Trong những ngày qua, thông tin về cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan được đưa tin khá rộng rãi. Tuy nhiên, không phải tất cả đều biết cuộc khủng hoảng ở Sudan có thể làm lung lay nền hòa bình mong manh ở Nam Sudan và cả khu vực.

Biến động Sudan làm lung lay Nam Sudan, Giáo hoàng phải ra tay

13/04/2019, 07:42

Trong những ngày qua, thông tin về cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan được đưa tin khá rộng rãi. Tuy nhiên, không phải tất cả đều biết cuộc khủng hoảng ở Sudan có thể làm lung lay nền hòa bình mong manh ở Nam Sudan và cả khu vực.

Giáo hoàng Francis quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan - Ảnh: Internet

Quân đội đảo chính và lật đổ tổng thống lâu năm của Sudan đã nhanh chóng làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu biến động này có làm mất ổn định các thỏa thuận hòa bình mong manh của nước láng giềng Nam Sudan sau 5 năm nội chiến hay không?

Giữa tiếng cười và tiếng vỗ tay trên đường phố Juba - thủ đô của Nam Sudan, đã có lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi Omar Al Bashir bị phế truất. Al Bashir có thể coi là nhà độc tài ở Sudan nhưng ông lại người có vai trò đóng góp cho thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan từ năm noái.

"Vẫn còn quá sớm để ăn mừng", Jacob Chol, nhà phân tích chính trị và giáo sư cao cấp tại Đại học Juba nói. Sự sụp đổ của ông Al Bashir có thể có tác động tiêu cực (với Nam Sudan) khi ông là người thúc đẩy các bên tham chiến của Nam Sudan thực hiện thỏa thuận hòa bình, ông nói.

Ông Al Bashir trong nhiều thập niên đã chủ trương chống lại miền Nam Sudan, nhưng cuối cùng vẫn không cản được chính quyền Juba tách ra khỏi miền Bắc năm 2011 và trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới. Nhưng kể từ khi phân ly, Al Bashir lại chủ trương thúc đẩy hòa giải, mặc dù vẫn để mắt đến những mỏ dầu hấp dẫn của Nam Sudan.

"Nếu Khartoum không còn có thể đặt ảnh hưởng của mình lên Juba, thì các nhà lãnh đạo của Nam Sudan sẽ quyết định xem họ có muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình hay không và họ có thể phải tự mình làm điều đó mà không còn ảnh hưởng từ Al Bashir", Alan Boswell, nhà phân tích quan hệ quốc tế cấp cao cho biết.

Người dân Nam Sudan vốn đặt hy vọng vào thỏa thuận hòa bình được ký vào tháng 9 năm ngoái sau đầy rẫy những trì hoãn và bùng phát giao tranh. Theo dự kiến, một tháng sau, nhà lãnh đạo phe đối lập Riek Machar ​​sẽ quay trở lại Nam Sudan để một lần nữa giữ chức Phó tổng thống, một cách chia sẻ quyền lực với Tổng thống Salva Kiir. Nhưng thỏa thuận mong manh này càng khó nói trước khi Al Bashir đã không còn.

Hiện giờ, các phần chính của thỏa thuận hòa bình vẫn chưa được thực hiện bao gồm việc xác định ranh giới nội bộ và tạo ra một quân đội quốc gia thống nhất. Một khi những thỏa thuận mang tính chất bản lề chưa được neo chắc thì chỉ cần một vết rạn nhỏ cũng đủ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Khủng hoảng ở Sudan gây nguy cơ xung đột ở Nam Sudan cao đến mức vào thứ 5 tại Vatican, Giáo hoàng Francis đã quỳ xuống và hôn chân các nhà lãnh đạo các bên của Nam Sudan trong một hành động được mô tả là khiêm nhường chưa từng thấy để kêu gọi các phe phái ở Nam Sudan tăng cường tiến trình hòa bình đang chùn bước.

Các nhà lãnh đạo Nam Sudan tỏ ra sững sờ khi vị giáo hoàng 82 tuổi, bị đau chân mạn tính, được các trợ lý giúp đỡ khi ông quỳ xuống một cách khó khăn để hôn chân hai thủ lĩnh đối lập chính và một số người khác.

Theo hãng tin Reuters, Giáo hoàng Francis kêu gọi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và 3 phó tổng thống tôn trọng một hiệp định đình chiến mà họ ký kết, đồng thời thực hiện cam kết thành lập chính phủ thống nhất vào tháng tới.

"Tôi nói với các bạn như một người anh em để gìn giữ hòa bình, bằng cả trái tim. Sẽ có nhiều vấn đề nhưng chúng sẽ không khuất phục được chúng ta. Hãy giải quyết vấn đề của các bạn" - Giáo hoàng Francis nói.

"Sẽ có những cuộc đấu tranh, bất đồng giữa các bạn nhưng hãy giữ chúng bên trong các bạn, bên trong văn phòng. Còn trước mặt mọi người, hãy nắm tay nhau đoàn kết" - Giáo hoàng Francis phát biểu bằng tiếng Ý, sau đó được trợ lý dịch sang tiếng Anh.

Cho đến giờ, chính phủ Nam Sudan vẫn phủ nhận việc ông Al Bashir bị hạ bệ sẽ ảnh hưởng đến chính trường Juba. "Thỏa thuận hòa bình không dựa trên một người. Nó dựa trên các quy định", phát ngôn viên chính phủ Ateny Wek Ateny nói. Bất cứ ai lên nắm quyền ở Sudan là một vấn đề nội bộ, ông nhấn mạnh.

Trên đường phố Juba, rất đông người dân đã tụ tập để thảo luận về việc hạ bệ ông Al Bashir và tương lai của nước láng giềng Sudan. Một số người Nam Sudan đã gửi thông điệp hòa bình đến người dân nước láng giềng.

"Có những đứa trẻ đã phải dành cả cuộc đời dưới thời Al Bashir. Xin chúc mừng giới trẻ ở Sudan. Họ không nên sống với một nhà độc tài", Martin Wani, một doanh nhân nói. "Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới là vô vọng. Đã đến lúc cả hai miền Sudan sống trong hòa bình", Akon Kual, một thợ sửa xe cho biết.

Người dân di cư gốc Sudan cũng tỏ ra hạnh phúc. Những bất ổn kinh tế gần đây ở Sudan khiến nhiều người bỏ xuống Nam Sudan. Ismail Alteib cho biết ông đến Juba bốn năm trước vì đó là một lựa chọn tốt hơn so với cuộc sống ở Khartoum. Bây giờ Al Bashir bị phế bỏ, ông Ismail đang cân nhắc chuyện về quê nhà.

Tuy nhiên, Sudan không còn Al Bashir vẫn chứa đựng nhiều bất ổn. Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Mohamed Ibn Auf tuyên bố quân đội sẽ nắm quyền 2 năm sau khi ông Al Bashir bị phế truất trong khi những người biểu tình giận dữ muốn khôi phục ngay nền dân chủ. Nhưng nếu Nam Sudan bất ổn và giao tranh thì có lẽ lại có một cuộc di cư ngược lên Sudan.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến động Sudan làm lung lay Nam Sudan, Giáo hoàng phải ra tay