Nghiên cứu từ Đại học Oxford cho biết vào năm 2030 biến đổi khí hậu sẽ khiến 59 quốc gia phải đối mặt với sự suy giảm khả năng trả nợ, và tỷ lệ nợ công sẽ tăng lên.
Biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ví dụ, trước kia hiện tượng mực nước biển dâng cao do bão lớn và thủy triều tức thời thường xảy ra mỗi thế kỷ một lần. Tuy nhiên, theo dự đoán, kể từ năm 2040, hiện tượng đáng sợ này sẽ tấn công các khu vực ven biển mỗi thập niên, thậm chí hằng năm.
Những sự kiện như thế có hậu quả đáng kể đối với nền tài chính toàn cầu, mà biểu hiện là làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu, một cơn bão lớn cỡ trăm năm xuất hiện một lần có thể dẫn đến giảm thu nhập bình quân đầu người một quốc gia gần 15%, còn sâu hơn mức giảm thu nhập trung bình 9% thường thấy sau một cuộc khủng hoảng tài chính.
Thiệt hại to lớn mà thời tiết cực đoan gây ra cho cơ sở hạ tầng, nhà cửa và nền kinh tế cũng có thể dẫn đến quốc gia gặp khó khăn trong việc trả nợ, có khả năng khiến quốc gia khó vay tiền hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư và cả các nhà quản lý quỹ phụ trách các khoản đầu tư lớn lại không chú ý đến những rủi ro này. Theo một bài báo gần đây trên tờ Financial Times, các công ty dầu khí hầu như không phải đối mặt với chi phí vay bổ sung, mặc dù thực tế là tương lai của toàn ngành đang gặp rủi ro do sự chuyển dịch sang năng lượng sạch và toàn cầu đang nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, trong khi các nhà đầu tư bày tỏ một số lo ngại về rủi ro liên quan đến chính sách khí hậu, thì rủi ro trực tiếp từ thời tiết cực đoan không ảnh hưởng đến giá chứng khoán Mỹ từ năm 2000 đến năm 2018.
Tại sao các nhà đầu tư lại phản ứng thờ ơ? Việc họ không nắm bắt được thông tin phù hợp và những hậu quả chỉ là một phần của vấn đề. Cái chính là các nhà đầu tư không tin rằng biến đổi khí hậu thực sự sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường tài chính.
Nắm bắt thông tin
Nếu một quốc gia tìm cách vay từ thị trường tài chính để đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, xếp hạng tín dụng của quốc gia đó sẽ quyết định khối lượng vay. Xếp hạng tín dụng ảnh hưởng đến lãi suất mà chính phủ sẽ trả, giống như cách xếp hạng tín dụng của cá nhân ảnh hưởng đến việc trả nợ thế chấp của họ.
Tuy nhiên, các cơ quan xếp hạng tín dụng không nhất quán trong việc đưa rủi ro khí hậu vào đánh giá của họ. Nợ công đơn giản là không có thước đo khí hậu phù hợp để các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt.
Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư được cung cấp thông tin chính xác, họ thường đưa ra quyết định phù hợp. Ví dụ: nghiên cứu được công bố vào tháng 5.2023 đã khám phá tác động của việc mực nước biển dâng cao đối với lợi suất trái phiếu đô thị ở Mỹ.
(Trái phiếu đô thị (tiếng Anh: Municipal Bond) là một chứng khoán nợ được phát hành bởi chính quyền địa phương (hay chính phủ) để tài trợ cho chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng đường sá, cầu cống, trường học... Khi một nhà đầu tư mua trái phiếu đô thị, họ cho chính quyền địa phương vay tiền để đổi lấy một số khoản thanh toán lãi trong một khoảng thời gian xác định).
Sau khi nắm bắt được những dự báo về mực nước biển dâng trong trường hợp xấu nhất, các nhà đầu tư đã điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận đối với trái phiếu đô thị ở các khu vực ven biển. Trên thực tế, sự gia tăng độ lệch một tiêu chuẩn trước nguy cơ mực nước biển dâng cao đã dẫn đến lãi suất vay tăng thêm từ 7% đến 10%.
Việc tiếp cận thông tin về các rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đang được cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn thông tin này không được tập hợp lại ở nơi duy nhất để giúp thị trường tài chính phân tích nó một cách chính xác.
Thị trường tài chính cũng yêu cầu những công cụ mới để giúp họ đánh giá được thông tin mới này. Một phần đơn giản của vấn đề là ngành tài chính thiếu kỹ năng để hiểu dữ liệu môi trường.
Giải pháp xử lý
Tuy nhiên, việc tiếp cận chính xác thông tin chỉ là một phần của vấn đề. Ngay cả khi các nhà đầu tư tiếp cận được thông tin này, họ vẫn xử lý dữ liệu đó theo cách khác nhau.
Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng các nhà đầu tư ở những địa điểm “ít lo ngại hơn” (theo một cuộc khảo sát về ý kiến về khí hậu) hoàn toàn bỏ qua các dự báo về mực nước biển. Ví dụ, tại bang Bắc Carolina nằm sâu trong nội địa Mỹ, các nhà lập pháp đã loại bỏ yêu cầu đưa các dự báo mực nước biển dâng vào các điều khoản trong quy hoạch.
Do đó, tác động của thông tin về biến đổi khí hậu (chẳng hạn như dự báo mực nước biển) đối với trái phiếu đô thị dường như vẫn phụ thuộc vào niềm tin của các nhà đầu tư về hiện tượng này. Các phát hiện cho thấy rằng sự gia tăng lãi suất liên quan đến mực nước biển dâng cao chỉ xuất hiện ở những địa điểm “đáng lo ngại hơn”.
Tất nhiên, các nhà đầu tư ở những địa điểm này không chỉ cần lo lắng về biến đổi khí hậu mà họ còn cần nhiều loại thông tin phù hợp để tham gia cuộc chơi.
Việc có dữ liệu tài chính tính đến các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra là yêu cầu thiết yếu để đưa chúng vào quá trình định giá. Một nghịch lý thời đại là các công ty dầu khí lúc này thường được duy trì lãi suất cho vay thấp với xếp hạng tín dụng cao dù ai cũng biết ngành này không có tương lai. Nguyên nhân là bởi cách tính xếp hạng hiện nay không tính đến rủi ro khí hậu.
Tuy nhiên, việc tiếp cận các chỉ số tài chính được điều chỉnh theo rủi ro khí hậu chỉ là một khía cạnh của thách thức. Trước khi dữ liệu mới này được tích hợp vào các quyết định mà nhà đầu tư đưa ra, họ phải tin chắc rằng biến đổi khí hậu thực sự gây ra những hậu quả đáng kể cho thị trường tài chính.
Có thể kết luận việc khuyến khích các nhà đầu tư nhận ra tác động của biến đổi khí hậu cuối cùng thúc đẩy xã hội hiểu được cái giá phải trả do biến đổi khí hậu một cách thiết thực nhất.