Trang Bloomberg nhận định khi bị quyết định áp thuế cao với mặt hàng pin năng lượng và máy giặt của Mỹ gây tổn hại, Trung Quốc sẽ có thể trả đũa bằng cách làm giảm doanh số bán các sản phẩm nhập từ Mỹ hoặc dừng nhập khẩu đậu tương.

Bị Mỹ áp thuế cao, Trung Quốc sẽ dùng biện pháp gì trả đũa?

Cẩm Bình | 25/01/2018, 05:42

Trang Bloomberg nhận định khi bị quyết định áp thuế cao với mặt hàng pin năng lượng và máy giặt của Mỹ gây tổn hại, Trung Quốc sẽ có thể trả đũa bằng cách làm giảm doanh số bán các sản phẩm nhập từ Mỹ hoặc dừng nhập khẩu đậu tương.

Ngày 22.1, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế mới lên đến 30% với pin và module năng lượng mặt trời, và 20% với máy giặt nhập khẩu (có thể lên đến 50% nếu số máy vượt quá 1,2 triệu chiếc). Trung Quốc, một trong các quốc gia bị ảnh hưởng bởi mức thuế này, đã lập tức lên tiếng phản đối.

Bloomberg cho biết tuy quyết định của Mỹ không trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, nhưng quốc gia châu Á là nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu đến 21 triệu máy giặt trong năm 2017, vì vậy thiệt hại mà nước này phải chịu do mức thuế cao là không nhỏ. Do đó, theo Bloomberg, Trung Quốc giống như từ trước đến nay, sẽ có những biện pháp trả đũa.

Là nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, Trung Quốc thiệt hại khi Mỹ áp mức thuế cao - Ảnh: Fortune

Apple, Boeing và xuất khẩu đậu tương trong tầm ngắm

Theo ông David Dollar, cựu nhân viên Bộ Tài chính Mỹ và hiện là chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Brookings: “Đây là sự khởi đầu cho thời kì khó khăn trong quan hệ Mỹ-Trung. Những biện pháp ban đầu này rất khiêm tốn và có thể bị đáp trả bằng những hành động tương tự từ phía Trung Quốc. Vấn đề là liệu chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có leo thang, khiến cả hai nền kinh tế đều bị thiệt hại hay không”.

Bloomberg đánh giá với tiềm năng kinh tế của mình, Bắc Kinh sẽ kiên quyết trả đũa Mỹ, bằng cách thu hẹp việc mua bán các sản phẩm của Mỹ và làm khó các công ty Mỹ có tiếng bằng các chiến dịch kiểm tra thuế và chống độc quyền.

Trước đó, Bắc Kinh không hề ngần ngại lên tiếng đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ. Tờ Thời báo Hoàn cầu vào cuối năm 2016 từng cảnh báo một cuộc chiến tranh thương mại sẽ đem lại những hậu quả về kinh tế. Theo tờ báo này, các đơn đặt hàng hãng Boeing sẽ bị thay thế bởi Airbus (châu Âu), doanh số bán các thiết bị điện tử Mỹ và iPhone tại Trung Quốc sẽ giảm, và hoạt động nhập khẩu bắp cùng đậu tương Mỹ sẽ ngừng.

Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu của tập đoàn Rabobank chi nhánh Hồng Kông, xác định những mục tiêu chính mà Trung Quốc nhắm tới là máy bay Boeing xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc, sản phẩm của công ty điện tử Apple Inc và đậu tương.

Pauline Loong, giám đốc quản lý của công ty khảo sát Asia-Analytica (Hồng Kông), còn cho biết: “Các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc đang cố gắng xác định những ngành công nghiệp nào của Mỹ được Tổng thống (Donald Trump) hỗ trợ và có thể bị thiệt hại nặng nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra”.

Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Doanh nghiệp này cũng là đơn vị đi đầu quan trọng trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Chủ tịch Tập Cận Bình khi đến thăm xưởng Boeing ở Seattle năm 2015 đã kí với hãng này một đơn đặt hàng trị giá đến 38 tỉUSD.

Còn theo nhà kinh tế Raymond Yeung làm việc tại Ngân hàng ANZ (Australia & New Zealand Banking Group Ltd): “Thông thường, để phản ứng lại với những hành động thương mại chống lại họ, Trung Quốc sẽ xét lại hoạt động và quyền tiếp cận thị trường nước này của các doanh nghiệp nước ngoài”.

Hãng Boeing nằm trong tầm nhắm trả đũa của Trung Quốc - Ảnh: Despatch

Trung Quốc đã không ít lần bỏ qua lợi ích kinh tế từ nước ngoài khi xảy ra những “trục trặc” chính trị. Marriott International Inc, đơn vị kinh doanh chuỗi khách sạn, mới đây đã bị xử lý khi gọi Tây Tạng và Đài Loan là “quốc gia”, xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang Trung Quốc giảm mạnh khi quốc gia châu Âu trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho một nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền Bắc Kinh.

Với Mỹ, khi Washington đưa ra thuế nhập khẩu với pin năng lượng mặt trời Trung Quốc vào năm 2011, Bắc Kinh đã phản ứng bằng những biện pháp chống lại những nhà sản xuất polysilicon (vật liệu quan trọng để làm ra pin mặt trời) của Mỹ.

Theo Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh tế của tập đoàn Goldman Sachs, đánh giá thời điểm Mỹ đưa ra mức thuế cao cho pin năng lượng mặt trời và máy giặt khiến nguy cơ bị trả đũa tăng cao. Theo chuyên gia: “Áp dụng thuế quan vào lúc Trung Quốc đang dần chuyển đổi thành nền kinh tế dựa vào ngành dịch vụ và sức tiêu dùng làm nguy cơ bị họ đáp trả tăng cao, đi ngược lại những cơ hội tốt nhất để Mỹ hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Cẩm Bình (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ động thu hút FDI quy mô lớn, công nghệ cao như bán dẫn, AI…
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Chính phủ yêu cầu chủ động thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị Mỹ áp thuế cao, Trung Quốc sẽ dùng biện pháp gì trả đũa?