Chim cánh cụt châu Phi gần như bị tuyệt chủng do nạn đánh bắt cá quá mức và biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu muốn tìm cách đảo ngược tình thế hiện nay.
Kiến thức - Học thuật

Biến đổi khí hậu khiến chim cánh cụt châu Phi không còn chỗ ở

Anh Tú 26/12/2023 13:06

Chim cánh cụt châu Phi gần như bị tuyệt chủng do nạn đánh bắt cá quá mức và biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu muốn tìm cách đảo ngược tình thế hiện nay.

Một trại giống ở Cape Town hiện đang nuôi chim để thả vào một khu bảo tồn mới thành lập dành cho chim cánh cụt. Đó là vườn trại của Tổ chức phi lợi nhuận Nam Phi để bảo tồn các loài chim ven biển (gọi tắt là Tổ chức), nơi hàng trăm con chim cánh cụt được nuôi nấng, chăm sóc sau khi bị thương hoặc bị bỏ rơi trong tự nhiên. Khi bước vào bên trong, du khách phải đặt chân lên trên tấm thảm ngập trong chất lỏng kháng khuẩn — một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nơi đây bảo vệ môi trường rất nghiêm túc. Đó là thiên đường cứu rỗi loài chim cánh cụt châu Phi.

Mặc dù trung tâm bảo tồn này là nơi trú ẩn an toàn của chim cánh cụt châu Phi nhưng toàn bộ loài này lại đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trong thế kỷ qua, quần thể chim cánh cụt châu Phi đã giảm mạnh, từ khoảng một triệu cặp sinh sản vào đầu những năm 1900 xuống còn dưới 10.000 vào năm 2023 do điều kiện môi trường trở nên xấu đi. Nguồn thức ăn chủ yếu của chim cánh cụt bị giảm sút do tình trạng đánh bắt cá tăng lên và biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn ở Nam Phi như lũ lụt và nắng nóng, dẫn đến ngày càng nhiều chim cánh cụt bố mẹ bỏ trứng để tìm nơi ẩn náu.

Các nhân viên của Tổ chức đang nỗ lực cứu giúp những chú chim cánh cụt với mục tiêu thả chúng trở lại Cape - một trong những địa bàn trước kia của loài này. Ngoài ra, một số chim cánh cụt được chuyển đến Khu bảo tồn thiên nhiên De Hoop. Ở đó, các nhà khoa học và nhà bảo tồn đang nỗ lực gây dựng một đàn chim cánh cụt mới mà họ hy vọng sẽ trở thành thành trì cho toàn bộ loài chim cánh cụt châu Phi.

Thật khó để xác định đâu là mối đe dọa chủ đạo đối với sự diệt vong của chim cánh cụt châu Phi: sự cố tràn dầu, cúm gia cầm và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá hàng loạt khu vực sinh sống của chúng trên khắp Nam Phi. Những vấn đề kinh niên này kết hợp với các sự cố hi hữu đã đẩy chim cánh cụt châu Phi vốn ở thế bấp bênh lại càng ra gần mép vực: Vào năm 2021, một đàn ong đã giết chết hơn 60 con chim cánh cụt châu Phi trên bãi biển Boulders nổi tiếng ở Cape Town và một năm sau, hai con chó husky đã giết chết 19 con chim cánh cụt trong cùng khu vực.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng loài chim này suy giảm là do tình trạng đánh bắt quá mức đối với cá mòi và cá cơm, nguồn thức ăn chính của chim cánh cụt.

Shanet Rutgers, một chuyên viên thú y tại Thủy cung Hai Đại dương ở Nam Phi cho biết, để mưu sinh, các ngư dân nghèo quanh các bãi biển đã dần hình thành ngành công nghiệp đánh bắt cá bằng lưới vây. Họ dùng lưới giăng thành bức tường quanh một đàn cá vì thế chim cánh cụt chẳng kiếm nổi được cá. Rutgers nói: “Khi họ đánh bắt quá nhiều cá ở đại dương, họ sẽ khiến các loài khác gần như không có gì để kiếm ăn”. Nói cách khác, chính con người đã chặt đứt chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái tại Nam Phi và chim cánh cụt, dù không bị săn bắt trực tiếp nhưng đã trở thành nạn nhân gián tiếp của con người.

Trải qua hàng triệu năm, chim cánh cụt châu Phi đã phát triển khả năng cảm nhận các tín hiệu trong nước để phát hiện con mồi là cá, chẳng hạn như nhiệt độ bề mặt thấp và hàm lượng chất diệp lục cao. Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp hơn do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến quần thể cá ở các khu vực ngoài khơi bờ biển Namibia và miền tây Nam Phi. Đây vốn là những “ngư trường” mà chim cánh cụt được lập trình để đến kiếm ăn. Do đó, biến đổi khí hậu đẩy chim cánh cụt vào cái mà các nhà khoa học gọi là “bẫy sinh thái”.

Katta Ludynia, nhà nghiên cứu chính của Tổ chức cho biết: “Nó giống như việc chúng ta đi theo biển hiệu dẫn đến nhà hàng và khi lái xe đến đó thì thấy nhà hàng đóng cửa trong khi bụng ta lại đói meo”.

Để giúp ngăn ngừa tổn thất thêm về nguồn cung cấp thức ăn vốn dành cho chim cánh cụt, chính phủ Nam Phi vào tháng 8 đã ra tay. Họ tuyên bố rằng sẽ cấm hoạt động đánh bắt cá thương mại và giải trí trong 10 năm bắt đầu từ tháng 1.2024 tại các khu vực kiếm ăn xung quanh sáu địa điểm sinh sản chính của chim cánh cụt Nam Phi. Chính phủ Nam Phi đã quyết định thành lập những khu vực bảo tồn này dựa trên khuyến nghị từ các báo cáo khoa học năm 2023 nêu rõ tình trạng của chim cánh cụt châu Phi. Báo cáo được viết bởi một nhóm chuyên gia chim cánh cụt quốc tế, các nhà kinh tế và đại diện nghề cá và được Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi ủy quyền.

Nhưng các tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, gồm cả Tổ chức, nói rằng các khu vực này vẫn không đủ lớn để có tác động đáng kể đến việc bảo vệ nguồn cung thức ăn cho chim cánh cụt. Hiện tại, Tổ chức và các nhóm bảo tồn khác như BirdLife Nam Phi và Quỹ Động vật hoang dã Thế giới - Nam Phi, đang đàm phán với các nhóm thủy sản để xác lập một khu vực bảo tồn rộng lớn hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu khiến chim cánh cụt châu Phi không còn chỗ ở