Nhiều người tham gia chơi hụi trên mạng xã hội sau một thời gian "rủng rỉnh" tiền đã phải vẫy vùng trong khó khăn. Họ còn phát hiện ra mình bị thao túng như những quân cờ.

Bị ‘thao túng’ khi chơi hụi đấu giá trên mạng xã hội

Đỗ Vy | 10/02/2023, 16:14

Nhiều người tham gia chơi hụi trên mạng xã hội sau một thời gian "rủng rỉnh" tiền đã phải vẫy vùng trong khó khăn. Họ còn phát hiện ra mình bị thao túng như những quân cờ.

Điều hành hàng trăm dây hụi một lúc

Chị Võ Ngọc Hà (34 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) nhức nhối kể, gần 2 năm trước, qua một người quen chị làm kết giao rồi tham gia vào các dây hụi cho một người phụ nữ trẻ tuổi tên Hường làm chủ.

Thời gian đầu, chị Hà cần vốn để xoay sở kinh doanh, nên tham gia rất nhiều dây hụi với nhiều mức tiền, thời gian khác nhau. “Tôi tham gia từ hụi ngày, tuần, tháng, lúc đầu thấy có đồng vô đồng ra, mình có thêm vốn làm ăn, nên tôi không nghi ngờ gì mà tham gia”, chị Hà kể.

Theo chị Hà, ban đầu chị tham gia nhiều dây hụi đóng tiền mỗi ngày ở mức khoảng 500.000 đồng/ngày. “Những dây hụi ngày thường có ít người tham gia, hơn 10 người là có thể mở được rồi, mọi chuyện rất thuận lợi”, chị kể.

Nhưng càng về sau, chủ hụi Hường mở nhiều dây hơn và mời gọi chị tham gia, thấy mình còn cáng đáng được, chị đồng ý.

khong-kho-de-tim-thay-nhung-bai-dang-nhu-the-nay-tren-mang-xa-hoi..jpg
Những lời mời chào chơi hụi trên Facebook - Ảnh chụp màn hình

Việc mở một dây hụi mới rất đơn giản, Hường chỉ cần lập một nhóm chát mới trên Facebook, đặt tên nhóm là số tiền mà mỗi thành viên phải đóng rồi đưa các thành viên vào. Lắm lúc, chị Hà không có nhu cầu nhưng cả nể Hường nói còn thiếu mỗi một chân nên chặc lưỡi tham gia.

Theo chị Hà, những dây hụi này là khi người tham gia muốn hốt phải tham gia đấu giá, ai để cao thì được hốt. “Ví dụ, tôi tham gia hụi 1 triệu/ tuần, đến ngày hốt thì ai muốn hốt sẽ đấu giá mà không có mức giới hạn.

Người cần sẽ đấu mức 120.000 đồng, 140.000 đồng hoặc cao hơn. Với mức đấu giá giả dụ như trên, các hụi viên chỉ phải đóng lần lượt tương ứng là 880.000 đồng hoặc 860.000 đồng hoặc cao hơn. Còn người nào đã hốt thì đóng hụi chết 1 triệu đồng”, chị Hà kể.

nhung-day-hui-nhu-the-nay-duoc-chu-hui-mo-rat-nhieu-loi-keo-nhieu-thanh-vien-tham-gia..jpg
toi-ky-mo-hui-cac-thanh-vien-tham-gia-dau-gia-de-duoc-hot..jpg
Cuộc đấu giá qua nhóm chát để dành được quyền hốt hụi - Ảnh chụp màn hình

Vẫn theo lời chị Hà, người được trúng giá và được hốt còn phải chi hoa hồng cho chủ hụi 50% số tiền hụi chết, như trên là 500.000 đồng. Như vậy, việc chủ hụi mở hàng trăm dây hụi cùng lúc, chỉ cần nhận tiền hoa hồng của người hốt, mỗi ngày đã thu về con số khủng khi các dây hụi từ hụi ngày, tuần, tháng với số tiền từ vài trăm ngàn đến chục triệu đồng mỗi hụi viên.

