Các chuyên gia cho rằng thảm họa lũ quét từ hồ chứa băng tan (GLOF) bắt nguồn từ sông băng tan chảy, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng tăng do ô nhiễm mà con người gây ra và việc xây dựng không được kiểm soát trong khu vực.

Biến đổi khí hậu khiến sông băng ở Himalaya tan chảy và hậu quả khó lường

Anh Tú | 22/10/2023, 20:15

Các chuyên gia cho rằng thảm họa lũ quét từ hồ chứa băng tan (GLOF) bắt nguồn từ sông băng tan chảy, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng tăng do ô nhiễm mà con người gây ra và việc xây dựng không được kiểm soát trong khu vực.

songbang.jpg
Sông băng ở Himalaya đang tan chảy

Các nhà khoa học cho biết tác động cấp số nhân của biến đổi khí hậu kết hợp với việc xây dựng không được kiểm soát và tình trạng ô nhiễm đã tàn phá bang Sikkim (Ấn Độ), đồng thời cảnh báo rằng nhiều thảm họa như vậy ở dãy Himalaya có thể xảy ra cùng với sự gia tăng các hồ chứa băng tan.

Khi người dân Sikkim thu nhặt, dọn dẹp sau trận lũ quét khiến hàng nghìn người phải di dời, các dự án cơ sở hạ tầng lớn bị phá hủy và hàng chục người thiệt mạng hồi đầu tháng này, các chuyên gia cho biết các bang khác trên dãy Himalaya, bao gồm Himachal Pradesh, Arunachal Pradesh, Jammu và Kashmir, cũng dễ chịu ảnh hưởng bởi những thảm họa lũ quét từ hồ chứa băng tan (GLOF).

Các chuyên gia cho rằng GLOF bắt nguồn từ sông băng tan chảy, hậu quả của nhiệt độ ngày càng tăng do ô nhiễm mà con người gây ra và việc xây dựng không được kiểm soát trong khu vực. Các yếu tố như động đất và lượng khí thải carbon đen cũng góp phần trong đó.

Kỹ sư môi trường Mohammed Farooq Azam giải thích: "Đầu tiên, sự nóng lên toàn cầu đang dẫn đến nạn sông băng tan chảy rõ rệt hơn sau năm 2000 ở khu vực Himalaya. Các sông băng ngày càng co dần để lại những vùng nước trũng ở phía hạ nguồn. Những vùng trũng này chứa đầy nước tan chảy và tạo ra các hồ chứa băng tan, chúng thường được ngăn giữ bởi những con đập tự nhiên khá mỏng manh. Những hồ này ngày càng tăng về quy mô cũng như số lượng do hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra".

Tần suất của các đợt mưa cực lớn và các đợt nắng nóng ngày càng gia tăng, khiến các đập ngăn hồ chứa băng tan dễ bị phá thủng hơn. Đây là trường hợp trong thảm họa Kedarnath năm 2013 khiến hơn 5.000 người chết, do hồ chứa băng tan Chorabari bị vỡ đập và đó có lẽ cũng là điều đã xảy ra ở Sikkim.

Nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy GLOF, chuyên gia môi trường Anjal Prakash, cho biết: "Động đất, thường xảy ra ở các khu vực có hoạt động kiến tạo như dãy Himalaya, cũng có thể kích hoạt GLOF bằng cách làm mất ổn định sông băng hoặc con đập. Lở đất, thường do sự kết hợp của lớp băng vĩnh cửu tan và áp lực nước tăng lên, cũng có thể làm vỡ đập các hồ chứa băng tan. Các hoạt động của con người như xây dựng đường và nạn phá rừng trong hệ sinh thái núi mỏng manh càng góp phần gây ra GLOF".

Theo nhà nghiên cứu Rina Shah, mặc dù các nghiên cứu cho rằng lượng mưa và động đất là những yếu tố tiềm năng gây ra GLOF, nhưng vẫn còn một thách thức để xác định chính xác yếu tố nào có tác động đáng kể hơn.

Shah, đồng sáng lập tại Reading Himalaya, một công ty tư vấn chính sách và nghiên cứu cho biết: “Biến đổi khí hậu là một yếu tố rủi ro trong trường hợp này khi các ngọn núi vốn đã bị nguy cơ về môi trường do các đặc điểm sinh thái và địa hình”.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature tiết lộ một nửa trong số 215.000 sông băng trên Trái đất dự kiến sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này, ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5 độ C (so với thời tiền công nghiệp) đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Tiết lộ đáng báo động này đi kèm với một thống kê đáng lo ngại khác: thể tích các hồ chứa băng tan đã tăng 50% chỉ sau 30 năm. Trong khi các hồ băng tan có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào bị sông băng bỏ lại, các chuyên gia cho biết các điểm nóng GLOF chủ yếu tập trung ở khu vực phía đông và trung tâm dãy Himalaya.

