Chỉ người có khả năng độc lập toàn diện mới là kẻ có đủ bản lĩnh để làm nên thành công lớn. Nếu ngay cả khả năng sống độc lập cũng không có thì làm sao nói đến chuyện tề gia, trị quốc, bình thiên hạ?

Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: Không lo xa, ắt có họa gần!

nguyễn tuyết | 25/10/2019, 17:18

Chỉ người có khả năng độc lập toàn diện mới là kẻ có đủ bản lĩnh để làm nên thành công lớn. Nếu ngay cả khả năng sống độc lập cũng không có thì làm sao nói đến chuyện tề gia, trị quốc, bình thiên hạ?

Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.

Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách "Nhật Bản duy tân 30 năm", ca ngợi: "Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không... Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi".

Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.

Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.

Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.

Đồng hành với Hành trình từ Trái tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết đầu tiên.

Bí mật thứ nhất

ĐỘC LẬP VỀ TINH THẦN

150 năm trước, khi Fukuzawa Yukichi viết "Khuyến học", Nhật Bản mới chỉ cải cách duy tân, mở cửa giao thương với thế giới được vài năm sau hơn 300 năm bế quan tỏa cảng. Đất nước lúc đó đang trong tình trạng hỗn loạn vì sự du nhập ồ ạt của văn hóa Phương Tây xung đột với văn hóa Phương Đông, nảy sinh đầy rẫy thói hư, tật xấu, nhiều tư tưởng, chuẩn mực đạo đức xã hội cũ đã thể hiện sự lạc hậu, lỗi thời.

Đứng trước nguy cơ dân tộc suy vong, trở thành miếng mồi sâu xé của các nước Phương Tây, Fukuzawa Yukichi đã chủ trương vực dậy tinh thần và ý chí quốc dân để giữ vững độc lập tự do, tạo đà phát triển ngang tầm các nước giàu mạnh nhất thế giới.

"Khuyến học" giải thích rằng một đất nước như Nhật Bản cần có những yếu tố gì để làm nên thành công. Và yếu tố đầu tiên đó chính là người Nhật phải có sự "độc lập về tinh thần".

Độc lập về tinh thần là gì?

Bàn về khái niệm "độc lập", Fukuzawa Yukichi cho rằng, có 2 dạng độc lập là độc lập hữu hình và độc lập vô hình, hay còn gọi là độc lập về vật chất và độc lập về tinh thần.

Tác giả Khuyến học - Fukuzawa Yukichi.

Độc lập về vật chất có nghĩa là, mỗi người trong xã hội đều có một gia đình, nghề nghiệp, khả năng tự lo cho bản thân và gia đình, không cần nhờ cậy hoặc làm phiền tới người khác.

Dạng độc lập này dễ nhận biết nên cũng dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu chỉ có độc lập về vật chất thôi thì chưa đủ. Đó là lý do vì sao nhiều người trưởng thành, đủ sức lo cho bản thân và gia đình yên ấm nhưng vẫn không thể coi là một người độc lập. Lý do vì họ không có sự độc lập về tinh thần.

Khái niệm độc lập về tinh thần rất rộng lớn. Nó bao gồm việc không lệ thuộc vào tình cảm, ý chí, sức ảnh hưởng của người khác. Người độc lập về tinh thần tự biết phân biệt đúng sai, không phạm sai lầm trong hành động. Trong mọi suy nghĩ, quyết định, họ đều không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.

Trong "Khuyến học", Fukuzawa Yukichi dẫn ra một số ví dụ rất dễ hiểu về một số thứ gây cản trở sự độc lập tinh thần. Chẳng hạn như thói quen chạy theo đám đông, bị ảnh hưởng bởi quan niệm của người khác khiến chiếc áo đang mặc còn tốt nhưng chê lỗi thời không dùng nữa, phải bỏ tiền đi cắt may áo mới cho hợp thời; nhà cửa đang yên ổn bỗng bị chê chật hẹp, phải mua nhà mới có đủ chỗ để làm phòng yến tiệc thiết đãi bạn bè; cơm dẻo canh ngọt ở nhà chê đạm bạc phải ra ngoài ăn mới là ngon...

Ngoài sự cản trở độc lập vì vật chất, con người còn bị chi phối bởi những giấc mộng ảo. Ví như chuyện nghe đồn hàng xóm sắm chiếc áo vải tơ thêu vàng óng ánh thì cũng phải ngay lập tức đặt may một cái áo như vậy. Mặc sang khoe hàng xóm thì mới biết, áo của người ta chỉ là vải bông sợi thô, điểm một vài đường chỉ mạ vàng chứ nào có phải vàng ròng.(!)

Người chạy theo mộng ảo trở thành kẻ kệch cỡm. Rõ ràng, sự độc lập tinh thần đã bị đánh mất khiến họ phải hao tốn sức lực vì những cái không có thật do chính áp lực mình tự tạo ra.

Một ví dụ khác mà Yukichi nói về việc con người lệ thuộc vào vật chất, cám dỗ.

