Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho năm học 2022-2023.

Bộ GD-ĐT loay hoay tìm giải pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 05/10/2022, 09:40

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho năm học 2022-2023.

Cả nước thiếu 94.700 giáo viên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Quốc hội cho biết đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.

Bộ cũng yêu cầu các tỉnh cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Các đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; chỉ đạo sắp xếp các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

giang-duong-3.jpg
Thiếu giáo viên khiến việc dạy học và nhiều hoạt động của nhiều trường bị ảnh hưởng

Tính đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn Tin học và Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ năm lớp 3, nhưng hai bộ môn này thiếu giáo viên trầm trọng. Riêng môn Ngoại ngữ, để thực hiện dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông  mới cho lớp 3 năm học 2022-2023. Theo Bộ GD-ĐT, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho hai năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Tương tự, để đủ cho cả 3 năm, cả nước sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh. Với môn Tin học, theo Bộ GD-ĐT, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cả nước cần bổ sung thêm 3.684.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Hướng đi nào cho ngành giáo dục khi thiếu giáo viên?

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, cho rằng để phát triển được đội ngũ giáo viên thì cần xem xét lại tính đặc thù của giáo viên và xây dựng chính sách phù hợp. Cần có sự thống nhất trong quan điểm giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT về cách tính định biên giáo viên và vấn đề thừa, thiếu giáo viên theo các lớp. Bộ GD-ĐT nên chủ động xác định cách tính phù hợp với địa bàn, vùng miền khác nhau. Sắp xếp hợp lý tại các địa phương tăng dân số cơ học, di dân để tránh thừa thiếu cục bộ giáo viên tại một số địa phương, khu vực, đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, tập trung vào một số cơ sở đào tạo mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm. Bộ cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo làm cơ sở hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu, chiến lược, phát triển đội ngũ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng,... giải quyết tình trạng thừa thiếu phổ biến giáo viên, cán bộ quản lý để bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng.

lop-1.jpg
Tình trạng thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các tỉnh miền núi

Được biết hiện nay các tỉnh thành cũng tự xoay sở về việc ưu tiên phân công giáo viên bộ môn còn thiếu tiết dạy tập trung vào dạy các môn học còn thiếu, hạn chế tình trạng phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm và công tác khác (do phải giảm trừ tiết dạy). Để giải bài toán về biên chế giáo viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tiêu chí “cần” là đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Đặc biệt cần chú trọng về chính sách nhà giáo để có những giải pháp phù hợp và tuyển dụng để có cơ chế thu hút người giỏi, có chính sách lương bổng phù hợp để nhà giáo yên tâm sống được bằng thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề dạy học.

Theo các chuyên gia giáo dục cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT đã có chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có giáo viên để tuyển dụng là vấn đề nhiều địa phương đang gặp phải. Lý do là vì tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn so với trình độ của giáo viên đang dạy hợp đồng tại địa bàn. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên và giáo viên tiểu học là trình độ ĐH. Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, một số địa phương kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng và gia hạn để các giáo viên này tiếp tục học tập để nâng chuẩn.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một Sở GD-ĐT cho biết hiện nay ở tỉnh thành đa số là giáo viên trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, nhưng việc tuyển dụng yêu cầu trình độ Đại học cũng là một khó khăn trong công tác tuyển dụng. Có những trường hợp đặc biệt là trình độ Cao đẳng và các giáo viên cũng có kinh nghiệm, muốn tuyển dụng thì họ không đồng ý với mức lương vừa đưa ra.

Từ bất cập trong công tác tuyển dụng và đào tạo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT chỉ ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên đã xảy ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương, trường học. Tuy nhiên, bài toán này rất khó giải vì liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách. Vì thế, ngành Giáo dục rất cần sự sẻ chia của các ngành, các cấp có thẩm quyền để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT loay hoay tìm giải pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên