B.T.L., sau khi được vợ chồng ông L.T.L. - bà P.T.A. rỉ tai, con gái bà đã bỏ nhà đi. Một tuần sau, N. gọi điện về nhà báo tin đã được vợ chồng bà A. môi giới lấy chồng Trung Quốc. N. cũng nhờ ông L.T.L. chuyển cho gia đình 30 triệu đồng (khoản tiền “bán mình”).

Sang Trung Quốc được chừng nửa tháng, N. gọi điện về cho gia đình báo tin mình bị chồng đánh đập tàn nhẫn và rất muốn trở về nhà. N. còn cho biết thêm N. suốt ngày bị quản thúc rất chặt và không được tiếp xúc với bên ngoài.

Bà B.T.L. đã yêu cầu vợ chồng bà A. phải tìm cách đưa N. trở về. Tuy nhiên, vợ chồng bà A. trở giọng “hợp đồng bán N. là 3 tháng, gia đình muốn đưa con về trước thời hạn phải đóng tiền chuộc”. Nghe vậy, bà B.T.L. đã 2 lần đưa cho ông L.T.L. tổng cộng 19 triệu đồng để đi chuộc con về. Ông L.T.L. đã 2 lần sang Trung Quốc “giải cứu” N., nhưng đều không thành. Bà B.T.L. kể, có lần ông L.T.L. thuê taxi đón N. nhưng kế hoạch đã bị nhà chồng của N. phát hiện và ngăn lại. Sau những lần trốn hụt, N. lại bị nhà chồng đánh đập nhiều hơn. “Hiện con gái tôi như bị giam lỏng ở nhà chồng”, bà B.T.L. nói.

Ngày 2.7.2015, trong lúc đang nói chuyện với chúng tôi, bà B.T.L. kết nối được điện thoại với N. Trong cuộc trò chuyện này, N. chỉ khóc và nói mình thường xuyên bị chồng đánh đập. Trước đó một ngày, N. đã bị đánh đến ói ra máu nhưng không được nhà chồng đưa đi chữa trị. Bà B.T.L cho biết thêm, ngày nào N. cũng tìm cách trốn khỏi nhà chồng nhưng không xác định được chỗ ở hiện tại. Đã có lần N. ghi trộm thông tin trên giấy chứng minh nhân dân của chồng rồi nhắn tin cho chị gái tìm cách giải cứu. Liên lạc với chị P. (chị gái của N.), chúng tôi được biết, theo tin nhắn của N. thì nhà chồng N. ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Hiện tại, N. bị nhà chồng quản thúc rất gắt gao, khi chồng đi vắng thì có mẹ chồng canh cửa. Chỉ những lúc N. đi vệ sinh, mẹ chồng mới mở cửa cho đi ít phút rồi lại nhốt vào phòng kín trong nhà.

Chị P. cũng cho biết, khi biết chuyện N. bị bán sang Trung Quốc làm vợ, gia đình chị đã làm đơn gửi cơ quan công an, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Chị và người nhà rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để “giải cứu” N. thoát khỏi cảnh địa ngục nơi xứ người.

Chúng tôi được một cán bộ địa phương cho biết, trong số 8 trường hợp lấy chồng Trung Quốc, mới chỉ có 2 trường hợp trở về với gia đình. Các cô gái bị lừa làm vợ người Trung Quốc đa số đều ở độ tuổi 15-20, đặc biệt có em năm nay mới đủ 15 tuổi nhưng đã bị bán đi từ năm trước.

Ông Trần Vũ Hợi, Chủ tịch UBND thị trấn Định Quán, cho biết: “ở khu phố Hiệp Nhất có nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số không có công ăn việc làm ổn định nên nhiều đối tượng đã lợi dụng việc tuyển người đi làm công ty, lao động ở nước ngoài để lừa đảo. Nhiều người vì nhận thức kém đã bị kẻ xấu lợi dụng bán ra nước ngoài. Trước tình hình này, mỗi gia đình cần cảnh giác, khi phát hiện đối tượng môi giới gạ gẫm hãy báo ngay chính quyền địa phương”.

Thanh Bình /Tuổi trẻ & Đời sống

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bi kịch lấy chồng nơi xứ người và những cuộc gọi đẫm nước mắt