Azam giải thích: “Tất cả các quốc gia thuộc dãy Himalaya đều có nguy cơ xảy ra GLOF trong tương lai do xu thế sông băng tan chảy ngày càng tăng dẫn đến việc tăng về cả số lượng và quy mô của các hồ chứa băng tan, sự gia tăng lượng mưa và sóng nhiệt thất thường”.

Nhà khoa học khí hậu Roxy Mathew Koll cảnh báo rằng khả năng xảy ra hiện tượng mây, mưa lớn, lở đất và băng hà đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt là ở các vùng miền núi, trong một thế giới đang nóng lên nhanh chóng.

Manshi Asher từ Tổ chức Hành động và Nghiên cứu Môi trường, Himdhara cho biết: "Himalaya được biết đến là vùng có nhiều hiểm họa và là những mối nguy hiểm có mối liên hệ với nhau - lũ lụt, lở đất, hoạt động địa chấn... Sẽ có những nguyên nhân và chu kỳ thiên tai trở nên trầm trọng hơn do các yếu tố khí hậu và sinh thái".

Ước tính có khoảng ba triệu người Ấn Độ hiện đang sống ở những khu vực luôn có mối đe dọa từ GLOF.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng do lượng khí thải carbon đen ngày càng tăng do đốt nhiên liệu hóa thạch. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng khi bụi sa mạc và carbon đen đọng lại trên sông băng, chúng sẽ đẩy nhanh quá trình tan chảy thông qua việc giảm suất phản chiếu khiến sông băng hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn.

Azam cho biết: "Việc phát triển du lịch trên Himalaya cũng ảnh hưởng đến khí hậu địa phương và tốc độ tan chảy sông băng. Ví dụ, các sông băng gần đường sá thường có nhiều carbon đen và bụi trên bề mặt hơn".

Prakash nói thêm rằng các hoạt động xây dựng xung quanh các ngọn núi làm gián đoạn hệ sinh thái, làm tăng nguy cơ lở đất và mất ổn định hồ, làm tăng tác động của biến đổi khí hậu, khiến GLOF xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Để giảm thiểu nguy cơ tiềm tàng từ GLOF, các nhà khoa học ủng hộ việc phân tích tỉ mỉ các hồ chứa băng tan bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung đặc biệt vào các hồ có khả năng gây nguy hiểm, đặc biệt là những hồ nằm ở thượng nguồn mà phía dưới là khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các nhà khoa học trước đó đã phát đi cảnh báo các sông băng ở dãy Himalaya vốn cung cấp nước quan trọng cho gần 2 tỉ người, đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do biến đổi khí hậu. Điều này khiến các cộng đồng trong khu vực phải đối mặt với những thảm họa khó lường và tốn kém.

Theo báo cáo của Trung tâm ICIMOD (một tổ chức liên chính phủ bao gồm các quốc gia thành viên Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan), các sông băng biến mất nhanh hơn 65% từ năm 2011 đến năm 2020 so với thập niên trước.

Tác giả chính Philippus Wester nói với AFP: “Khi trời ấm hơn, băng sẽ tan chảy, đó là điều đã được lường trước, nhưng điều bất ngờ và rất đáng lo ngại ở đây là tốc độ. Hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng".

Báo cáo cho biết các sông băng ở khu vực Hindu Kush Himalaya (HKH) là nguồn nước quan trọng cho khoảng 240 triệu người ở vùng cao nguyên, cũng như cho 1,65 tỉ người khác ở những vùng hạ lưu các sông.

Dựa trên đồ thị phát thải hiện tại, các sông băng có thể mất tới 80% thể tích hiện tại vào cuối thế kỷ 21. Các sông băng cung cấp nước cho 10 hệ thống sông quan trọng nhất trên thế giới, gồm cả sông Hằng, sông Ấn, Hoàng Hà, Mekong ( trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam) và Irrawaddy, đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp lương thực, năng lượng, không khí sạch và nguồn mưu sinh cho hàng tỉ người.

Izabella Koziell, Phó giám đốc ICIMOD cho biết: “Với 2 tỉ người ở châu Á phụ thuộc vào lượng nước mà các sông băng và tuyết ở đây giữ lại, hậu quả của việc mất "tầng lạnh" này (một vùng đóng băng) thật khó mà lường trước được”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu khiến sông băng ở Himalaya tan chảy và hậu quả khó lường