Số lượng thành phố có khả năng tổ chức giải chạy marathon Olympic mùa hè trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ có thể giảm bớt 27% do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu khiến việc tập thể dục ngoài trời ngày càng nguy hiểm

Anh Tú | 13/10/2023, 21:00

Số lượng thành phố có khả năng tổ chức giải chạy marathon Olympic mùa hè trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ có thể giảm bớt 27% do biến đổi khí hậu.

marthon.jpeg
Các cuộc thi marathon ngày càng tốn sức

Khi tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt khắp thế giới, các cuộc chạy thi marathon và đường dài đang có nguy cơ bị hủy do không chịu nổi nhiệt, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Cuộc đua marathon Twin Cities ở Minnesota, đã diễn ra được 40 năm, bị hủy lần thứ hai vào ngày 1.10 vừa qua. Lần hủy bỏ trước đó xảy ra vào năm 2020 do COVID-19 còn lần này là do nắng nóng.

Tương tự, chuỗi huấn luyện chuẩn bị cho giải TCS New York City Marathon 18M đã bị hoãn vào ngày 30.9 do trận lũ lụt nghiêm trọng mà New York đang trải qua. Hơn 50.000 vận động viên đã đăng ký tham gia TCS New York City Marathon dự kiến diễn ra vào ngày 5.11. Việc huấn luyện chuẩn bị rất quan trọng vì ngoài số người đông, nguy cơ về sức khỏe cho người tham gia là một mối lo khác.

Trước đó, giải TCS New York City Marathon năm 2022 vẫn diễn ra như dự kiến nhưng các vận động viên đã trải qua một ngày nắng nóng kỷ lục dẫn đến nhiều trường hợp bị ngất liên quan đến nhiệt.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ đã ghi lại xu hướng gia tăng lũ lụt, hạn hán, bão và nhiệt độ. Theo đó, nhiệt độ tăng do phát thải khí nhà kính mà con người gây ra, đang làm gia tăng các đợt nắng nóng ở các thành phố và làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports, số lượng thành phố có khả năng tổ chức giải chạy marathon Olympic mùa hè trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ có thể giảm bớt 27% do biến đổi khí hậu. Các tác giả đề xuất chuyển thời điểm tổ chức cuộc thi marathon Olympic vào tháng 10 như một chiến lược thích ứng.

Nhiệt độ ấm và nóng có thể gây nguy hiểm cho người chạy đường dài. Theo tổ chức Road Runners Club of America (RRCA), người chạy bộ có thể mất đến 0,35 lít chất lỏng cứ sau 20 phút dẫn đến nguy cơ bị mất nước.

Tiến sĩ Sonia Tolani, Phó giáo sư Tim mạch tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia cho biết: "Khi bạn tập thể dục, nhiệt độ cơ thể tăng lên và cơ thể cần tự làm mát. Điều này được thực hiện bằng cách đổ mồ hôi… bay hơi nước là cơ chế chính để cơ thể hạ nhiệt". Tuy nhiên, bà Tolani nói thêm: "Khi bạn đổ mồ hôi, bạn đang loại bỏ muối. Nếu mọi người không bổ sung lượng muối đó, họ có thể bị mất cân bằng điện giải, trong một số trường hợp có thể dẫn đến phù não".

Đột quỵ do nhiệt là một mối quan tâm lớn khác và bà Tolani khuyến cáo: "Nếu bạn không thể nhanh chóng làm mát cơ thể, bạn có thể bị bệnh và phát triển tình trạng mà chúng tôi gọi là đột quỵ do nhiệt". Các triệu chứng của say nắng gồm đau nhói đầu, buồn nôn, chóng mặt, da khô hoặc ẩm, mạch đập nhanh và mạnh.

Trước những rủi ro về sức khỏe này, những người tổ chức các cuộc chạy marathon và các sự kiện chạy đường dài phải đối mặt với thách thức trong việc đối phó trước các tác động của biến đổi khí hậu và quyết định có nên tiếp tục các sự kiện hay không. Theo Nguyên tắc Sự kiện An toàn của RRCA, các sự kiện sẽ bị hủy hoặc hoãn nếu điểm đọng sương vượt quá 27 độ C vào thời điểm bắt đầu cuộc đua (ND: độ ẩm bão hoà ở nhiệt độ càng thấp thì càng nguy hiểm cho sức khỏe).

Hơn nữa, khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt quá 50, đó là lúc cần giảm cự ly chạy để giảm thiểu thời gian tiếp xúc không khí ô nhiễm. Nếu AQI tăng trên 151, các chuyên gia khuyến nghị nên hoãn hoặc hủy sự kiện để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người tham gia.

Các cuộc chạy marathon cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tần suất cháy rừng ngày càng tăng do tác động của biến đổi khí hậu, khiến chất lượng không khí trên khắp nước Mỹ ngày càng đáng lo ngại trong những tháng hè gần đây.

Năm 2018, giải Monterey Bay Half Marathon đã bị hủy do cháy rừng dữ dội gần đó. Các sự kiện thể thao khác, gồm cả các trận đấu của Giải bóng chày Major League và Giải bóng đá nữ quốc gia, đã bị hoãn lại vào mùa hè này vì lo ngại về chất lượng không khí.

Tiến sĩ Ravi Kalhan, Phó trưởng khoa Y học về phổi tại Đại học Northwestern cho biết, ô nhiễm không khí có thể dẫn đến nghẹt mũi, viêm mũi và kích ứng khí quản. Kalhan cho biết mọi người có thể khó thở và xuất hiện tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể do ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Những người tập thể dục hít phải không khí nguy hiểm hơn. Kalhan nói: "Khi bạn tập thể dục hay vận động với cường độ cao, bạn hít vào nhiều không khí hơn và hít thở sâu hơn. Tổng lượng tiếp xúc với khói dọc theo diện tích bề mặt của phổi được cho là cao hơn, dẫn đến gánh nặng phơi nhiễm cao hơn".

Tiến sĩ Kristin Aunan, nhà khoa học khí hậu và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí hậu quốc tế (CICERO) cho biết đây là những vấn đề đối với vận động viên tham gia các nội dung sức bền. Nhưng chúng cũng nguy hiểm cho những ai dành thời gian ở ngoài trời. Bà nói: “Chúng tôi cũng rất lo ngại cho những người làm việc ngoài trời, những người làm việc trong ngành xây dựng và nông nghiệp”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu khiến việc tập thể dục ngoài trời ngày càng nguy hiểm