Các thói quen của thời tiết thay đổi đang đặt ra câu hỏi liệu du khách có đi du lịch hay không và nếu đi thì họ cần thay đổi về địa điểm, thời gian, cách thức như thế nào.
Du khách vừa phải đối mặt với nhiều bất ngờ về thời tiết trong mùa hè này, từ cháy rừng ở châu Âu cho tới bùn ngập tới đầu gối ở Burning Man (đây là lễ hội văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức từ ngày 30.8 đến 7.9 hằng năm ở sa mạc Black Rock (bang Nevada, Mỹ) nhằm tôn vinh những tư tưởng cấp tiến, đón tiếp tất cả khách tham quan từ mọi nơi trên thế giới. Lễ hội Burning Man từng được bình chọn là một trong 10 lễ hội lớn nhất thế giới).
Theo Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, đây là mùa hè nóng kỷ lục trên toàn cầu. Các thói quen với thời tiết thay đổi đang đặt ra câu hỏi liệu du khách có còn hào hứng du lịch hay không và nếu có thì họ cần thay đổi về địa điểm, thời gian, cách thức như thế nào.
Ví dụ, liệu việc đến thăm Ý vào tháng 7 có hợp lý không do thời tiết nóng bức. Hay cao điểm của mùa du lịch nên chuyển sang những tháng mùa thu hoặc mùa xuân thân thiện với du khách hơn?
Các điểm đến du lịch đang bắt đầu chú ý - và lo lắng - về tác động của biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hái ra tiền này.
Điểm đến hấp dẫn đã thay đổi
Thả hồn trên bờ biển Tây Ban Nha vào mùa hè nghe như một giấc mơ. Năm nay thì nó trở thành cơn ác mộng đối với du khách đến Địa Trung Hải. Thành phố ven biển Valencia (Tây Ban Nha) chứng kiến nhiệt độ lên tới 47 độ C vào tháng 8, mức cao kỷ lục. Điều đó xảy ra trong bối cảnh Tây Ban Nha hạn chế sử dụng máy điều hòa ở các không gian công cộng để tiết kiệm nhiên liệu càng khiến khách du lịch phải mướt mồ hôi.
Theo báo cáo tháng 7 từ Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, những xu hướng này có khả năng trở nên tồi tệ hơn, khiến du khách rời xa đến các bờ biển nóng bỏng ở châu Âu. Các khu vực ven biển Địa Trung Hải như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm du lịch nếu nhiệt độ tiếp tục tăng.
Mặt khác, những điểm đến lạnh hơn ở Bắc Âu thực sự có thể thu hút nhiều khách du lịch hơn. Theo báo cáo, Đan Mạch, Pháp và Anh có thể đón thêm nhiều khách du lịch khi nhiệt độ ấm hơn. Băng đảo Greenland (thuộc Đan Mạch), nơi phần lớn được bao phủ bởi băng quanh năm, dự kiến sẽ đón nhiều khách du lịch hơn trong những thập niên tới. Để đón đầu xu hướng, một sân bay mới sẽ mở cửa vào năm 2024.
Tại Mỹ, nhiều điểm đến nổi tiếng đã bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao. Theo National Park Service, sông băng Glacier đã giảm kích thước 40% trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến năm 2015. Các rạn san hô ở Florida đang bị "tẩy trắng" và chết dần do bị hấp trong đại dương ở nhiệt độ cao kỷ lục vào mùa hè này.
Mùa du lịch cao điểm cũng thay đổi
Mùa hè là để thực hiện kỳ nghỉ dài - đó là một thực tế được mọi người thừa nhận gần như hiển nhiên. Các gia đình đi du lịch trong thời gian trẻ em nghỉ học và thích thú tắm nắng.
Tuy nhiên, khi mùa hè tiếp tục ấm lên, những kỳ nghỉ này có thể nhường chỗ cho những kỳ nghỉ mùa xuân và mùa thu. Nói cách khác, khách du lịch có thể thay đổi thời điểm (chứ không phải địa điểm) họ ghé thăm.
Sự thay đổi này đã bắt đầu diễn ra. Nền tảng phân tích dịch vụ cho thuê phòng ngắn hạn AirDNA báo cáo rằng tỷ lệ lấp đầy tại các điểm đến trên núi và ven hồ vào tháng 10.2022 gần bằng công suất lấp đầy cao điểm của năm 2019 (vào tháng 7), trái ngược với xu hướng truyền thống là giảm mạnh công suất phòng sau mùa hè.
Theo báo cáo năm 2022 trên tạp chí Environmental Research Letters, hoa anh đào ở Nhật Bản đang nở sớm hơn 11 ngày so với trước đây. Điều này đã khiến lễ hội hoa anh đào thu hút khách du lịch phải chuyển từ tháng 4 sang tháng 3.
Khi ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến tình hình thời tiết thay đổi, họ càng điều chỉnh lịch trình để tránh cái nóng ngột ngạt của mùa hè. Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu ước tính rằng các khu vực ven biển phía nam (giáp Địa Trung Hải) có thể mất tới 10% lượng khách du lịch trong những tháng cao điểm mùa hè.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã vượt qua mục tiêu khách quốc tế của cả năm 2023 là đạt 8 triệu lượt khách.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng ít nhất chúng ta có thể đón 1,1 đến 1,2 triệu lượt khách quốc tế, nhất là trong tháng 12, vào dịp đón Giáng sinh và năm mới. Từ đó, du lịch Việt Nam có thể thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách cả năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu.
Theo các chuyên gia du lịch, đây là mục tiêu khả thi, hoàn toàn có thể đạt được khi mà mùa cao điểm đón khách quốc tế mới chỉ bắt đầu. Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhất vì họ rất thích mùa thu và mùa xuân ở Việt Nam. Vì thế, từ giờ đến cuối năm và sang đến đầu năm sau, lượng khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng. Ba tháng cuối năm, kỳ vọng ngành du lịch sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách nữa, kịp hoàn thành mục tiêu mới trước khi kết thúc năm 2023.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp du lịch đã có những đoàn khách đăng ký sang Việt Nam từ cuối tháng 10 và rải rác trong hai tháng còn lại.