Ngày 21.1, Bộ GD-ĐT đã ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường để giảm áp lực không cần thiết cho giáo viên.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo các giám đốc Sở GD-ĐT, trưởng Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các nhà trường không được quy định thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định của điều lệ hoặc quy chế nhà trường đã được Bộ GD-ĐT ban hành.
Chỉ thị nêu giáo viên được phép chọn hình thức viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng sổ ghi chép. Nhà trường từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhà trường.
Theo chỉ thị của Bộ GD-ĐT, ngoài việc cấm phát sinh sổ sách không cần thiết, còn khuyến khích các nhà trườngáp dụng các phần mềm soạn giáo án, sổ điểm điện tử thuận tiện...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường cũng cho phép hiệu trưởng có thể theo dõi được quá trình giáo viên cập nhật nội dung cho giáo án/bài giảng, quá trình cập nhật theo dõi học sinh mà không cần yêu cầu giáo viên phải trình các sổ sách, báo cáo bản in, viết tay…
Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT- BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Trước đó, trong chuyến công tác, được nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu”. Ông Nhạ cũng khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.
Dạ Thảo