Suy xét một cách thấu đáo, sự độc lập vừa là quyền lợi vừa là một năng lực cần được rèn giũa qua từng ngày. Chúng ta không chỉ hướng tới cuộc sống không cần ngửa tay xin bố thí mà còn phải có sự mạnh mẽ, độc lập từ trong tinh thần, ý chí. Ông cho rằng tinh thần độc lập là điểm xuất phát của mọi vấn đề. Từ tinh thần này sinh ra rất nhiều cách suy nghĩ, hành xử đúng đắn.

Ví như, con người có độc lập thì không bao giờ sống chỉ dựa vào quyền lực, xu nịnh bợ đỡ để chạy theo quyền lực, không làm điều xấu vì cám dỗ dục vọng, khi có ngoại xâm không ngại xả thân bảo vệ, gặp chế độ bạo tàn, ngu dốt không sợ đứng lên phản kháng, gặp chuyện bất bình thì lên tiếng, dám nói lên chính kiến của bản thân, không sợ cái gọi là sự thật mất lòng, chẳng phải vì chịu ảnh hưởng của kẻ khác mà lẫm lẫn giá trị đúng sai, tốt xấu.

Chỉ có người có khả năng độc lập toàn diện mới là kẻ có đủ bản lĩnh để làm nên thành công lớn. Nếu ngay cả khả năng sống độc lập cũng không có thì làm sao nói đến chuyện tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (?)

Để gìn giữ độc lập tinh thần, phải biết cách tiêu tiền

Độc lập tinh thần không được xây nên bằng vật chất nhưng kiểm soát vật chất lại là một trong những cách giữ vững độc lập tinh thần. Tức là khi cuộc sống vật chất của mỗi người không chịu sự lệ thuộc, chúng ta có nhiều hơn cơ hội được độc lập trong mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành động.

Bí mật của sự độc lập một phần nằm ở việc biết cách làm chủ đồng tiền. Nếu cứ mải miết chạy theo hết ham muốn này đến ham muốn khác thì dù có làm ra bao nhiêu tiền cũng tiêu hết sạch, con người mãi mãi là nô lệ của tiền bạc và từ đó, có thể sẽ chịu sự sai khiến của đồng tiền, của kẻ khác và đánh mất đi sự độc lập tinh thần.

Trên phạm vi quốc gia: Độc lập là trách nhiệm của mỗi công dân

Xét trên phạm vi quốc gia, độc lập là trách nhiệm của mỗi công dân. Nếu mỗi công dân đều có khả năng, bản lĩnh đấu tranh để sống độc lập toàn diện, đất nước chắc chắn sẽ độc lập. Tuy nhiên, sự độc lập bền vững của quốc gia còn cần thêm một yếu tố khác. Đó là tinh thần độc lập trong trách nhiệm của mỗi người dân với vận mệnh đất nước.

Nguyên Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Lê Doãn Hợp nhận xét về 5 cuốn sách đang được trao tặng trong Hành trình từ Trái tim, trong đó có "Khuyến học"

Tức là mỗi công dân không ỷ lại, xem việc nước chỉ là vấn đề của bộ máy chính trị. Họ phải hiểu rằng, quốc gia phát triển đến tầm cao nào, điều ấy phụ thuộc vào từng cá nhân. Mỗi người đều phải độc lập trong việc nghĩ làm sao để bảo vệ, phát triển đất nước.

Tác giả cuốn Khuyến học ví khả năng lãnh đạo của Chính phủ là yếu tố lõi bên trong hay sức sống nội tại của quốc gia, còn người dân là môi trường kích thích bên ngoài. Nếu sức sống tốt mà môi trường ô nhiễm, chắc chắn "sức khỏe" quốc gia sẽ suy yếu, lâu dài sẽ đánh mất độc lập dân tộc.

Quốc gia, dân tộc không độc lập, người dân không thể sống độc lập, dù là về vật chất hay là về tinh thần. Vì thế, Yukichi xem chí khí độc lập của nhân dân là phần hồn của nền văn minh. Ông nói rằng: "Nếu không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi hình thái của văn minh chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng".

Hay như: "Quốc dân không có tính cách độc lập thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm!"

Yukichi phân tích, những việc xây dựng hạ tầng đất nước như nhà máy, xí nghiệp, cầu cống, bệnh viện, trường học... chỉ là phần xác của nền văn minh quốc gia. Cho dù thể xác có hào nhoáng đến đâu nhưng cái hồn của nó là dân khí (tinh thần, chí khí của người dân quốc gia đó) mà suy kiệt thì quốc gia đó không thể mong cầu sự phát triển vững bền.

Yukichi cho rằng, vận hội sẽ mở ở những nơi phát huy được chí khí của mình. Chí khí đủ lớn, cơ hội bứt phá càng nhiều. Tuy nhiên, trên thế gian này, mọi vật không tiến ắt sẽ bị thụt lùi, không có cái gì không tiến cũng không lùi. Khí lực nhân dân nếu không hun đúc cho mạnh mẽ, phát triển hơn thì chỉ có nước suy yếu, cạn kiệt.

