Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP).
Dự thảo lần này đã đưa ra khái niệm mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, khoản 2, điều 3 nêu: Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Theo Bộ GTVT, sở dĩ đưa ra sự điều chỉnh khái niệm này nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan đến hoạt động vận tải. Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Đồng thời, Bộ cho rằng điều này tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Hai khái niệm về “kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi” và “kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định” về cơ bản được giữ nguyên so với bản dự thảo trình ngày 30.1.2019. Theo đó, xe taxi là ô tô dưới 9 chỗ, có đồng hồ tính tiền hoặc kết nối hành khách qua phần mềm, còn xe hợp đồng không theo tuyến cố định là sử dụng ô tô thực hiện hợp đồng vận chuyển với hành khách bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử qua phần mềm.
Tuy nhiên, trong điều 7 quy định về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng có bổ sung quy định: Trường hợp ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30cm.
Việc bổ sung quy định này, theo Bộ GTVT nhằm “bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với taxi. Đồng thời, làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này.
“Tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm, gây ùn tắc) và không công bằng trong hoạt động vận tải”, tờ trình nêu.
Với những quy định trên, các doanh nghiệp đang sở hữu các ứng dụng như Uber, Grab, Emddi, Bee, Vato… có thể lựa chọn mình kinh doanh vận tải theo loại hình là “taxi điện tử” hoặc “xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử”, nhưng về quy định áp dụng là gần như nhau. Đặc biệt, xe taxi điện tử phải có mào “TAXI”, còn xe hợp đồng điện tử phải có mào “XE HỢP ĐỒNG”.
Dự thảo cũng nêu: “Trước ngày 1.10.2019, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm để tính tiền, đặt xe, hủy chuyến đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày nghị định này có hiệu lực thì phải được cấp lại phù hiệu xe taxi để kinh doanh theo quy định tại nghị định này”.
Theo quy định trên, tất cả xe hợp đồng đang vận chuyển khách sử dụng các ứng dụng điện tử như Grab, Emddi, Bee, FastGo… đều phải thực hiện theo các quy định của loại hình taxi.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải nhận được ý kiến về xe hợp đồng điện tử theo hai nhóm. Thứ nhất, các hiệp hội taxi yêu cầu quy định chặt chẽ hoạt động của Grab, chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình "hợp đồng điện tử" vì không có trong Luật Giao thông đường bộ.
Nhóm ý kiến thứ hai là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và một số chuyên gia kinh tế, đề nghị xe dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm khi chở khách sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định về taxi điện tử.
Lam Thanh