Theo Bộ Công an, vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành theo thời hạn. Nếu các nghị định này không được ban hành, nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không có kinh phí triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
Theo dòng thời sự

Bộ Công an: Chậm ban hành 3 nghị định gây 'nghẽn' Đề án 06

Lam Thanh 10/06/2024 15:00

Theo Bộ Công an, vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành theo thời hạn. Nếu các nghị định này không được ban hành, nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không có kinh phí triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.

Tại cuộc họp sáng 10.6, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Công văn số 452/TTg-KSTT, ngày 23.5.2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các "điểm nghẽn" về Đề án 06.

3 nghị định chậm ban hành ảnh hưởng lớn đến triển khai Đề án 06

Theo Bộ Công an, về pháp lý, việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 TTHC cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa.

Vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành theo thời hạn. Trong đó, Văn phòng Chính phủ (Nghị định về 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”).

Bộ Thông tin và Truyền thông (Nghị định sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5.9.2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước).

Bộ Tài chính (Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng).

Nếu các nghị định này không được ban hành thì nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không có kinh phí triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; thời gian đầu tư kéo dài, các đơn vị gặp nhiều khó khăn khi đã được cấp kinh phí.

bca-1.jpeg
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an

Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng tới việc các bộ, ban, ngành không áp dụng được quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau khi được phân bổ kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước năm 2024, dẫn đến việc triển khai Đề án 06 trong năm 2024 - 2025 thất bại.

Còn 1 địa phương (Cần Thơ) chưa hoàn thành việc ban hành các nghị quyết miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Điều này có thể khiến người dân không được hưởng lợi miễn giảm phí, lệ phí và không khuyến khích người dân tham gia, tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến.

Nhiều bộ, ngành chậm trễ trong dịch vụ công trực tuyến

Điểm nghẽn thứ hai về dịch vụ công trực tuyến: Còn 6 bộ, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia đối với 6 TTHC.

Điều này có thể khiến người dân, doanh nghiệp không được thụ hưởng các tiện ích trên môi trường điện tử; không được thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử mà phải thực hiện bằng phương thức truyền thống.

Còn 6 bộ, ngành (Ngoại giao, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ) chưa hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Việc này có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chuyển hóa các thủ tục hành chính lên môi trường điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lo ngại về bảo mật

Về hạ tầng công nghệ, còn 11 bộ, ngành và 8 địa phương chưa thực hiện gửi báo cáo kết quả, rà soát, đánh giá đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh mạng theo Công văn số 708/BTTTT-CATTT ngày 2.3.2024 của Bộ TT-TT.

Còn 10 bộ, ngành và 3 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

dean06-1677208049046950052087-17076466276501868435934.jpg
Đẩy mạnh triển khai Đề án 06

Ngoài ra, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp (tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%).

Qua thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mới chỉ có Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Các bộ, ngành còn lại chưa thực hiện. Người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp trong khi dữ liệu đất đai đã được số hóa trên môi trường điện tử.

“Nguy cơ đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu 50% TTHC liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm”, ông Hùng nói.

Điểm nghẽn nữa là về bảo mật: Còn 21/100 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng; 11/100 hệ thống thông tin của 4 Cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Điều này dẫn đến nguy cơ chưa thẻ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến chưa cắt giảm, tối ưu quy trình nội bộ của các đơn vị, hệ thống bị tấn công, dữ liệu bị lộ lọt ảnh hưởng đến người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Về nguồn lực triển khai, các bộ, ngành, địa phương chưa có đề xuất về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án thuộc Đề án 06 trong nội bộ các đơn vị; các nhiệm vụ của đề án manh mún, chắp vá, không được triển khai một cách tổng thể. Nguy cơ, dẫn đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có căn cứ báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh.

Bộ Tài chính cũng chưa hoàn thành rà soát, lập phương án phân bổ tiếp các khoản chi của ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06.

Nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không được kịp thời bố trí kinh phí để đầu tư, mua sắm phục vụ triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.

Tính đến hết tháng 4.2024, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 TTHC), trong đó có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã giúp tiết kiệm 3.500 tỉ đồng/năm.

Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử; tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến tiết kiệm được 32 tỉ đồng mỗi tháng; tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử giúp tiết kiệm khoảng 450 tỉ đồng mỗi tháng…

Bộ Công an

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21.11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến ngày 23.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công an: Chậm ban hành 3 nghị định gây 'nghẽn' Đề án 06