Điều đáng nói là mãi sau này chị Hà mới nhận ra, trong những dây hụi mà chị tham gia, luôn có những người làm “chim mồi”, sẵn sàng tham gia đấu giá để ép người muốn hốt phải đấu giá cao hơn. “Tôi biết rằng những người này lúc nào đấu giá cũng đẩy giá lên cao, nếu họ buộc phải hốt thì số tiền đó cũng sẽ được trả lại chủ hụi. Nhiệm vụ của họ chỉ là đấu để đẩy giá lên cao thôi, và dây hụi nào họ cũng tham gia. Điều bất cập là người chơi chỉ biết tới chủ hụi, còn các thành viên tham gia không biết gì tới nhau, tất cả đều diễn ra và kết thúc ở các nhóm chát”, chị Hà phân tích.

Nhận ra mình là “gà” và bị “lùa”

Việc một số người tham gia chơi hụi là để huy động vốn, tùy từng khả năng mỗi người mà việc này có lợi hay không. Hiện nay, hình thức kêu gọi chơi hụi trên mạng xã hội không còn quá xa lạ, nhiều chủ hụi thường xuyên đăng tải bài kêu gọi người tham gia.

Theo chị Hà, kết cục của các thành viên tham gia với chủ hụi Hường không khác nhau là mấy. Việc chủ hụi mở nhiều đường dây, cho “chim mồi” đẩy giá khi đấu đã đẩy những thành viên tham gia vào thế túng quẫn.

“Có những dây hụi khi tôi được hốt đều được chủ hụi cấn trừ qua những dây hụi khác, tiền không thấy đâu trong khi đó mình phải còng lưng đóng hụi chết. Khoảng nửa năm nay tôi nhận ra mình đã sa chân trong "ma trận" này và nhiều người khác cũng vậy. Nhiều người buộc phải tham gia nhiều dây hụi hơn nữa để lấy đầu này đắp đầu kia, khổ sở vô cùng. Tính tổng kết lại, tôi tham gia mấy chục dây hụi trong gần 2 năm qua, tiền hụi chết tôi đóng quá nhiều, không thấy lời đâu mà còn lỗ nữa. Phần lớn số tiền lời này đều rơi vào tay chủ hụi, họ thiết kế ra nó mà”, chị Hà kể.

voi-viec-thanh-vien-chi-biet-den-chu-hui-mu-tit-voi-nhung-nguoi-choi-con-lai-mang-lai-nhieu-rui-ro..jpg
Không khó để tìm thấy những bài đăng mời gọi chơi hụi trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Những người chơi hụi như chị Hà nếu muốn thoát chỉ có thể "cắn răng" đóng hết những dây hụi mình tham gia. Nếu hết khả năng, chủ hụi sẽ hăm dọa bằng mọi cách, ép viết giấy nợ, siết tài sản. “Những chủ hụi này có quan hệ khá rộng, và họ có đủ mọi cách để ép người tham gia phải đóng tiền. Dù vậy, vẫn có một số người không còn khả năng đã bỏ trốn”, chị Hà tiết lộ.

Luật sư Trần Công Tú (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho biết, việc chơi hụi đã được quy định tại Nghị định 19/2019. Theo đó, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp phường, xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi giá trị một phần hụi từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc từ 2 dây hụi trở lên. Đồng thời thông báo thời gian mở và kết thúc dây hụi.

“Nếu không thực hiện những việc này, chủ hụi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

Về lãi suất, là do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được hốt hụi mỗi kỳ nhưng không được vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc hoặc do từng thành viên đưa ra để được hốt hụi tại mỗi kỳ vượt quá lãi suất giới hạn quy định như trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”, luật sư Tú cho biết.

Luật sư này cũng cho biết theo quy định, chủ hụi, thành viên chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia chơi hụi.

Một cán bộ từng công tác ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Cần Thơ cho biết, theo quy định, một dây hụi được mở ra thì phải có danh sách, các thành viên tham gia phải biết nhau.

“Trường hợp một dây hụi mà chủ hụi tự cho thời gian hốt, sắp xếp thành viên nào có thể hốt thì rất dễ có dấu hiệu lừa đảo. Còn trường hợp chủ hụi lập nên những thành viên khống trong dây hụi thì dấu hiệu lừa đảo đã rõ ràng hơn. Những trường hợp này khi có đơn tố cáo, công an sẽ vào cuộc”, cán bộ công an này cho biết.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị ‘thao túng’ khi chơi hụi đấu giá trên mạng xã hội