Vì vậy, đất nước muốn hùng mạnh không thể chỉ lo cải biến cái xác của văn minh mà phải chăm lo đến phần hồn, tức là nền dân khí. Bước đầu tiên làm cho nền dân khí hùng mạnh, chính là xây dựng tinh thần độc lập triệt để cho từng cá nhân.

Bí mật thứ hai

NHÌN XA TRÔNG RỘNG

Người có tinh thần độc lập cũng thường là người có tầm nhìn xa trông rộng.

Cổ nhân có câu: "Không lo xa, ắt có họa gần". Cho nên trong "Khuyến học", Yukichi đã để riêng một tựa luận đề rằng: "Đang hạnh phúc thì chớ quên sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục". Tức là quốc dân trong lúc đang sung sướng tận hưởng nền độc lập, tự do cũng không được phép quên đi nguy cơ bị nước mạnh chèn ép, thâu tóm. Cá nhân muốn độc lập thì phải luôn sẵn sàng với kế hoạch vượt qua nghịch cảnh. Có như thế, đời người lúc nào cũng ung dung, vững tiến về phía trước và tận hưởng sự hạnh phúc tại tâm.

Học sinh Nhật Bản thời duy tân

Yukichi nói rằng, trong cuộc sống, con người làm nhiều việc ngu ngốc hơn so với suy nghĩ trong đầu, làm nhiều điều xấu xa hơn hơn so với cảm xúc trong lòng và kết quả đạt được thường không như dự tính ban đầu. Có rất nhiều trường hợp bị xã hội chê cười, hoặc tự mình hối hận vì cứ nghĩ rằng "việc này hợp với khả năng của mình", nhưng đến lúc bắt tay vào làm thì hết hỏng chỗ này lại sai chỗ khác, mà lại toàn hỏng và sai ở những chỗ không thể ngờ tới.

Yukichi chỉ ra, có một nguyên nhân rất lớn trong những thất bại như vậy. Đó là cuộc sống luôn sống động, xã hội không đứng yên mà luôn vận động. Vì thế, nếu không dự đoán hay lường trước được sự biến đổi thì người thông minh cũng sẽ gặp thất bại khôn lường.

Bởi thế, con người phải có tầm nhìn xa trông rộng và nhờ có tri thức mà làm được điều mình muốn.

Đại đô thị Tokyo (Nhật Bản) nhìn từ trên cao

Franklin từng nói: "Gì chứ thời gian thì không bao giờ thiếu. Nhưng khi bắt tay vào việc gì thì luôn thiếu thời gian". Ví như có anh học trò nọ, rời quê lên tỉnh học, trong lòng tự nhủ: "Chấp nhận mọi khó khăn, ba năm nữa sẽ học thành tài". Lại có chàng thư sinh nghèo khó: "Ước gì mình có đống tiền. Ngay lập tức sẽ xây trường học khắp nơi trên đất Nhật Bản để cho mọi người có chỗ học tập". Ước sao được vậy. Anh ta trở nên giàu có. Nhưng thử hỏi xem anh ta có thực hiện đúng như suy nghĩ trước đấy hay không?

Những suy nghĩ không tưởng như thế, trong xã hội nhiều vô kể. Đó là vì mọi người thường nhìn nhận vấn đề quá dễ dàng, không suy nghĩ tới khả năng khả thi cũng như dự đoán đúng thời hạn của công việc.

Yukichi tin rằng, khi làm bất cứ việc gì, bao giờ cũng có một vấn đề rất quan trọng, đó là thời cơ. Nếu không gặp thời, người tài giỏi đến mấy cũng khó phát huy được. Vì thế, nhìn nhận sâu sắc về sự biến chuyển của cuộc sống là cơ hội để con người vươn tới thành công.

Ở tầm quốc gia, người dân trong lúc tận hưởng nền độc lập, tự do, bình đẳng cũng không được phép quên rằng, sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục, buồn khổ. Người dân và chính quyền cần nhìn xa trông rộng, liệu tính được vận mệnh tương lai đất nước. Từ đó, họ cùng tham gia vào công cuộc phát triển, hoạch định những kế hoạch hành động cụ thể để duy trì sự hạnh phúc toàn dân được lâu dài.

Sinh viên của Fukuzawa Yukichi tại Trường ĐH tư thục Keio Gijuku mà ông sáng lập để truyền dạy Tây học

Tất nhiên, ngoài việc phải lo xa, lường trước khó khăn, Fukuzawa Yukichi cũng chỉ ra rằng con người muốn hạnh phúc thì phải có niềm hy vọng vào tương lai. Ông nói: "Hy vọng vào tương lai xán lạn là liều thuốc an ủi nỗi bất hạnh hiện thời".

Chính vì hy vọng vào tiền đồ xán lạn nên con người mới có sức lực, tinh thần chịu đựng nỗi bất hạnh đang có. Quốc gia muốn độc lập thì người dân phải có niềm tin vào tiền đồ đất nước, từ đó nhẫn nại, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, và muốn vậy thì phải có kế hoạch tiên kiến rõ ràng.

(Còn tiếp)

* Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: Không lo xa, ắt có họa gần!