Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ.

Bộ GTVT: Không để Grab độc quyền, sẽ dùng vốn ACV mở rộng Tân Sơn Nhất

30/03/2018, 12:21

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ.

Grab thâu tóm Uber gây lo ngại độc quyền thị trường - Ảnh: Internet

Không để Grab "một mình một chợ"

Tại cuộc họp báo định kỳ quý 1/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra chiều 29.3, những vấn đề nóng như: mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; Grab "thâu tóm" Uber ở Đông Nam Á, phương án xử lý BOT Cai Lậy... được đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến việc Grab mua Uber liệu có khiến người sử dụng thiệt thòi vì chỉ còn độc quyền, mất tính cạnh tranh hay không, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh. Cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là Bộ Công Thương.

"Hiện tại Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương đã vào cuộc. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ mua bán này. Phía Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người dân theo đúng chức trách nhiệm vụ của mình", ông Ngọc khẳng định.

Ông Ngọc cũng cho biết thêm hiện Bộ GTVT đang đánh giá, tổng kết tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 về quản lý kinh doanh vận tải, vấn đề này cũng sẽ được tính tới, sao cho người dân kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hành khách.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, theo Luật Doanh nghiệp thì việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp.

"Lo ngại về độc quyền là chính đáng. Tuy nhiên, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp, trong đó cả những hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ để điều hành, quản lý cũng như kinh doanh vận tải khách nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Về quyền lợi của người lái xe Uber, Thứ trưởng khẳng định Bộ GTVT với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, sẽ hỗ trợ tối đa người lao động trong phạm vi chức trách. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ, không để Grab độc quyền.

Sử dụng vốn của ACV mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Liên quan tới việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Thủ tướng Chính phủ đồng ý với bộ GTVT về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của công ty Tư vấn ADP-I (Pháp). Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất cần mở rộng bến đỗ, nhà ga, đường lăn, đường kết nối là rất cấp thiết.

Theo phương án mở rộng, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía Nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỉ đồng.

Diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf Tân Sơn Nhất và 16ha đất do Bộ Quốc Phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistics và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi. Bộ GTVT sẽ phối hợp với công ty Tư vấn Pháp rà soát để chỉnh sửa quy hoạch hiện hữu, hoàn thiện phương án của đơn vị tư vấn.

"Việc mở rộng sân bay sẽ sử dụng quỹ đất quốc phòng để thực hiện. Nguồn tiền sẽ sử dụng vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV). ACV là nhà đầu tư và kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác. Hiện nay, việc quá tải tại Tân Sơn Nhất là rất hiện hữu nên bộ đang xác định việc mở rộng sân bay là cấp thiết", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Đông, sau khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm và phục vụ cả dân dụng lẫn quân sự, được sử dụng lâu dài cùng sân bay Long Thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT: Không để Grab độc quyền, sẽ dùng vốn ACV mở rộng Tân Sơn Nhất