Khi mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu gia tăng, nông dân trở thành nạn nhân dễ bị tổn thương nhất do năng suất cây trồng giảm bất thường.
Kiến thức - Học thuật

Biến đổi khí hậu khiến Thái Lan e ngại vấn đề mất an ninh lương thực

Tú Anh 17:43 06/05/2024

Khi mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu gia tăng, nông dân trở thành nạn nhân dễ bị tổn thương nhất do năng suất cây trồng giảm bất thường.

thailan.jpg
Nông dân Thái Lan đang gắng tiếp thu các kiến thức nông nghiệp mới

Kịch bản đáng lo ngại

Theo Bangkok Post, các chuyên gia Thái Lan đang thúc giục chính phủ nước này đưa ra các kế hoạch để giảm thiểu vấn đề, trong đó an ninh lương thực là một trong những mối quan tâm lớn nhất của họ.

Giảng viên kinh tế tại Đại học Kasetsart, Witsanu Attavanich, người đang chủ trì một dự án nghiên cứu mang tên “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nền nông nghiệp Thái Lan” cũng lên tiếng về câu chuyện an ninh lương thực.

Trong dự án khởi động năm 2017, cây trồng thương mại của nước này được nghiên cứu dựa trên hai kịch bản canh tác: nhiệt độ tăng 2-3C và tăng 4,5C vào năm 2100.

Nghiên cứu cho thấy trong vòng 70 năm tới, tổng sản lượng gạo của Thái Lan sẽ giảm lần lượt là 10,18% và 13,33%. Sự sụt giảm nghiêm trọng có thể thấy ở các vùng không được tưới tiêu, chiếm 3/4 diện tích đất trồng lúa, lần lượt là 31,9% và 42,2%.

Thu hoạch trên mỗi rai (6,25 rai bằng 1 ha) đối với mía, sắn và sầu riêng cũng được dự đoán sẽ giảm trong 70 năm tới, với mía giảm tới 25%-35%.

Cần đào tạo nông dân kịp thích ứng

Ông Witsanu cho biết: “Hầu hết nông dân ở Thái Lan không thể thích ứng với biến đổi khí hậu và thiếu khả năng tiếp cận với công nghệ canh tác thông minh, khiến họ trở thành nhóm dễ tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng”.

Ông nói: “Các cơ quan chức năng đã trình bày một số kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu từ lâu nhưng vấn đề là người nông dân không thể biến kế hoạch thành hành động”.

Ông cho biết, nhiều nông dân thuộc thế hệ người cao tuổi gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy trình đổi mới kỹ thuật số và công nghệ mới. Ngoài ra, trong số 12,6 triệu nông dân ở Thái Lan, hầu hết sống ở vùng sâu, vùng xa nên khả năng tiếp cận công nghệ bị hạn chế hoặc thậm chí không có cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật số.

Ông Witsanu nói: “Nếu không có những biện pháp tốt để thích ứng và giảm thiểu hậu quả từ biến đổi khí hậu, đất nước (Thái Lan) sẽ phải đối mặt với tình trạng kém an ninh lương thực trong tương lai”.

Ông đề nghị chính phủ đầu tư nhiều hơn vào trữ lượng nước quy mô nhỏ ở các vùng sâu vùng xa như giếng và nguồn nước ngầm. Ngoài ra, ban ngành nhà nước nên hợp tác chặt chẽ với các tổ chức địa phương để đào tạo nông dân cách thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Witsanu khuyến cáo: “Chính phủ cần có kể hoạch trợ cấp cho nông dân bị mất sản phẩm do thiên tai. Tuy nhiên, những khoản trợ cấp như vậy cần được cấp kèm theo những điều kiện để hỗ trợ ngành nông nghiệp về lâu dài”, đồng thời ông nói thêm: “Tiền nên được chi vào nghiên cứu và cải thiện cơ sở hạ tầng, chứ không chỉ vào mỗi trợ cấp, vì điều này không tạo ra lợi ích bền vững”.

Cần giảm độc canh

Trong khi đó, ông Withoon Liemchamroon, giám đốc Quỹ BioThai, cho biết việc trồng cây độc canh là nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính và phá hủy an ninh lương thực. Ông nói: “Chúng ta phải quay trở lại với nông nghiệp bền vững bằng cách giảm sử dụng các hóa chất và phân bón độc hại”.

Ông Withoon cho rằng chính phủ nên tạo ra một công cụ pháp lý để buộc các doanh nghiệp độc quyền thực phẩm vốn có thói quen phát triển độc canh dẫn đến cản trở sự đa dạng và an ninh lương thực.

Ông nói: “Chính phủ nên hỗ trợ nhiều lựa chọn hơn trong việc phân phối thực phẩm để mở ra nhiều không gian hơn cho cạnh tranh thực phẩm”.

Ông Withoon cũng cho biết vấn đề an ninh lương thực suy giảm có thể khiến chính phủ chuyển sang hỗ trợ cây trồng biến đổi gien nhưng theo giám đốc Quỹ BioThai, điều này không lý tưởng để tăng cường an ninh lương thực.

Pirun Saiyasitpanich, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và Môi trường, cho biết nhiệt độ trung bình ở Thái Lan đã tăng 1,1 độ C và dự kiến sẽ tăng thêm 2-3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Ông Pirun cho biết Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan sẽ làm việc với các bên liên quan về kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, mà trong đó sẽ gồm cả vấn đề an ninh lương thực.

Phó Cục trưởng Cục Lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, ông Chitnucha Buddhaboon cho biết người nông dân trồng lúa đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu. Theo ông Chitnucha, việc tăng gia sản xuất để chạy theo sản lượng mà không quan tâm đến phương thức quản lý bền vững trong nhiều năm qua đã dẫn đến suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Trong bối cảnh đó, Chương trình hành động quốc gia của Thái Lan về chuyển đổi phương thức canh tác lúa gạo sẽ thúc đẩy các chính sách quốc gia về nghiên cứu, đổi mới phương thức canh tác theo hướng thân thiện với môi trường. Qua đó, bảo vệ sinh kế của người nông dân trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời hướng đến việc giảm tác động của việc trồng lúa đối với khí hậu và môi trường.

Phó Cục trưởng Cục Lúa gạo Thái Lan cũng cho biết, cơ quan này gần đây giới thiệu 10 giống lúa mới có chất lượng tốt hơn, có thể trồng ở bất kỳ khu vực nào của Thái Lan cũng như có khả năng chống hạn hán, lũ lụt và giảm việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Nằm trong mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia này, hàng chục nghìn nông dân Thái Lan sẽ được đào tạo để cải thiện phương pháp quản lý và sản xuất từ nay đến năm 2027. Người nông dân cũng được đào tạo cách tự sản xuất phân trộn tự nhiên và các sản phẩm kiểm soát sinh học, từ đó giảm chi phí canh tác cũng như giảm việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu 4 Ủy viên Bộ Chính trị
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu khiến Thái Lan e ngại vấn đề mất an ninh lương thực