Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa chính thức lên tiếng cảnh báo về việc một số nhà mạng đang "ăn chặn" tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ giá trị gia tăng - VAS (dịch vụ GTGT), đồng thời cũng hướng dẫn khách hàng cách kiểm tra các dịch vụ cài đặt để tránh tình trạng này.

Bộ Công Thương chính thức cảnh báo người tiêu dùng việc bị nhà mạng móc túi

Duyên Duyên | 28/09/2016, 17:19

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa chính thức lên tiếng cảnh báo về việc một số nhà mạng đang "ăn chặn" tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ giá trị gia tăng - VAS (dịch vụ GTGT), đồng thời cũng hướng dẫn khách hàng cách kiểm tra các dịch vụ cài đặt để tránh tình trạng này.

Ngày 28.9, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phát đi thông tin cảnh báo và hướng dẫn người tiêu dùng tránh rơi vào tình trạng bị móc túi thông qua các dịch vụ giá trị gia tăng.

Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, nếu trước đây, thoại và tin nhắn là các dịch vụ chủ yếu được sử dụng thì ngày nay các dịch vụ giá trị gia tăng mới là “mảnh đất màu mỡ” mà các nhà mạng đang tập trung vào khai thác.

"Dịch vụ GTGT đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, nhưng cũng mang đến nhiều phiền toái. Một trong nhưng vấn đề người tiêu dùng thường xuyên gặp phải khi sử dụng dịch vụ viễn thông di động là việc các nhà mạng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng", Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Theo phân tích của đơn vị này, khi người tiêu dùng mua SIM trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý SIM trên toàn quốc thì có một thực tế hầu như không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên SIM.

Đó là các vấn đề như: SIM đã được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng chưa? Nếu có thì những dịch vụ nào? Đó là các dịch vụ được đăng ký để sử dụng “chính thức” hay là các dịch vụ được “dùng thử”? Hết hạn dùng thử có bị “tự động gia hạn” không? Cú pháp hủy dịch vụ là gì? Có mất phí không?....

"Ngay cả khi người tiêu dùng đã thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ GTGT không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho người tiêu dùng “dùng thử” các dịch vụ GTGT.

Trong trường hợp người tiêu dùng không muốn sử dụng thì cần huỷ ngay theo cú pháp (trong tin nhắn quảng cáo) vì trong trường hợp không huỷ mà hồn nhiên “dùng thử” thì một số dịch vụ sẽ được tự động gia hạn mà không cần sự cho phép của người tiêu dùng", Cục Quản lý cạnh tranh phân tích.

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, việc đăng ký sử dụng một dịch vụ GTGT nhất định thông thường sẽ kèm theo một số dịch vụ GTGT khác mà người tiêu dùng không biết. Ví dụ như khi đăng ký dịch vụ GTGT 3G, người tiêu dùng sẽ mặc nhiên đăng ký thêm dịch vụ Data (giữ liệu di động) và nếu trong trường hợp người tiêu không hủy dịch vụ 3G hoặc không đăng ký dịch dịch vụ 3G trọn gói thì chi phí truy cập mạng internet sẽ tăng rất cao, có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn.

Một số lưu ý cho người tiêu dùng

Không thể phủ nhận xu thế phát triển của điện thoại di động nói chung và các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại nói riêng. Vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để khai thác sử dụng các dịch này phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, đồng thời tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.

Từ đó, Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra một số dấu hiệu để người tiêu dùng dễ nhận biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Cụ thể, khách hàng thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung tương tự từ một đầu số nhất định; và tiền cước hàng tháng tăng bất thường (đối với di động trả trước) hoặc tài khoản bị trừ một khoản tiền bất thường (thuê bao di động trả sau).

Trên cơ sở đó, Cục này cũng hướng dẫn người tiêu dùng một số cách thức để tránh việc bị móc túi từ nhà mạng.

Theo đó, khi thấy những dấu hiệu bất thường và nghi ngờ việc điện thoại di động của mình đã và đang bị tự động kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng, người tiêu dùng nên tiến hành các bước như sau:

Bước 1: Liên hệ với tổng đài của các bên cung cấp dịch vụ để kiểm tra danh sách các ứng dụng dịch vụ GTGT được đăng ký trên số thuê bao của mình:

Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel:

- Số tổng đài miễn phí: 18008198 - Đây là số tổng đài trả lời tự động của Viettel.

- Số tổng đài tính phí: 19008198 hoặc 0989.198.198 (tính phí như cách tính cước phí thông thường) - Hỗ trợ trực tiếp từ các tổng đài viên.

- Hoặc soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 1228 (để TRA CỨU các dịch vụ đang đăng ký sử dụng).

Công ty Thông tin di động Việt Nam - Mobiphone:

- Số tổng đài 9090 (200 đồng/phút nội mạng)

- Số tổng đài: 18001090 (Miễn phí) đây là tổng đài trả lời tự động, bạn chỉ việc thao tác theo hướng dẫn của tổng đài.

- Hoặc soạn tin nhắn với cú pháp là KT gửi 994.

Công ty Dịch vụ Viễn thông - Vinaphone:

- Số tổng đài 9191: Đây là đường dây hỗ trợ khách hàng trong nước phục vụ 24h/7 để tư vấn, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc về sản phẩm, dịch vụ của mạng VinaPhone và hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp (như báo mất máy, mất SIM). Mức cước gọi 9191 là 200 đồng/phút nội mạng (đã bao gồm VAT) theo phương thức tính cước 1+1 và áp dụng cho thuê bao trả trước từ ngày 1/12/2010. Thuê bao VinaPhone trả sau được miễn cước.

- Soạn tin nhắn với cú pháp là TK gửi 123

Ngoài ra, để tránh việc các nhà mạng tự động gửi tin nhắn quảng cáo dạng FLASH, người tiêu dùng có thể trực tiếp vào Menu SIM trên điện thoại và tắt tất cả các ứng dụng nhận tin nhắn quảng cáo dạng FLASH (V-Live, Liveinfo, Viettel Plus) nếu không có nhu cầu sử dụng.

Bước 2: Tiến hành soạn tin nhắn để từ chối các dịch vụ theo hướng dẫn của tổng đài viên.

Bước 3: Thường xuyên, liên tục kiểm tra để tự bảo vệ mình.

Nếu người tiêu dùng có khiếu nại hoặc có thắc mắc cần tư vấn thì có thể liên hệ Tổng đài tư vấn người tiêu dùng 1800 6838 (miễn phí), sẽ được Cục Quản lý cạnh tranh trợ giúp.

Trước đó, theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, qua quá trình thanh tra đã phát hiện chỉ trong 3 năm (từ tháng 1.2013 đến tháng 1.2016), hơn 93.000 khách hàng của 3 nhà mạng: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnammobile đã phải chi trả dịch vụ cho Công ty Sam Media cung cấp với số tiền 230 tỉ đồng.

Công ty này đã thực hiện các dịch vụ gửi tin nhắn mời tham gia, quảng cáo dịch vụ. Sau khi người dùng xác nhận tham gia thì tài khoản khách hàng bắt đầu bị trừ tiền. Tuy nhiên, nội dung hủy dịch vụ có cỡ chữ rất nhỏ so với nội dung quảng cáo, khiến người dùng khó quan sát.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương chính thức cảnh báo người tiêu dùng việc bị nhà mạng móc túi