Ngày 25.9, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ các thầy cô giáo nâng cao hiệu quả sử dụng SGK bằng cách hướng dẫn học sinh không nên viết vào SGK tránh lãng phí.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng và tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng nhiều lần, Bộ GD-ĐT đã ký chỉ thị yêu cầu các giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng lâu bền.
Ngoài ra, chỉ thị cũng nêu sở GD-ĐT chỉ đạo việc phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng GD-ĐT cũng yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập. Nhà xuất bản phải báo cáo về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa trước khi xuất bản.
SGK in cùng sách bài tập để học sinh làm bài luôn vào sách
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài.
Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập. Hiện nay, Bộ GDĐT đang yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK, gây lãng phí.
Sắp tới, khi tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ quán triệt với các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng học sinh viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay", ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc ban hành một công văn hướng dẫn quản lý, phát hành và sử dụng SGK cần phải đi từ cái tâm và cái tầm của nhà quản lý. "Bộ GD-ĐT nên phát động phong trào giữ gìn SGK sạch đẹp và khuyến khích trưng mua lại với giá rẻ hoặc cho lại nhà trường để tập trung lại và hỗ trợ cho các trẻ thuộc gia đình nghèo đi học đỡ phải mua SGK cho năm học mới,chứ Bộ GD-ĐT không nên đưa ra chỉ thị sẽ mang tính áp đặt".
Dạ Thảo