Về vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan điều tra nhận thấy có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi và các bị can bước đầu đã nhận tội, phối hợp với cơ quan điều tra.

Bộ Công an thông tin vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng và vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự

Lam Thanh | 04/04/2022, 19:35

Về vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan điều tra nhận thấy có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi và các bị can bước đầu đã nhận tội, phối hợp với cơ quan điều tra.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.2022 diễn ra chiều 4.4, trả lời báo chí về việc khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, đại diện Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: hơn một năm nay dư luận sôi sục, bàn tán và cơ quan công an đã khởi tố bà Hằng theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Bộ Công an đang tập trung điều tra, làm rõ, sớm công bố với dư luận.

Về vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, ông Xô cho biết cơ quan điều tra nhận thấy có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi và các bị can bước đầu đã nhận tội, phối hợp với cơ quan điều tra.

“Các bị can rất tinh vi, có phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, xảy ra trong một thời gian dài và có một số đối tượng đối phó rất quyết liệt, khiến tốn nhiều thời gian trong xác minh vụ việc. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm việc với một số cơ quan, địa phương để làm rõ vụ việc. Thời gian tới có lẽ sẽ có những bước đột phá trong vụ việc này”, ông Xô nói.

hb.jpg
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.2022 - Ảnh: Lam Thanh

Về việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian qua, dịch bệnh có những biến động phức tạp nhưng đã chuyển biến tích cực. Hiện nay cả nước đã có 92,17% học sinh trở lại trường học trực tiếp. Chiều nay Hà Nội cũng đã công bố kế hoạch ngày 6.4 đưa học sinh trở lại trường, nâng tổng số lên 97% học sinh trở lại học trực tiếp. Riêng cấp mầm non thì 62/63 tỉnh thành đã cho học trở lại. 

Cung cấp thông tin tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, về công tác phòng chống dịch, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định dịch bệnh cơ bản được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3, cho thấy rõ hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể, số ca mắc mới, tử vong giảm lần lượt 37% và 28% so với tuần trước. Tính đến giữa tháng 3, tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,1%, giảm so với tháng trước (0,7%); số ca tử vong/100.000 dân của 30 ngày qua ghi nhận là 3 ca (giảm 1 ca so với tháng trước).

Tuy nhiên, theo ông Sơn, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng xuất hiện thêm biến chủng mới. Thủ tướng cũng yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, chuẩn bị các phương án ứng phó, bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong; tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin trong thời gian tới, đặc biệt tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Về phát triển KTXH, ông Sơn cho hay, quý 1 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Đặc biệt, GDP quý 1 tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý 1 đạt kỷ lục với 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp (nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao)...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công an thông tin vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng và vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự