Theo báo Business Insider, Mỹ và Philippines không ngán việc Trung Quốc ngày ngày hù dọa tàu và máy bay nước ngoài ở Biển Đông.

Biển Đông: Mỹ, Philippines vẫn tuần tra bất chấp cảnh báo của Trung Quốc

14/08/2018, 13:48

Theo báo Business Insider, Mỹ và Philippines không ngán việc Trung Quốc ngày ngày hù dọa tàu và máy bay nước ngoài ở Biển Đông.

Máy bay Mỹ vừa hoàn tất tuần tra FONOP - Ảnh: Reuters

Khi chỉ đạo phi công không quân Philippines phải duy trì bay tuần tra để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Tướng Carlito Galvez, Tư lệnh quân đội nước này nói Trung Quốc ngày ngày hù dọa tàu và máy bay nước ngoài ở Biển Đông.

Theo báo Inquirer, Văn phòng Tổng thống Rodrigo Duterte cũng khen phi công Philippines vẫn hoạt động tuần tra, bất chấp những hù dọa, cảnh cáo hung hăng của Trung Quốc.

Gần đây, khi một máy bay quân sự Philippines bay trên vùng Biển Đông tranh chấp, một giọng nói Trung Quốc đã phát qua radio: “Máy bay quân sự Philippines, tôi cảnh cáo các anh: hãy rời đi lập tức,nếu không các anh phải chịu trách nhiệm trước mọi hậu quả”.

Trung Quốc cũng thách đố quân sự Mỹ. Ngày 10.8, quân đội Trung Quốc phát 6 lời cảnh báo “Rời khỏi đây lập tức, và phải tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào” tới một máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của hải quân Mỹ bay 5.000km trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm.

Trung Quốc vốn tuyên bố ngang ngược rằng khu vực này là “một phần trong toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Nhưng phi công chiếc P-8A đã phản ứng lại sau từng câu tuyên bố của Trung Quốc: “Đây là máy bay hải quân Mỹ hoạt động quân sự hợp pháp ở không phận quốc tế, không đi vào không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào”. Ông cũng nói máy bay Mỹ thực hiện các quyền mà tuân thủ luật pháp quốc tế cho phép.

Theo Business Insider, giọng điệu Trung Quốc đối với máy bay Mỹ “mềm”hơn giọng dọa nạt máy bay Philippines, nhưng quân đội Mỹ vẫn thể hiện giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc.

Theo CNN, chiếc P-8A bay trên 4 Đá Xubi, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc ngang ngược chiếm và xây cơ sở quân sự.

Hải quân Mỹ cho biết phát hiện 86 tàu ở Đá Xubi, và phát hiện nhà chứa máy bay, một đường băng và một trạm radar lớn ở Đá Chữ Thập. Mỹ không phát hiện bất kỳ tên lửa nào, nhưng ghi nhận vài cơ sở có thể che giấu số tên lửa này.

Hải quân Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc lén lút dàn tên lửa phòng không HQ-9B, tên lửa chống hạm YJ-12B và chiến tranh điện tử trên các Đá Xubi, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.

Trung Quốc cũng phát cảnh cáo tới các tàu nước ngoài, nhất là khi hải quân Mỹ tiến hành tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc có quyền bảo vệ các cơ sở quân sự đã lập, và Trung Quốc sẽ “không bao giờ tấn công các nước khác, trừ phi chúng tôi bị tấn công”.

Phản ứng trước thông tin của CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Không điều gì có thể buộc Trung Quốc thay đổi quyết tâm giữ một vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Nam Hải, và quyết tâm bảo vệ an ninh, quyền lợi cùng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.

Trong khi đó, hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) vừa có cuộc tập trận Meizhou phòng không và chống tên lửa trên biển Hoa Đông hồi cuối tuần qua.

Theo Asia Times, trong cuộc tập trận này, một hộ tống hạm của Hạm đội Nam Hải trang bị tên lửa chống hạm và phòng không đã bắn rơi một tên lửa chống hạm đang bay tới. Trong khi đó, một tàu chiến của Hạm đội Đông Hải bắn hụt một tên lửa.

Theo Business Insider, cuộc tập trận này với 10 tàu chiến PLAN từ 3 quân khu nhằm chống mối đe dọa từ tên lửa Mỹ và Nhật Bản cùng các thế lực đối địch tiềm năng khác. Nó tiếp sau một cuộc tập trận lớn, qua đó máy bay, tàu ngầm của Mỹ, Úc và Nhật vào ngày 12.7 tập đánh chìm một tàu địch trên biển bằng một “màn mưa” tên lửa phóng cùng lúc từ trên bộ, trên không và trên biển.

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình người Trung Quốc, đã nói với Hoàn cầu thời báo: “Ngăn chặn tên lửa chống hạm là nhiệm vụ khẩn cấp khi những đe dọa tăng”, ý chỉ sự đe dọa từ Nhật, Mỹ cùng các nước khác hoạt động quân sự gần Trung Quốc.

Ông Tống còn nói: “Khả năng chống tên lửa là cần thiết để xây dựng một chiến lược hiệu quả cho PLAN. Các cuộc tập trận này là để bảo đảm PLA sẵn sàng chiến đấu”.

Cuộc tập trận này tiếp sau hai cuộc tập trận hải quân của PLAN ở biển Hoàng Hải và Biển Đông. Trung Quốc đang tăng cường tập khả năng chiến đấu của PLAN và đóng tàu sân bay mới, trong nỗ lực phô trương cơ bắp ở các vùng biển tranh chấp như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Để phản ứng với hoạt động tập trận của PLAN ở biển Hoa Đông, nơi mà Nhật - Trung tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vào cuối năm nay Nhật sẽ triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến tham gia các cuộc tập trận.

Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh này từng ngưng hoạt động từ sau Thế chiến 2, nhưng được tái lập hồi tháng 3, để chống lại nguy cơ Trung Quốc đe dọa lãnh thổ Nhật, theo Business Insider.

Bích Ngọc (theo Business Insider)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Đông: Mỹ, Philippines vẫn tuần tra bất chấp cảnh báo của Trung Quốc